Quy định pháp lý về hồi tố

CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai vừa công bố BCTC hợp nhất kiểm toán. Theo đó, ghi nhận theo Nghị định 20, lỗ lũy kế của công ty này tính đến cuối năm 2019 là 2.555 tỉ đồng.

Thực tế của DN do bất hợp lý của nghị định này cũng là lí do để mới đây Hiệp hội BĐS Việt Nam phải kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quy định hiệu lực hồi tố cho Nghị định sửa đổi bổ sung NĐ 20/2017. Theo các chuyên gia, việc hồi tố này hoàn toàn đúng pháp luật và như nguồn trợ lực cho doanh nghiệp trong tình thế khó khăn vì Covid-19.

Là người đã nhiều lần lên tiếng về những bất hợp lý của khoản 3, Điều 8, Nghị định 20/2017, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico, khẳng định việc sửa đổi quy định này là cần thiết và không có vướng mắc về pháp lý.

“Tôi khẳng định việc hối tố là đầy đủ cơ sở pháp lý bởi điều 152 Luật ban hành văn bản pháp luật năm 2015 đã nêu rõ, trong trường hợp cần thiết để đảm bảo lợi ích chung của xã hội, thực hiện quyền, lợi ích của tổ chức nhân, văn bản quy phạm pháp luật được quy định hiệu lực trở về trước (hồi tố). Điều này cũng đã được Bộ Tư pháp cho ý kiến khẳng định là không vướng mắc”, luật sư Đức nói.

Trước đó, khi được xin ý kiến về việc này, cơ quan quản lý cao nhất về pháp luật là Bộ Tư pháp đã nêu quan điểm tại công văn số 891/BTP-PLDSKT ngày 13/3/2020: “Việc hồi tố hay không hồi tố đối với trường hợp này đều không có vướng mắc về mặt pháp lý mà chủ yếu phụ thuộc vào quan điểm chính sách”.

{keywords}
 

Cùng với Bộ Tư pháp, đa số thành viên Chính phủ đã đồng ý cho phép hồi tố Nghị định 20 xử lý đối với các năm 2017, 2018 và cho phép chuyển chi phí lãi vay không được được trừ sang các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng không quá 5 năm.  

Trên thực tế đã có một số trường hợp cho hồi tố, như Nghị định 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 về thuế thu nhập doanh nghiệp hay Công văn số 4769/BTC-TCT ngày 07/04/2016 của Bộ Tài chính về chính sách thuế với hoạt động đầu tư thường xuyên.

Trong các trường hợp này, khoản thuế đã nộp thừa đều được hoàn lại hoặc bù trừ với số thuế phải nộp của kỳ thuế tiếp theo. Vì thế, các chuyên gia cho rằng việc hồi tố với Nghị định 20 cần được thực hiện để  thể hiện sự nhất quán trong chính sách.  

Minh bạch và giữ ổn định ngân sách

Cũng theo các chuyên gia có thể vận dụng Luật Quản lý thuế hiện hành để xử lý số tiền thuế doanh nghiệp bị tính sai. Theo đó, 4.875 tỷ đồng phải hoàn trả sẽ được khấu trừ dần vào tiền thuế doanh nghiệp phải nộp các năm tiếp theo. Điều này không làm phát sinh chi ngân sách năm 2020 cũng không cần quyết toán lại ngân sách các năm 2017, 2018 mà vẫn đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp. 

“Theo nguyên tắc, việc bồi hoàn luôn chỉ là trả lại những khoản đã thu được và tối đa không vượt quá mức đã thu được này nên sẽ không thể xảy ra việc ngân sách Nhà nước bị mất tiền khi áp dụng hồi tố”, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nêu ý kiến. 

Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc khấu trừ, bồi hoàn trên là sự điều chỉnh chung với các doanh nghiệp chứ không phải là ưu đãi cho riêng trường hợp cụ thể nào, điều này rất khách quan nên không sợ xin - cho.

Hiện nay, theo cơ chế tự tính, tự khai, tự nộp thì người nộp thuế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những sai phạm khi bị cơ quan Nhà nước phát hiện. Và với hơn 1.000 doanh nghiệp bị tác động bởi Nghị định 20 cần phải điều chỉnh thì đây không phải là số lượng quá lớn khiến cơ quan Thuế không thể giám sát được nên Bộ Tài chính cũng không cần phải lo ngại sẽ phát sinh tiêu cực.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, việc Bộ Tài chính giữ quan điểm không cho hồi tố là chưa phù hợp. “Luật thuế quy định rất rõ về thời hạn truy thu thuế đối với những hành vi vi phạm lên tới 10 năm. Vậy tại sao những khoản nộp thừa lại không bù trừ cho doanh nghiệp vào các năm tiếp theo? Vấn đề là phải sòng phẳng và sửa tận gốc. Nếu doanh nghiệp có dấu hiệu trốn thuế, chuyển giá thì 1 đồng cũng phải thu, nhưng đây là thu sai, doanh nghiệp không chuyển giá, không ăn bớt”, ông Đức nhận xét.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, thậm chí phải sửa đổi tận gốc “cái sai” của Nghị định 20. Cụ thể, nội dung khoản 3, Điều 8, Nghị định 20. “Phải bỏ điều khoản này, giống như việc bỏ trần chi phí quảng cáo cho doanh nghiệp trong năm 2015”, luật sư Đức kiến nghị. “Nhà nước phải khuyến khích bởi đó là chi phí thực của doanh nghiệp, không có lý nào lại ngăn cấm hay hạn chế. Nhiều doanh nghiệp lỗ mà vẫn phải nộp thuế hàng trăm tỷ”.

Hiện nay, trong bối cảnh doanh nghiệp cả nước đang khó khăn vì đại dịch Covid-19 thì các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là những chính sách hợp tình hợp lý như cho phép hồi tố Nghị định 20, được xem như nguồn trợ lực cho doanh nghiệp đang khó khăn vì đại dịch Covid- 19.

“Nghị định 41 vừa ban hành mới chỉ gia hạn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp. Trong cuộc họp trực tuyến với các địa phương ngày 10/4 bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn do Covid-19, Thủ tướng đã khẳng định sẽ có chính sách mạnh hơn giúp kinh tế bật dậy”, Chủ tịch HĐTV công ty Luật Basico kết luận.

 Hoàng Hải