Trung Quốc cung cấp gần 80% đất hiếm sử dụng trong nhiều sản phẩm công nghệ bao gồm cả điện thoại thông minh, động cơ xe hybrid và xe điện trên toàn cầu.

Trước mối lo ngại Bắc Kinh sẽ áp dụng một số hình thức hạn chế xuất khẩu, giá đất hiếm đã tăng vọt trong vài tháng qua.

Biện pháp "hung hăng" có thể gây phản ứng ngược

Giá neodymium và dysprosium (sử dụng trong nam châm) đã tăng 30% lên mức lần lượt là 68,5 USD và 290 USD/kg kể từ tháng 4. Cả hai vật liệu này đều rất quan trọng: neodymium củng cố từ trường nhưng hoạt động suy yếu dưới nhiệt độ cao. Vì các động cơ sẽ tỏa nhiệt cao khi hoạt động nên dysprosium được thêm vào để giúp neodymium chống nóng.

Càng nhiều xe điện và xe hybrid (xe sử dụng cả động cơ đốt trong và động cơ điện) tung ra thị trường thì nhu cầu về những khoáng sản này càng tăng. Chính Washington cũng không đưa những vật liệu này vào danh sách mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc phải chịu mức thuế 25% gần đây.

{keywords}
Khai thác và sản xuất đất hiếm tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Các chuyên gia nhận định Bắc Kinh có vẻ sẽ không sử dụng tới những biện pháp đáp trả “hung hăng” như trước đây để tránh căng thẳng cực độ với Mỹ.

Trung Quốc đã từng ra sắc lệnh hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản năm 2010. Tuy nhiên, để đối phó với tình hình khan hàng và tăng giá đất hiếm, các công ty Nhật Bản ngay lập tức cắt giảm lượng tiêu thụ và thực hiện tái chế.

Theo Hội Kim loại Mới Nhật Bản, lượng cầu về các khoáng chất đất hiếm giảm từ 32.390 tấn vào năm 2007 xuống chỉ còn 13.197 tấn trong năm 2012.

Ngay trong năm đó, Mỹ cũng có những động thái nhằm khôi phục hoạt động khai thác và sản xuất đất hiếm trong nước bằng việc đề xuất Đạo luật về Chuỗi Cung ứng Công nghệ và Chuyển đổi Tài nguyên Đất hiếm (RESTART), dù đạo luật sau đó không được thông qua.

Sự kiện này đã để lại cho Trung Quốc bài học bằng việc tự đẩy nền công nghiệp khai thác và sản xuất đất hiếm của mình vào thế khó khi sử dụng công cụ hạn chế xuất khẩu. Bởi vậy, việc Trung Quốc sử dụng đất hiếm như công cụ để củng cố vị thế của mình dường như chỉ có thể nhằm mục đích “nhắc nhở” hơn là đáp trả thực sự.

Đạo luật RESTART không được ban hành khiến giá đất hiếm trên thị trường Mỹ chạm sàn nhiều năm và công ty khai thác Molycorp phải tuyên bố phá sản năm 2015. Mỹ dừng hẳn việc khai thác và sản xuất đất hiếm từ 2016 cho tới năm ngoái, khi đơn vị thực hiện cuộc Khảo sát Địa lý Mỹ công bố nước này đã trở lại sản xuất được 15.000 MT đất hiếm.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa đủ khả năng phân tách đất hiếm. Quặng thô được khai thác từ mỏ Mountain Pass rồi phải xuất sang Trung Quốc, nơi sở hữu công nghệ phân tách hiện đại nhất thế giới, để xử lý. Trung Quốc đã áp thuế 25% lên quặng đất hiếm nhập khẩu từ Mỹ sang chế biến tại Trung Quốc từ 1/6.

Mỹ tìm biện pháp thay thế

Mỹ đang nỗ lực lấp đầy khoảng cách trong chuỗi cung ứng đất hiếm của mình. Lynas, nhà sản xuất đất hiếm của Australiađược đánh giá là lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc, thông báo đã ký thỏa thuận với một công ty chế biến đất hiếm của Mỹ là Blue Line để thành lập liên doanh, xây dựng cơ sở phân tách đất hiếm ngay trên đất Mỹ.

Ngoài ra, Mỹ hoàn toàn có khả năng đưa quặng sang phân tách tại một nước thứ ba ngoài Trung Quốc như Việt Nam, Myanmar và Estonia với chi phí rẻ hơn.

Bởi vậy, Trung Quốc đang cực kì thận trọng trong vấn đề này để tránh làm tổn hại tới vị thế của mình. Hội đồng Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã khuyến cáo các nhà sản xuất đất hiếm nước này từ bỏ phương pháp sản xuất cũ và tập trung vào đầu tư, nghiên cứu nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm.

{keywords}
Đàm phán thương mại đang bế tắc giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khởi động lại tuần tới. Ảnh: Tân Hoa xã.

Bắc Kinh cũng hạn chế nhập khẩu đất hiếm từ Myanmar để tránh buôn lậu. Myanmar là nơi có trữ lượng lớn dysprosium và terbium - những đất hiếm có khối lượng trung bình mà rất ít nơi trên Trái Đất có được. Một lượng lớn quặng đất hiếm từ đây được nhập khẩu trái phép vào Trung Quốc, thậm chí Myanmar chiếm tới 85% lượng đất hiếm nhập khẩu vào Trung Quốc.

Do đó, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dường như không (hoặc chưa) có ảnh hưởng đáng kể tới thị trường linh kiện điện tử sử dụng nam châm làm từ đất hiếm. Trung Quốc càng sử dụng đất hiếm như một vũ khí để tự vệ và đáp trả thì Mỹ càng thu hút được nhiều khoản đầu tư và phát triển về lĩnh vực này, Nikkei Asian Review nhận định cuối cùng sẽ chỉ có Trung Quốc mới chịu cảnh “gậy ông đập lưng ông”.

(Theo Zing)