Tại mỗi điểm bán hàng cho khách Trung Quốc đều có kế toán người Việt chịu trách nhiệm hợp thức hóa các thủ tục thuế. Tuy nhiên, phần lớn lượng tiền doanh thu hàng tỉ đồng/ngày lại được thanh toán qua tài khoản riêng của các nhân sự Trung Quốc, thông qua máy quét thẻ được đặt trong các điểm bán hàng.

Bằng cách này, hàng ngàn tỉ đồng đã “chảy” bất hợp pháp vào túi các cá nhân, mà chủ yếu là người Trung Quốc.

Ai là chủ?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các điểm bán hàng “chỉ dành cho khách Trung Quốc” đều do người Trung Quốc đứng sau, còn người Việt chỉ được thuê đứng tên.

Kế toán trưởng tại mỗi cửa hàng cũng là người Việt, chuyên lo chuyện giấy tờ, hợp thức hóa các khoản thu - chi cỏn con so với doanh thu thực của cửa hàng.

Nguồn thu khổng lồ đích thực, (có điểm thu 5 - 7 tỉ đồng/ngày), đều chui hết vào các tài khoản cá nhân của các nhân sự người Trung Quốc đang làm việc tại các điểm bán hàng.

Cụ thể, điểm bán hàng nào cũng đăng ký tài khoản, nhưng khi khách thanh toán bằng thẻ tín dụng thì tiền lại được trả vào tài khoản của một số nhân viên người Trung Quốc.

{keywords}

Một điểm bán hàng cho du khách Trung Quốc ở Hạ Long (Quảng Ninh).


Đây là điều dễ hiểu, bởi chủ thực sự là người Trung Quốc, vì vậy, doanh thu hàng tỉ đồng/ngày phải giao cho những người thân cận.

Theo ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Giám đốc, kiêm Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Ninh - Thông tư 16/2014/TT-NHNN cho phép người nước ngoài cư trú hoặc không cư trú đều được mở tài khoản tại Việt Nam. Trong khi đó, theo luật, chủ các cửa hàng lại có thể ủy quyền cho người nước ngoài thu tiền của khách qua tài khoản cá nhân của họ.

Một số HDV, các giám đốc Cty lữ hành cho biết, khoảng 80% du khách Trung Quốc thanh toán bằng thẻ tín dụng; 20% còn lại trả bằng tiền mặt, nhưng kế toán muốn khai doanh số bao nhiêu thì tùy bởi ngay số liệu đầu vào, như: Nguồn gốc và số lượng hàng… các cơ quan chức năng cũng không nắm được.

“Chỉ cần kiểm tra các bản sao kê thanh toán qua hệ thống máy cà thẻ tín dụng tại các điểm bán hàng có liên thông với ngân hàng là nắm được doanh số bán hàng. Nếu ra quân bí mật, giữ được chủ tài khoản thì sẽ xử lý được, nhưng giờ họ đã cao chạy, xa bay” - anh L.T.T - một người có thâm niên làm việc với các đối tác Trung Quốc - chia sẻ.

Trái ngược với ý kiến một lãnh đạo ngân hàng khi cho rằng có thể xử lý chủ cửa hàng bởi đã ủy quyền để người Trung Quốc làm sai, thì anh T khẳng định, chủ cửa hàng sẽ vô can nếu hợp đồng ủy quyền ghi: Ai làm sai người đó chịu trách nhiệm.

Chuyển tiền quá dễ

Với trên 20 điểm bán hàng chỉ phục vụ khách Trung Quốc tại Quảng Ninh, những người trong nghề ước tính, hàng ngàn tỉ đồng đã biến mất cùng các đối tác Trung Quốc sau khi Quảng Ninh ra tay dẹp “loạn” “tour 0 đồng”, chỉ để lại chút phí nhỏ cho các ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán thẻ.

Dư luận đặt câu hỏi: Các đối tác Trung Quốc sẽ chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng Việt Nam về nước như thế nào?

“Ngay cả chuyển tiền sang Mỹ, cũng chỉ cần một cú điện thoại là xong, nói gì tới một thị trường biên giới sôi động như Quảng Ninh” - một chủ DN kinh doanh xuất nhập khẩu tại Móng Cái - tiết lộ - “Số tiền trong tài khoản là đồng NDT và không thể chuyển về nước được do thiếu rất nhiều chứng từ. Vì thế, có thể họ sẽ rút lấy tiền Việt, để hoặc lại đổi ra NDT rồi chuyển về nước qua đường tiểu ngạch, hoặc đổi cho những đơn vị, cá nhân hai nước làm ăn với nhau đang có nhu cầu VND để hai bên cùng trốn được phí trao đổi ngoại tệ”.

Đây cũng là những chiêu thức mà dân buôn bán biên giới vẫn thường làm. Đại diện một ngân hàng tại Móng Cái cho biết, giao dịch ngoại tệ qua ngân hàng vừa mất phí, vừa phải chứng minh nguồn tiền, trong khi giới làm ăn hai bên chỉ cần một cú điện thoại là có thể huy động và ứng giao “bao nhiêu tiền cũng được”.

Một cách nữa có thể giấu được các khoản thu “khủng” tại các điểm bán hàng là giao dịch qua mạng xã hội toàn cầu mà người dân Trung Quốc hiện đang dùng - WeChat.

Chỉ cần có một tài khoản của ngân hàng Trung Quốc, sử dụng Wechat, các chủ thẻ ở bất cứ nơi nào trên thế giới đều có thể chuyển bao nhiêu tiền cho nhau cũng được, với phí chuyển tiền 0,1%. Sau đó, tiền đó có thể nạp lại vào tài khoản cá nhân để rút tiền. Tuy nhiên, sử dụng Wechat, các cơ quan chức năng vẫn có thể truy được nguồn gốc các khoản tiền.

Một lãnh đạo ngành thuế cho biết, các điểm bán hàng cho khách Trung Quốc thường kê khai nộp thuế và theo từng quý, nên khó phát hiện ra việc thanh toán thu - chi qua tài khoản cá nhân.

Rõ ràng, với chu trình khép kín: Từ khai bao nhiêu biết bấy nhiêu đến thanh toán qua thẻ tín dụng của cá nhân người Trung Quốc, hàng không nguồn gốc…, những người điều hành các điểm bán hàng đã qua mặt được các cơ quan quản lý vốn hoạt động độc lập và chỉ khi nào “đánh án” mới liên kết với nhau. Được biết, các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục xem xét những khuất tất đằng sau hoạt động của các điểm bán hàng này.

Hiện, các sở, ban ngành, địa phương liên quan của Quảng Ninh đang phối hợp xây dựng các tiêu chí để tổ chức lại các điểm bán hàng phục vụ nhu cầu chính đáng của du khách. Giới chuyên môn cho rằng, nếu không quản lý được nguồn gốc hàng hóa, lao động nước ngoài và đặc biệt là doanh thu, hình thức thanh toán… thì lại sẽ thêm một lần thất bại.

(Theo Lao Động)