- Không phải phải bò Mỹ, cá hồi, cũng không phải trứng cá tầm hay tôm hùm… năm 2016, những món ăn như bèo tây, tóp mỡ, bong bóng cá, sâu bọ trở thành thời thượng khiến nhiều người liên tưởng rằng giới nhà giàu Việt đang quay lại thập niên những năm 80, ăn những món cứu đói.
Đồ ăn cứu đói giá nửa triệu
Năm 2016, trong vòng vây thực phẩm bẩn, người dân bị cuốn vào vòng xoáy tìm thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn, trong đó, không ít người cẩn trọng hơn, quay lại ăn những loại thực phẩm dân dã đồng quê tạo nên trào lưu dùng đồ ăn cứu đói giá nửa triệu.
Mở đầu cho trào lưu ấy là vào những tháng đầu năm, người dân Hà Nội bắt đầu săn mua tóp mỡ, loại tóp mà theo như các cụ thời xưa nói ở thời kỳ bao cấp, thịt lợn hiếm phải chờ có tem phiếu mới mua được mấy lạng. Mua về rồi thì cắt ra phân loại, thịt nạc để làm ruốc cho các con ăn dần, phần mỡ đem rán lên lấy mỡ xào nấu sau này. Còn tóp mỡ cũng được cất đi để ăn dần.
Món tóp mỡ thời bao cấp bỗng trở thành đặc sản được săn lùng |
Thế mà thời nay, thịt lợn bán đầy chợ vậy mà vẫn có người săn mua tóp mỡ về ăn. Đáng chú ý hơn, những khách mua ấy không phải dân lao động, nhà nghèo mà toàn là khách ở nhà lầu, đi xe hơi… nhưng vẫn phải chia đếm từng miếng tóp mỡ trong bữa cơm. Và để có được cân tóp mỡ ăn dân cũng phải bỏ ra 150.000-170.000 đồng.
Không chỉ với tóp mỡ, bóng cá – một phần nội tạng của con cá được bỏ đi hoặc để nấu cám cho lợn ăn thì nay bỗng nhiên được người dân lùng mua khắp các chợ lớn nhỏ, gom từng chiếc bóng một để về chế biến được đĩa bóng cá xào dưa chua, xào ớt. Song, để có được 1kg bóng cá, người dân cũng phải bỏ ra tới nửa triệu đồng/kg.
Tương tự, để được thưởng thức đĩa sâu tre chiên giòn hay đĩa ve sầu rang lá chanh, người dân Hà Nội cũng phải băng rừng, vượt suối, vất vả ngược xuôi để tìm mua chúng với giá 400.000-500.000 đồng/kg.
Nhưng đó chưa phải là tất cả, trong năm 2016, ngoài những loại rau dại được liệt vào danh sách rau “cứu đói”, dân Hà thành còn chấp nhận đi cả trăm cây số về những vùng nông thôn để kiếm bèo tây về nấu ăn thay cho các loại rau xanh – chuyện trước đây chỉ thấy xuất hiện trong tác phẩm văn học. Còn thời nay, ở các vùng quê bèo tây cũng chỉ để làm thức ăn cho lợn, gà, vịt.
Ấy vậy mà, dù không phải đói kém, thậm chí cuộc sống còn có phần dư giả, có của ăn của để… thế nhưng dân Hà Nội đến bèo tây cũng phải tìm mua về ăn. Nhiều người, để có ăn còn phải đặt hàng tới cả tuần, thậm chí chờ tới nửa tháng trời.
Món sâu tre lạ miệng được nhiều người trèo đèo lội suối tìm mua |
Phong cách thời bao cấp trỗi dậy
Tại sao người đô thị hay nói một cách khác là những người giàu có thời nay lại phải ăn những món ăn thời bao cấp, ăn món ăn của thời kỳ đói kém bởi đa phần những món ăn trên trước kia đều có thể tự đi kiếm về ăn mà không mất một đồng đến một đồng xu.
Câu chuyện trên nghe có vẻ lạ nhưng nói ra thì cũng chẳng có gì. Bởi, sống trong vòng vây thực phẩm bẩn, dân thành thị, đặc biệt là giới nhà giàu có nhu cầu tìm đến các loại thực phẩm sạch, thực phẩm tự nhiên.
Đơn cử, họ sợ chất tạo nạc có trong miếng thịt lợn và nghĩ tóp mỡ chắc chắn sẽ được làm từ con lợn không có chất tạo nạc vì nhiều mỡ; bèo tây mọc đầy ở kênh rạch, người nông dân chỉ dùng làm thức ăn cho lợn gà nên chúng cũng chẳng phải phun bất cứ một loại thuốc trừ sâu nào; hay như sâu tre, sống trong ống tre nên cũng đảm bảo sạch tuyệt đối…
Song, ngoài nguyên nhân sạch, dân đô thị quyết chi cả nửa triệu đồng cho mỗi món ăn trên còn vì ngon, ăn lạ miệng hơn so với các món ăn gà, cá, lợn bán ngoài chợ.
Nhiều người giàu về tận vùng quê xa xôi mua bèo tây để đảm bảo sạch hơn rau ngoài chợ |
Chia sẻ về những câu chuyện trên, một lãnh đạo trong Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp cho rằng, kiểu tự cung tự cấp, kiểu tự kiếm thực phẩm ăn hàng ngày mà chúng ta vẫn thấy là kiểu sống ở từ những năm 80.
Khi đó, hàng hóa chưa có nhiều, mua được một gói mì chính, vài lạng thịt lợn, một mảnh vải phải có tem phiếu. Theo đó, thực phẩm đa phần đều tự nhà làm hoặc đi ra đồng bắt con cua, con ốc, cất con tôm, con tép để sống qua ngày. Và thỉnh thoảng, nhà có buồng chuối chín, có con gà quê lại tay xách nách mang lên thành phố gửi cho con cho cháu ăn.
Những hình ảnh đó giờ lại xuất hiện và xuất hiện này càng nhiều. Đi ra bến xe khách thấy nhà nhà, người người ra lấy đồ ăn ở quê gửi lên. Nào là rau xanh, cá, thịt, trứng… cứ đóng thành từng túi, từng hộp, từng bao tải chất lên xe rồi chở về đủ cả chẳng thiếu thì gì.
“Cứ thế, nhiều gia đình ở thành phố dựa chủ yếu vào nguồn cung thực phẩm từ quê gửi xuống để sống qua ngày và nhìn vào cách duy trì cuộc sống thì không khách gì cách sống ở thời kỳ bao cấp”, vị lãnh đạo này nói.
Băng Dương