Báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2020 của các ngân hàng cho thấy xu hướng cắt giảm nhân sự tại ngân hàng mẹ và các công ty con đã diễn ra mạnh hơn trong năm chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19.

Tại một số ngân hàng, mức cắt giảm nhân viên lên tới vài nghìn chỉ tiêu chỉ sau một năm.

Báo cáo tài chính riêng quý IV/2020 của OCB cho biết đến cuối năm 2020, tổng số nhân viên công tác tại ngân hàng này là 4.415 người, tăng 73 người so với cuối quý III cùng năm. Tuy nhiên, nếu so với số lượng đầu năm, OCB đã cắt giảm 1.546 chỉ tiêu nhân sự. Số cắt giảm kể trên tương đương gần 1/4 nhân viên ngân hàng này mất việc năm qua.

Không chỉ OCB, xu hướng cắt giảm nhân sự nói trên còn được ghi nhận tại một loạt ngân hàng lớn Eximbank, VPBank, MBBank, SHB hay Sacombank.

Cụ thể, với 5.508 nhân viên công tác tại ngân hàng mẹ đến cuối năm 2020, Eximbank đã cắt giảm 783 nhân sự so với đầu năm, tương đương mức giảm 12%.

Tương tự, hơn 500 nhân viên tại Sacombank cũng mất việc năm vừa qua khi nhà băng này giảm số lượng nhân viên từ 18.108 người hồi đầu năm 2020, xuống 17.595 người cuối năm. Đáng chú ý, những năm trước đó, Sacombank luôn là ngân hàng thường xuyên tuyển thêm nhân viên để phục vụ kế hoạch mở mới các phòng giao dịch, chi nhánh.

{keywords}
 

Ngay tại MBBank, một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất hệ thống, năm vừa qua cũng ghi nhận xu hướng cắt giảm nhân sự.

Đến cuối năm 2020, số lượng nhân viên tại MBBank là 9.417 người, giảm 365 chỉ tiêu so với đầu năm. Đáng chú ý, không chỉ giảm số lượng nhân viên, MBBank còn cắt giảm cả chi phí lương và thu nhập khác của nhân viên.

Trong đó, mức chi cho nhân viên tại MBBank năm vừa qua đã giảm gần 8%, tương đương mức giảm ròng hơn 300 tỷ đồng. Điều này kéo theo thu nhập bình quân nhân viên ngân hàng mẹ giảm từ 33,9 triệu đồng/tháng năm 2019, xuống mức 31,4 triệu/tháng năm 2020.

Còn tại VPBank, một trong những ngân hàng có tốc độ gia tăng số lượng nhân sự mạnh nhất những năm trước, đến nay đã ghi nhận xu hướng ngược lại.

Đến cuối 2020, số lượng nhân viên công tác tại ngân hàng mẹ VPBank là 9.402 người, giảm 34 người so với đầu năm. Tuy nhiên, nếu tính theo số lượng nhân viên trung bình công tác trong năm, nhà băng này đã cắt giảm 1.032 nhân viên năm qua.

{keywords}
Không chỉ bị giảm thu nhập, hàng nghìn nhân viên ngành ngân hàng năm vừa qua đã mất việc do chính sách cắt giảm nhân sự của ngân hàng mẹ. Ảnh: Hoàng Hà.

Không riêng tại các ngân hàng mẹ, xu hướng cắt giảm nhân sự trong ngành còn diễn ra mạnh hơn tại các công ty con của ngân hàng.

Theo đó, nếu tính cả số lượng nhân viên mất việc tại công ty con, VPBank mới là nhà băng có số giảm nhân sự nhiều nhất. Tính đến cuối năm 2020, số lượng nhân viên hợp nhất tại VPBank là 20.991 người, giảm 6.091 người, tương đương gần 1/4 tổng số nhân viên tại VPBank và các công ty con hồi đầu năm.

Nếu tính theo số lượng nhân viên bình quân trong năm (chỉ bao gồm các nhân viên chính thức), ngân hàng này cũng đã cắt giảm hơn 3.200 vị trí nhân sự.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nguồn thu của ngân hàng bị ảnh hưởng, riêng mảng tín dụng tiêu dùng xác định ngừng tăng trưởng để kiểm soát cho vay.

Bên cạnh đó, do tham gia vào chương trình giảm lãi suất cho vay nên NIM của ngân hàng cũng sụt giảm. Để bù đắp, ngân hàng phải tìm cách giảm chi phí vốn, cắt giảm chi phí hoạt động. Dù số lượng nhân sự bị cắt giảm khá nhiều nhưng thu nhập bình quân nhân viên ngân hàng lại tăng.

Tại MBBank, ngoài việc giảm 365 vị trí nhân sự tại ngân hàng mẹ, nhà băng này còn cắt giảm 474 nhân viên tại các công ty con, nâng tổng số nhân sự bị cắt giảm năm vừa qua lên mức 839 người.

Tương tự tại HDBank, nếu tính riêng ngân hàng mẹ, số lượng nhân viên ngân hàng vẫn tăng 325 người, nhưng số lượng nhân viên ghi nhận trên báo cáo tài chính hợp nhất lại giảm 216 người. Như vậy, tính riêng tại các công ty con, HDBank đã cắt giảm khoảng 541 nhân viên trong năm.

(Theo Zing)