Người tiêu dùng cũng cần được “giải cứu”
Ngày thứ Hai đầu tuần đọc tin về giá thịt lợn “nhảy múa” trên báo, chị Lê Hoàng Oanh ở Thanh Trì (Hà Nội) thở dài rồi nói: “Mấy tháng nay tôi không dám làm món sườn xào chua ngọt mà các con thích vì giá sườn lợn đắt đỏ. Nếu mua về làm món này cho cả nhà ăn chắc phải hết 300.000 đồng/bữa, quá sức so với thu nhập của nhà tôi”.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hương ở Thanh Oai (Hà Nội) cũng ngán ngẩm cho hay, mấy tháng nay nhà chị toàn chuyển sang ăn cá, trứng hay gà công nghiệp, thỉnh thoảng mới dám mua thịt lợn vì sợ thâm hụt chi tiêu. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, dịch Covid-19 khiến tiền sinh hoạt nhà chị tăng lên do phải mua nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang. Trong khi đó, lương chồng chị lại bị cắt giảm bởi nhà hàng anh đang làm ngày một vắng khách.
Người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu vì thịt lợn tăng giá quá cao |
“Năm 2017, người tiêu dùng đã chung tay giải cứu thịt lợn. Nhà chị bữa nào cũng có món này. Kể cả năm ngoái, dịch tả lợn châu Phi là thế, ai cũng e ngại nhưng chị và nhiều bà nội trợ khác vẫn không quay lưng với thịt lợn. Giờ giá lợn đắt quá, cao gấp đôi thời điểm chưa có dịch Covid-19 thì ai giải cứu người tiêu dùng”, chị thắc mắc.
Thực tế, vài tháng trở lại đây, rất nhiều bà nội trợ chia sẻ những câu chuyện tính toán cắt giảm chi tiêu, thắt lưng buộc bụng ở các gia đình vì giá thịt lợn tăng cao.
Trong khi trước đó, tháng 2/2019, Việt Nam phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên, sau đó nhanh chóng bùng phát, lan nhanh ra khắp 63 tỷ thành, lợn chết, giá giảm mạnh, khó tiêu thụ. Lúc đó, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã kêu gọi người dân không quay lưng với mặt hàng thịt lợn để giúp người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn.
Những tháng cuối năm 2019, dịch tả lợn châu Phi về cơ bản đã được kiểm soát. Giá thịt lợn hơi cũng quay đầu tăng mạnh.
Khi đó, trả lời chất vấn trước Quốc hội về vấn đề giá thịt lợn tăng cao, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường mong người dân thông cảm vì giá thành sản xuất cao hơn, đồng thời cũng là dịp chia sẻ khó khăn cho người chăn nuôi.
Đến nay, khi nguồn cung dần ổn định, 99% số xã đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới, lợn tái đàn đã được xuất bán, lượng thịt nhập khẩu tăng trên 200% so với cùng kỳ năm trước nhưng giá thịt lợn vẫn ở mức quá cao. Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã phải kêu gọi, yêu cầu giảm giá thịt lợn về mức hợp lý nhằm ổn định thị trường.
Song, trên thực tế lúc tăng thì quá nhanh còn lúc giảm lại nhỏ giọt. Dịp cuối năm 2019, giá lợn khi ấy tăng theo từng ngày, thậm chí mỗi ngày lại tăng thêm vài giá. Nhưng khi giảm, doanh nghiệp thông báo đồng hành cùng Chính phủ, Bộ NN-PTNT nên giảm 1.000 đồng/kg lợn hơi xuất chuồng.
Đến nay, sau nhiều lần kêu gọi, doanh nghiệp chăn nuôi đầu ngành đã giảm xuống 75.000 đồng/kg lợn hơi xuất chuồng, song điểm bán nhỏ lẻ trong dân vẫn bán 80.000-85.000 đồng/kg.
Doanh nghiệp lãi đậm, bao giờ thịt lợn được bình ổn?
Trong cuộc họp của Bộ NN-PTNT với các bộ ngành liên quan tới mặt hàng thịt lợn mới đây, khi nói về chi phí sản xuất, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thông tin, vừa qua đoàn liên ngành đi kiểm tra tại một số doanh nghiệp chăn nuôi. Thực tế cho thấy, dù ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, chi phí sản xuất cao hơn, bình quân giá thành vào khoảng 45.000 đồng/kg. Với giá bán 72.000/kg, doanh nghiệp đang lãi 2 triệu đồng/con 100kg; bán 72.000-74.000 đồng/kg, doanh nghiệp lãi 2,5-3 triệu đồng con.
Dù giá lợn hơi đã hạ nhiệt so với thời kỳ đỉnh điểm tháng 12 năm ngoái, song theo Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, với giá bán như hiện nay doanh nghiệp đang lãi rất cao.
Đại diện Bộ Công Thương kiến nghị đưa thịt lợn vào danh sách hàng bình ổn |
Một chuyên gia trong ngành nhẩm tính, như giá hiện nay, bán mỗi tạ lợn hơi doanh nghiệp lãi 2-3 triệu đồng. Có doanh nghiệp một ngày xuất chuồng khoảng 17.000 con lợn, tính ra lãi trên dưới 4 tỷ đồng. Đáng nói, có thời điểm họ còn bán giá 80.000-85.000 đồng/kg thì mức lãi còn khủng hơn nhiều.
Còn doanh nghiệp nhỏ bán 2.000-5.000 con lợn mỗi ngày nên khoản lãi cũng không hề nhỏ.
Theo vị chuyên gia này, năm 2019 khi dịch tả châu Phi hoành hành, giá lợn giảm, doanh nghiệp cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Nay chăn nuôi lợn đã dần đi vào ổn định nhưng giá lợn neo ở mức quá cao, trong một thời gian quá dài thì cũng đến lúc phải nhìn nhận lại, cân nhắc hạ giá thịt lợn về mức hợp lý để gặp người tiêu dùng ở một điểm chung - doanh nghiệp chăn nuôi có lời còn người tiêu dùng không phải ăn thịt lợn với giá quá đắt đỏ. Điều này không phải là phi thị trường mà là giúp thị trường ổn định, bền vững hơn.
Tại cuộc họp liên ngành Nông nghiệp - Tài chính - Công Thương vào ngày 16/3, ông Hoàng Anh Tuấn kiến nghị đưa thịt lợn vào danh sách các mặt hàng bình ổn giá theo Luật giá. Theo đó, căn cứ tình hình thực tế và chi phí để đưa ra một mức giá, khi dịch bệnh giá tăng lên bao nhiêu thì mới chúng ta mới điều hành.
Ông Tuấn lý giải, mặt hàng thịt lợn cơ bản chiếm gần 60% trong cơ cấu rổ thực phẩm nên giá tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng CPI, vấn đề lạm phát.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, vừa qua Bộ đã cùng cộng đồng doanh nghiệp kêu gọi điều chỉnh giá lợn theo chiều hướng giảm nhưng hiện vẫn ở mức cao. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực chung tay cùng Chính phủ giảm giá thịt lợn nhưng vẫn có doanh nghiệp đang “neo giá” cao.
Vì vậy, ngoài đôn đốc các địa phương tập trung tái đàn để bình ổn giá thịt lợn, giảm chỉ số giá tiêu dùng thì sẽ tiếp tục có văn bản yêu cầu doanh nghiệp tham gia bình ổn giá thịt lợn. Việt Nam cũng tăng cường nhập khẩu thịt lợn. Nhiều biện pháp được triển khai cùng lúc, song giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn đắt đỏ, gần như không có dấu hiệu giảm.
Mai Đăng