- Một kết quả ngoài dự đoán đối với các đại gia ngành cá tra Việt: niềm mong ước xuất khẩu lần đầu vượt mốc 2 tỷ USD nay đã trở thành hiện thực. Đóng góp phần nhiều trong số này đến từ thị trường “mới nổi” là Trung Quốc. Các chuyên gia dự báo cá tra Việt sẽ còn chịu nhiều biến động lớn trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung – Mỹ đang ngày càng gay gắt hơn.

'Tay chơi' U70 An Giang chi tiền dụ đàn cá tra quý hiếm về để ngắm

Trung Quốc tăng mua, xuất khẩu cá tra bứt phá

Cá tra thắng lớn

Số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết xuất khẩu cá tra trong 11 tháng đầu năm đã lên đến hơn 2 tỷ USD, dự kiến trong năm nay có thể đạt mốc 2,2 tỷ USD, tức tăng 22% so với năm ngoái.

Đây là lần đầu tiên cá tra vượt ngưỡng 2 tỷ USD xuất khẩu, là mốc quan trọng được đặt ra nhưng chưa đạt được trong nhiều năm qua.

“Nữ hoàng” cá tra Vĩnh Hoàn cho biết giá trị xuất khẩu trong 10 tháng đạt 309 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ, trong đó mặt hàng fillet cá tra tăng trưởng 21%. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Nam Việt công bố doanh thu xuất khẩu tăng 17,5% so với cùng kỳ, đạt 114,7 triệu USD.

Xuất khẩu tốt nên nhiều đại gia cá tra cũng báo lợi nhuận “khủng”. Chẳng hạn như Vĩnh Hoàn ghi nhận lợi nhuận sau thuế 1.036 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, lợi nhuận của Thủy sản Cửu Long An Giang đạt 142 tỉ đồng, tăng gấp bảy lần so với cùng kỳ. Riêng Thủy sản Bến Tre lợi nhuận tăng gấp 3,5 lần du doanh thu chỉ tăng 8%.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng cá tra của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1,1 triệu tấn trong 10 tháng đầu năm, tăng 7,2% so với cùng kỳ.

{keywords}
Cá tra Việt có vị thế lớn trên thế giới.

Cá tra, cùng với tôm, là 2 loại mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu thủy sản. Còn Việt Nam hiện có thể xem đứng vị trí số 1 về cá tra, thứ 2 về tôm trên thế giới, nhưng đồng thời cùng cạnh tranh với nhiều loại cá khác, chẳng hạn như cá rô phi của Trung Quốc, cá hồi của Na Uy.

Theo Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, nhu cầu tiêu thụ cuối năm tăng cao đối với 2 loại mặt hàng tôm và cá tra, trong bối cảnh sản lượng ở Ấn Độ và Thái Lan giảm. Dự báo trong thời gian tới giá tôm và cá tra sẽ tăng do các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu.

Nhu cầu xuất khẩu tăng khiến giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng Sông Cửu Long trong tháng 9 có xu hướng tăng, ở mức 30.000-32.000 đồng/kg (cá loại I, 700-900g/con) tại các vùng sản xuất như An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp... tăng khoảng 3.000 đồng/kg so với tháng trước đó.

Theo nhiều chuyên gia trong ngành, một lý giải cho sự thành công của cá tra là nhờ thị trường Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc tăng liên tục từ năm 2012 đến nay. Năm ngoái đạt 410 triệu USD, tăng gần 35% so với năm trước đó, vượt cả thị trường lâu năm là Mỹ và EU.

{keywords}
 

 

{keywords}
 

Thực tế, thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất là Mỹ đã chững lại từ nhiều năm nay. Nếu như xuất khẩu năm 2013 đạt kim ngạch 380 triệu USD, thì năm 2017 cũng chỉ 344 triệu USD. Tương tự, thị trường châu Âu còn sụt giảm thê thảm hơn, kim ngạch 385 triệu USD vào năm 2013 thì năm 2017 chỉ còn 203 triệu USD. Cá tra Việt Nam không chỉ bị “bôi xấu” hình ảnh, ngành thủy sản nói chung hiện vẫn đang dính “thẻ vàng” từ phía EU, tức cảnh báo về chất lượng sản phẩm.

Trong bối cảnh thị trường Mỹ và EU đi xuống, đại gia này đã chuyển hướng sang Trung Quốc và khá thành công. Một ví dụ điển hình là Vĩnh Hoàn. Báo cáo của Công ty chứng khoán SSI cho thấy xuất khẩu cá tra sang Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Phi lần lượt đạt 45%, 102%, 30% và 140% trong 11 tháng đầu năm. Mới đây, Nam Việt cho biết định hướng xuất khẩu sản phẩm chất lượng cao sang thị trường Trung Quốc, do nhận thấy tiềm năng của thị trường này rất lớn.  Trong 9 tháng đầu năm 2018, Nam Việt thu về 21.8 triệu USD từ thị trường Trung Quốc, chiếm 19% tỉ trọng xuất khẩu.

