Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2021, ngày 18/11, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức phiên Hội thảo chuyên đề 10 với chủ đề “Phát triển ngân hàng thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Kinh tế trung ương đánh giá: Để xây dựng và phát triển kinh tế số thì một trong những ngành đóng vai trò rất quan trọng đó là ngành ngân hàng, được coi là huyết mạch của nền kinh tế quốc dân và cũng là ngành xác định là ngành tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số, phát triển, đề xuất các chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ 4, đối với ngành ngân hàng thì Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên cơ sở Nghị quyết 52 và Quyết định 749 về chiến lược chuyển đổi số quốc gia, đã ban hành Kế hoạch số 810 ngày 11/5/2021 về kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

{keywords}
Chuyển đổi số ngành ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ.

Trong kế hoạch này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng xác định một trong những mục tiêu tổng quát là phát triển ngân hàng số, ngân hàng thông minh. Và quá trình triển khai Nghị quyết 52 trong hơn 2 năm qua, thì ngành ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số đã thu được nhiều kết quả tích cực, với sự tham gia của cộng đồng các ngân hàng, cũng như là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển đổi số.

Tuy nhiên theo lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, thực tiễn đặt ra là để thúc đẩy chuyển đổi số đạt được mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 52 cũng như là trong Kế hoạch 810 đặt ra là nhiều vấn đề hoàn thiện thể chế, chính sách cần tiếp tục được hoàn thiện, không chỉ tập trung hoàn thiện trong lĩnh vực thanh toán như thời gian vừa qua mà nhiều vấn đề cần hoàn thiện chính sách cho các ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số cũng như tạo ra môi trường vừa cạnh tranh.

Đồng thời, cũng đặt ra các khuôn khổ thử nghiệm có kiểm soát thì cũng đặt ra các yêu cầu, cũng như là hoàn thiện các văn bản quy định pháp luật, đặc biệt là Luật giao dịch điện tử cũng như các khuôn khổ pháp luật khác cũng đặt ra yêu cầu là thời gian tới cần triển khai mạnh mẽ hơn để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật cho chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, cũng như là thúc đẩy cho phát triển ngân hàng thông minh nói riêng. 

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Các thành tựu CMCN 4.0 đã được ứng dụng mạnh mẽ và rộng rãi vào các dịch vụ ngân hàng cốt lõi (thanh toán, tín dụng, tiết kiệm), thanh toán trên thiết bị di động tăng trưởng mạnh hàng năm (90% về số lượng và 150% về giá trị). Nhiều ngân hàng có trên 90% giao dịch trên kênh số; ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực (theo McKinsey).

Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập với việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với hầu hết các dịch vụ số khác trong nền kinh tế mang lại các trải nghiệm liền mạch trên mọi lĩnh vực và tiện ích cho người dùng dịch vụ trên không gian số;..

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng. Để thực hiện mục tiêu nói trên, trong thời gian tới NHNN sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là chuyển đổi nhận thức; chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho hoạt động chuyển đổi số. Hai là tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi quá trình chuyển đổi số. Ba là phát triển hạ tầng số, kết nối, chia sẻ dữ liệu ngân hàng với dữ liệu ngành, lĩnh vực khác. Bốn là phát triển các mô hình ngân hàng số, ứng dụng công nghệ CMCN 4.0 để cung ứng sản phẩm, dịch vụ an toàn tiện lợi với chi phí thấp. Năm là đảm bảo an toàn, an ninh mạng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.

H.Duy