Cam kết chưa từng có

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa có cuộc họp chính sách đầu tiên kể từ khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bùng nổ tại Mỹ khiến hơn 1 triệu người nhiễm và gần 60 ngàn người tử vong.

Tuyên bố nổi bật nhất trong cuộc họp là nước Mỹ sẽ chịu tác động nặng nề và Fed cam kết giữ nguyên mức lãi suất gần 0% cho đến khi việc làm và lạm phát hoàn toàn phục hồi.

Theo đó, cơ quan tạo lập chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ tiếp tục duy trì mục tiêu lãi suất hiện tại ở mức từ 0%-0,25% cho đến khi tin tưởng rằng nền kinh tế đã vượt qua được những biến cố gần đây và trên đà đạt được mục tiêu bình ổn việc làm và giá cả tối đa.

Ông Jerome Powell, chủ tịch Fed trong cuộc họp báo trực tuyến ngay sau cuộc họp của Fed cho biết cơ quan này sẽ triển khai “tất cả các công cụ” và Fed sẽ có thêm các hành động cụ thể để hỗ trợ cho kinh tế Mỹ hồi phục mạnh mẽ.

Người đàn ông quyền lực số 1 trong hệ thống tài chính nước Mỹ cũng cho biết, Fed còn dư địa để có thể hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất thế giới bởi các chính sách tín dụng của cơ quan này “không chịu giới hạn cụ thể nào”. Fed có thể mở rộng chính sách tín dụng nếu cần và thậm chí đưa ra các chính sách mới.

{keywords}
Fed đưa ra cam kết chính sách chưa từng có.

Như vậy, đây là cam kết chính sách mạnh mẽ chưa từng có của Cục dự trữ liên bang Mỹ và nó có thể phá vỡ những quy tắc trăm năm tuổi và viết lại khái niệm của ngân hàng trung ương nước Mỹ. Fed có thể phá vỡ tiền lệ để mở rộng cho vay với các doanh nghiệp, các bang và thành phố trong nỗ lực bảo vệ nền kinh tế Mỹ. Câu chuyện về điều kiện vay khắt khe, sự cân nhắc kỹ lưỡng rủi ro cũng như kế hoạch thu hồi lại tiền… có thể sẽ khác trước rất nhiều khi mà Fed thực hiện chương trình nới lỏng định lượng không giới hạn.

Cam kết chính sách chính sách chưa từng có của Fed được đưa ra ngay sau khi Mỹ công bố GDP quý 1 giảm 4,8% và nhiều khả năng rơi vào suy thoái sâu trong quý 2, có thể tới -12%, thậm chí có dự báo giảm tới 40-60% so với cùng kỳ.

Mức giảm 4,8% trong quý 1 chính thức chấm dứt đã tăng trưởng kinh tế dài kỷ lục của Mỹ. Nó cũng đánh dấu mức suy thoái mạnh nhất trong gần 8 thập kỷ do đại dịch Covid-19 khiến gần như tất cả các hoạt động của doanh nghiệp Mỹ ngưng trệ, người dân chôn chân trong nhà.

Theo đánh giá của Fed, cuộc khủng hoảng y tế công Covid-19 sẽ tác động nặng nề lên hoạt động kinh tế, việc làm và lạm phát trong ngắn hạn, và gây ra những rủi ro đáng kể đối với triển vọng kinh tế trong trung hạn.

Tuy nhiên, những cam kết về chính sách cho thấy cơ quan này cũng đã dự phòng cho những kịch bản xấu hơn. Mức giảm 4,8% của GDP Mỹ trong quý 1 thực sự là đáng ngại bởi đây là thời điểm nền kinh tế Mỹ gần như vẫn hoạt động bình thường, với 80% khoảng thời gian.

{keywords}
Ông Trump cho biết, Trung Quốc muốn ông thua trong cuộc bẩu cử Mỹ sắp tới.

Donald Trump có thêm cơ hội

Trái ngược với sự lo ngại của Fed, thị trường chứng khoán Mỹ đã phản ứng tich cực trong phiên đêm qua (giờ Việt Nam). Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng hơn 535 điểm (+2,2%) lên 24.634 điểm; chỉ số tầm rộng S&P 500 thậm chí tăng 2,7% còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng vọt hơn 3,6%.

Những cam kết mạnh mẽ của Fed đã thổi một luồng khí mát lên thị tường chứng khoán Mỹ. Mức lãi suất thấp và những chính sách mới có thể giúp các doanh nghiệp Mỹ hồi phục nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, thông tin tích cực về thuốc chữa cho bệnh nhân Covid-19 cũng đã giúp cải thiện tâm lý của các nhà đầu tư Mỹ. 

Giá dầu trong phiên giao dịch đêm qua (giờ Việt Nam) cũng đã bật tăng 22% lên 15,88 USD/thùng sau khi có thông tin cho thấy, tồn trữ dầu thô của Mỹ tăng ít hơn so với dự kiến và tồn trữ xăng giảm, làm gia tăng lạc quan tiêu thụ nhiên liệu sẽ hồi phục, nhất là khi một số nước châu Âu và tiểu bang Mỹ nới lỏng các hạn chế do đại dịch Covid-19.

Với tổng thống Mỹ Donald Trump, cam kết duy trì lãi suất ở mức sát 0% với thời gian không hạn định như Fed vừa công bố có lẽ là điều đáng quan tâm nhất. Trước đó, trong cả năm 2019 và đầu 2020 ông Trump đã có rất nhiều lần chỉ trích ông Jerome Powell về việc duy trì lãi suất Mỹ ở mức cao trong khi lãi suất ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới thấp hơn nhiều, thậm chí âm (như ở Nhật và châu Âu) khiến kinh tế Mỹ khó cạnh tranh.

{keywords}
Nước Mỹ đón thông tin tốt về thuốc chữa cho bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.

Đại dịch Covid-19 đã nhanh chóng làm thay đổi quan điểm chính sách của Fed với 2 lần giảm sốc trong tháng 3/2020 và đưa ra hàng loạt chương trình có quy mô tổng cộng hàng ngàn tỷ USD nhằm hỗ trợ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Với tuyên bố của Fed, nước Mỹ sẽ tiếp tục chương trình siêu nới lỏng định lượng, đua tranh trong cuộc chiến tiền tệ cùng hàng loạt các nước trên phạm vi toàn cầu.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc có lẽ cũng sẽ bước sang một giai đoạn khác, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 khiến quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh trở nên căng thẳng hơn.

Trong nhiều năm qua, ông Donald Trump luôn chống lại một đồng Nhân dân tệ (NDT) và euro yếu, mà qua đó, theo vị tổng thống thứ 45 của Mỹ, khiến Mỹ bị thâm hụt thương mại với 2 thị trường này là rất lớn. Ông Trump đã liên tục có những chỉ trích Trung Quốc duy trì một đồng NDT cao để có lợi thế trong thương mại với Mỹ.

Cuối 2019, thương mại Mỹ-Trung có tín hiệu hạ nhiệt sau khi Bắc Kinh ký vào bản thỏa thuận thương mại giai đoạn với Mỹ với khá nhiều nhượng bộ, trong đó có việc tăng cường mua nông sản Mỹ. Nhưng đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều thứ. Quan hệ Mỹ-Trung sắp tới có lẽ không chỉ còn tập trung ở những cam kết mua-bán như trong năm 2019, nhất là khi cuộc bầu cử Mỹ đang ngày càng đến gần và nền kinh tế Mỹ chưa thể sớm thoát ra khỏi tình trạng suy giảm.

M. Hà