Thêm tín hiệu tích cực

Trong bối cảnh thị trường Trung Quốc đang là “cứu cánh”, VASEP mới đây cho biết, thị trường EU có dấu hiệu cải thiện đáng kể sau nhiều năm bị ảnh hưởng. Không chỉ vậy, cá tra còn nhận được tin vui từ thị trường Mỹ.

Hồi tháng 9, cá tra Việt Nam vừa được Mỹ giảm thuế chống bán phá giá, từ mức chung là 3,87USD/kg về còn 2,39USD/kg, sau kết luận sơ bộ trong kỳ xem xét lần thứ 14, giảm mạnh so với kỳ trước. Một số đại gia thậm chí còn được miễn thuế.

{keywords}
Việc chạy đua theo sản lượng có thể dẫn tới khủng hoảng thừa nguồn cung.

Cơ hội cho cá da trơn Việt Nam còn đến từ việc Mỹ áp thuế vào mặt hàng cá rô phi Trung Quốc thêm 10%. Cá tra và cá rô phi là hai sản phẩm có thể thay thế cho nhau do tương đồng về chất lượng. Trong khi đó, Trung Quốc hiện là nhà cung ứng thủy sản lớn nhất cho Mỹ với sản phẩm chủ lực là cá rô phi. Giá trị kim ngạch xuất khẩu fillet cá rô phi năm 2017 đạt 386 triệu USD, chiếm 63% thị phần.

Nhiều tin vui dồn dập đến với các đại gia cá tra, tuy nhiên, vẫn còn đó những nguy cơ cảnh báo.

Ngoài “thẻ vàng” của EU đối với thủy sản nói chung còn “treo” trên đầu, bài học cho ngành cá tra Việt khi ở thời kỳ đỉnh cao vẫn còn đó. Hàng loạt hộ dân đua nhau nuôi cá, các công ty đua nhau về sản lượng. Hệ quả chung khi các thị trường xuất khẩu giảm nhu cầu, yêu cầu chất lượng cao hơn, áp thuế chống bán phá giá, đi kèm theo lãi suất cao, hàng loạt công ty thủy sản đã “rớt đài”. Điển hình có thể kể những câu chuyện của thủy sản Bình An, hay thủy sản Phương Nam, phá sản cả nghìn tỷ kéo theo các ngân hàng đổ nợ và nông dân phải khóc ròng.

Một số chuyên gia khác cũng cảnh báo rủi ro đến từ thị trường Trung Quốc. Mặc dù đang là thị trường lớn nhất nhì, nhưng tỉ giá đồng tiền đang trên đà giảm, đồng nghĩa với việc giá cá tra Việt ngày càng đắt đỏ hơn với người tiêu dùng Trung Quốc. Thêm nữa, Trung Quốc hiện đang có kế hoạch gia tăng vùng nuôi cá tra tại quốc gia này, cũng sẽ làm cho các nhà xuất khẩu Việt thêm phần khó khăn.

Cá tra Việt ngày nay cũng không còn ở vị thế “độc tôn” như xưa, như Bộ Công thương từng nhận định. Đối thủ lớn được xác định là Ấn Độ với sản lượng dự kiến đạt khoảng 590.000 tấn trong năm nay, tương đương khoảng 45% Việt Nam, nhưng tốc độ tăng trưởng nhanh và mức giá cạnh tranh. Các đối thủ khác cũng đáng chú ý là Bangladesh hay Indonesia, đều sẽ góp mặt ảnh hưởng đến giá cả và cung cầu thế giới.

Về lâu dài, cá tra Việt còn vướng phải vấn đề khác là thương hiệu. Tại hội nghị Đối thoại bàn tròn thủy sản mới đây, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT của Vĩnh Hoàn, cho rằng bên cạnh chất lượng sản phẩm doanh nghiệp cần phải có, thì một thương hiệu quốc gia cho cá tra cũng cần phải được xây dựng. Dù vậy, điều này một doanh nghiệp không thể làm được mà phải có sự hỗ trợ từ nhiều phía, bà Khanh cho hay.

Dũng Nguyễn

Cặp cá tra khủng 360kg từ Lào ‘bơi’ về Sài Gòn

Cặp cá tra khủng 360kg từ Lào ‘bơi’ về Sài Gòn

Hai con cá tra khủng, mỗi con nặng gần 2 trăm ký được đưa từ Lào về Sài Gòn tiêu thụ.

Cá tra 200kg được nhà hàng ở Đà Nẵng mua giá 400 triệu

Cá tra 200kg được nhà hàng ở Đà Nẵng mua giá 400 triệu

Một nhà hàng ở Đà Nẵng vừa mua con cá tra nặng 200kg do ngư dân tỉnh Hậu Giang đánh bắt được ở vùng Biển Hồ (Campuchia).