Hãng hàng không Lufthansa (Đức) đối mặt với thiệt hại nặng nề sau cuộc đình công của hàng nghìn phi công...

Hãng hàng không Lufthansa (Đức) đối mặt với thiệt hại nặng nề sau cuộc đình công của hàng nghìn phi công và rủi ro tiếp diễn bất cứ lúc nào khi mâu thuẫn giữa ban giám đốc và phi công chưa được giải quyết thỏa đáng.

Thiệt đơn, thiệt kép

Cuộc đình công của Công đoàn các phi công Đức (Vereinigung Cockpit - VC) tại Hãng hàng không Lufthansa kéo dài trong 4 ngày, kết thúc vào hôm 25/11 vừa qua khiến 2.800 chuyến bay bị hủy bỏ, ảnh hưởng tới hơn 350.000 hành khách. Mặc dù, công đoàn phi công Lufthansa tạm dừng đình công nhưng đe doạ sẽ tiếp tục nối lại bất cứ lúc nào. Đây là cuộc đình công lần thứ 14 kể từ đầu năm 2014 mà Lufthansa phải đối mặt, khiến hãng này thất thu hàng trăm triệu euro. Các cuộc đình công năm 2014 gây tổn thất cho Lufthansa khoảng 222 triệu euro (tương đương 235 triệu USD). Tiếp đó, năm 2015, hãng này tiếp tục tổn thất 231 triệu euro vì đình công của phi công và tiếp viên hàng không. Còn trong cuộc biểu tình lần này, Lufthansa ước tính mất 10 triệu euro (11 triệu USD)/ngày.

{keywords}

Phi công Lufthansa biểu tình năm 2014.

Không chỉ thiệt hại về vật chất, về lâu dài, Lufthansa còn mất chữ tín vì đình công khiến hành khách xa lánh Lufthansa và đổi sang hãng hàng không khác. Công ty nghiên cứu du lịch Kayak cho biết, hai ngày 23-24/11 (thời gian diễn ra đình công), chỉ chưa đầy 9% hành khách chọn chuyến bay của Lufthansa. “Nhiều khách đang tìm kiếm các hãng hàng không thay thế”, Giám đốc khu vực của Kayak, cô Julia Stadler-Damisch cảnh báo.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư của Lufthansa bắt đầu có cái nhìn tiêu cực về tập đoàn này. Năm nay, cổ phiếu của Lufthansa giảm hơn 13% vì lo ngại tác động của đình công. “Cái tên Lufthansa đại diện cho sự an toàn, đúng giờ, đáng tin cậy. Nhưng người ta bắt đầu nghi ngờ hai giá trị cuối còn bao nhiêu sau cuộc đình công rầm rộ gây chậm/hủy chuyến vừa qua”, ông Michael Gierse, Giám đốc quỹ tại Liên minh Đầu tư - cổ đông của Lufthansa lo ngại.

Lương cao ngất ngưởng vẫn đòi tăng

Điều đáng nói, các cuộc đình công tại Lufthansa diễn ra dai dẳng, kéo dài suốt 2 năm trời đều vì bất mãn với lương bổng, chế độ làm việc, đãi ngộ của Tập đoàn hàng không hàng đầu nước Đức. Với nỗ lực giải quyết triệt để, tránh lặp lại đình công, ngày 27/11 vừa rồi, Ban Giám đốc Lufthansa kêu gọi VC nên nối lại đàm phán để tìm ra thoả thuận lương. “Chúng ta phải đàm phán. Tôi rất hy vọng rằng, VC sẽ thay đổi lập trường kiên quyết không thoả thuận hiện nay. Tình hình không thể cải thiện thông qua đình công như thế này”, bà Bettina Volkens, thành viên Ban Giám đốc Lufthansa chịu trách nhiệm nhân lực kêu gọi.

Trước đó, Lufthansa đưa ra đề xuất tăng 4,4% lương của phi công trong hai lần tăng. Cụ thể, tiền lương năm 2016 tăng 2,4% và sẽ tăng thêm 2% nữa vào năm 2017. Ngoài ra, các phi công sẽ được nhận khoản bồi thường một lần bằng 1,8 tháng lương. Hãng này cũng đề xuất tạo 1.000 việc làm cho phi công trẻ và khoảng 600 phi công

thử việc trong 5 năm tới. Hãng hy vọng có thể tiến tới hòa giải với công đoàn vào hôm nay (29/11). Đổi lại phi công phải đồng ý thay đổi đề xuất lương hưu, qua đó giúp hãng tiết kiệm chi phí trong bối cảnh thắt lưng buộc bụng để cạnh tranh với các hãng hàng không giá rẻ như Ryanair và Emirates.

Thực tế, mức lương của phi công Lufthansa vốn ở mức cao so với tiêu chuẩn ngành Hàng không nói chung. Một phi công Lufthansa nhận lương trung bình 180.000 euro (190.000 USD)/năm, chưa trừ thuế; Chưa kể, cơ trưởng của Lufthansa được hưởng mức lương cao nhất 22.000 euro/tháng trước thuế.

Tuy nhiên, VC lại muốn mức lương trung bình hàng năm cho 5.400 phi công tại Đức tăng 3,7% trong 5 năm, tính từ năm 2012. Công đoàn phi công Đức cho rằng, các phi công phải chịu mức lương không thay đổi trong suốt thời gian qua, vừa phải chịu tổn thất đáng kể vì lạm phát trong khi Lufthansa thu về hàng tỉ USD lợi nhuận từ năm 2015 đến nay.

Bất chấp lời kêu gọi từ ban giám đốc, ngày 28/11, Công đoàn Đức (VC) tuyên bố tiếp tục đình công trong hai ngày (29/11-30/11). Thành viên VC Joerg Handwerg cho biết: “Thật không may, các cuộc gặp mặt cấp cao diễn ra ngày 27/11 trong thời gian ngắn, không đem lại kết quả. Lufthansa vẫn chưa đưa ra đề nghị có thể đàm phán được về việc bồi thường cho phi công, đồng nghĩa chúng tôi phải tiếp tục đình công”.

(Theo Báo giao thông)