Suốt 5 năm nay, Trần Thanh Tú ở Hà Đông, Hà Nội trung thành với công việc lễ tân của một công ty sách trên đường Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội. Chị Tú cho biết, sau khi ra trường chị vào đây làm việc với mức lương khởi điểm 7 triệu đồng. Sau 5 năm, chị được tăng thêm 2 triệu nữa, lên 9 triệu đồng.
“Vừa ra trường xong, đi làm được vài tháng thì mình lập gia đình. Anh xã mình làm thuê cho tiệm sửa chữa ô tô, lương tháng 13 triệu. Tổng thu nhập của hai vợ chồng là 22 triệu đồng/tháng. Cưới xong mình cũng có con luôn. Trong 5 năm mình sinh liền 2 đứa vì thấy công việc cũng thuận lợi. Vợ chồng có sẵn nhà cấp 4 để ở nên cũng không phải lo thuê trọ như nhiều gia đình trẻ khác”, Tú kể.
Mâm cơm đơn giản ngày dịch của gia đình trẻ |
Với mức sống ở thành phố, gia đình 4 người nhà Tú mỗi tháng chi tiêu hết khoảng 12 triệu đồng, còn 10 triệu tiết kiệm để xây nhà mới.
Đầu năm vừa rồi, sau 5 năm vợ chồng làm lụng tích cóp để ra được 700 triệu, vợ chồng Tú quyết định đập căn nhà cũ chật chội để xây nhà 3 tầng khang trang trên diện tích 42m2. Cả nhà mới chuyển về nhà mới được hơn 3 tháng thì dịch Covid-19 bắt đầu diễn biến phức tạp.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, công ty cũng ít việc rồi Tú phải tạm nghỉ ở nhà không lương. Gara sửa ô tô chỗ chồng chị làm cũng ít việc và hai tháng nay thì đóng cửa.
Hai vợ chồng bị thất nghiệp trong đợt dịch, không có thu nhập hàng tháng, tiền tiết kiệm bao năm đã dồn hết xây nhà nên gia đình trẻ này đang thực sự chật vật. Cũng trong thời điểm này, Tú mới nhớ lại 2-3 năm có cô bạn rủ tham gia bán hàng online nhưng không quan tâm rồi bỏ qua và an phận với công việc lễ tân, cho thu nhập ổn định.
Vợ chồng thất nghiệp phải nghỉ ở nhà, không có thu nhập nên bố mẹ từ quê gửi thực phẩm thiết yếu ra cho các con |
“Cách đây 2 năm, một người bạn cũ của mình bỏ việc chuyển sang kinh doanh bán online thực phẩm sạch, bán rất chạy. Cô ấy ngỏ ý rủ mình làm chung và đào tạo cho mình. Bạn bảo cứ làm ăn uy tín và chịu khó cũng cho thu nhập tốt. Thu nhập một tháng từ bán hàng online còn gấp mấy lần lương tháng hiện tại của mình.
Thế nhưng, mình chẳng dám nghỉ việc cố định để ở nhà bán hàng online nên đã từ chối”, Tú nhớ lại.
Suốt hai năm theo dõi công việc của bản thân, Tú thấy cô ấy rất đông khách và có một tệp khách quen nên công việc làm ăn phát đạt. Thậm chí, chỉ nhờ kinh doanh online mà cô bạn ăn nên làm ra, mua nhà, mua ô tô sau hai năm mở shop.
Hiện trong những ngày giãn cách xã hội, nhờ chịu khó tìm tòi và chuyển hướng bán các mặt hàng thực phẩm thiết yếu và món ngon hàng ngày mà công việc bán hàng online của bạn Tú vẫn rất thuận lợi, kiếm tiền triệu/ngày.
"Trong mùa dịch, công việc của cô ấy gần như không bị ảnh hưởng. Ngược lại, việc văn phòng và làm công ăn lương như vợ chồng mình lại bị tác động rất nhiều, thậm chí phải tạm thất nghiệp ở nhà không có thu nhập và bố mẹ chồng ở quê phải gửi thực phẩm ra viện trợ cho con cháu”.
Mẻ ruốc mới làm ăn dần ngày dịch của Tú |
Đến giờ, nhân viên công sở thích ăn chắc mặc bền như Tú mới nhận ra vì trước đó đã không thử bán hàng online, không quyết tâm thay đổi công việc với mức lương 9 triệu đồng. Trong khi cô bạn đã có trong tay một nguồn vốn, dù dịch bệnh kéo dài cũng chẳng lo ngại gì thì vợ chồng Tú vẫn chỉ có vậy, không đột phá lên được.
Dù biết kinh doanh không hề dễ dàng và rất vất vả, nhưng tình thế hiện nay đã dồn gia đình khó khăn và lộ ra những rủi ro tương lai. Kinh doanh có thắng, có thua nhưng không bắt đầu thì không bao giờ đến, hơn nữa tình cảnh không còn gì để chọn lựa. Vì thế, Tú quyết tâm thay đổi, cô suy tính, thời gian tới tranh thủ ngay những ngày ở nhà sẽ học bán hàng online dù gặp nhiều khó khăn, sau này thấy ổn và có thu nhập tốt sẽ nghỉ hẳn việc chính chuyển sang kinh doanh.
Trước mắt, Tú tập tành bán hàng theo chỉ dẫn của bạn. Hàng hóa mùa dịch tiêu thụ có chậm hơn, nhưng vẫn túc tắc bán được. Vì thế, vẫn có thu nhập, tiền vẫn về hàng ngày chứ không phải thất nghiệp và sạch tiền như làm công sở.
Thảo Nguyên
Đam mê ủ cơm rượu, chỉ 4 ngày cô nàng công sở bỏ túi chục triệu
Dù đang làm nhân viên một công ty truyền thông, nhưng do luôn đam mê nấu ăn nên những ngày Tết Đoan Ngọ, chị Đỗ Thị Quyên vẫn tranh thủ làm cơm rượu nếp cẩm bán và đút túi hơn 2 triệu/ngày