Phía sau ánh sáng thành công hào nhoáng của tập đoàn hàng hiệu lớn, có không ít chuyện thú vị về cuộc đời kinh doanh của ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng như các thành viên trong gia đình ông.
Được giới truyền thông gọi với danh xưng vua hàng hiệu - ông Johnathan Hạnh Nguyễn, chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương (Imex Pan Pacific- IPP) hiện nắm giữ danh mục 38 thương hiệu thời trang hàng đầu như Burberry, Chanel, Versace, CK, Salvatore Ferragamo, phân phối rượu cao cấp Moet-Hennessy, Camus cho tới nhượng quyền thương mại Burger King, Donimo Pizza, Illy Café...
Theo lời chia sẻ của vị doanh nhân này thì hiện IPP chiếm hơn 40% thị phần hàng trung cao cấp tại Việt Nam nhưng nếu xét top 10 thương hiệu cao cấp thì tập đoàn này nắm giữ tới 8.
Phía sau ánh sáng thành công hào nhoáng của tập đoàn hàng hiệu lớn, có không ít chuyện thú vị về cuộc đời kinh doanh của ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng như các thành viên trong gia đình ông.
Người thực hiện “Điệp vụ bất khả thi”
Những năm 1980 hàng không Việt Nam chỉ có thể bay đến Moscow và Bangkok- hai cửa ngõ hàng không duy nhất để Việt Nam đi ra thế giới. Đến ngày 04/09/1985, tổng thống Phlippines Ferdinand Marcos thông qua quyết định mở đường bay Tp.HCM-Manila sau 2 năm nỗ lực kết nối của chính phủ Việt Nam.
Ngày 09/09/1985 chuyến bay đầu tiên của hàng không quốc gia Việt Nam cất chuyến bay từ Tp.HCM đến Manila. Người có công lớn trong việc khai thông bế tắc này là doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn. Vị doanh nhân này ví von đây là “điệp vụ bất khả thi” (Mission Impossible) nhưng khi thành công lại là món quà Thượng đế dành tặng cho ông.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn những năm 1980. Nguồn: FBNC Việt Nam. |
Sở dĩ nhiệm vụ này được tin tưởng giao cho ông Hạnh Nguyễn bởi vị doanh nhân này sinh năm 1951 tại Nha Trang nhưng đến năm 1974 ông định cư tại Philippines và du học tại Mỹ. Những năm 1980 ông Johnathan Hạnh Nguyễn vốn mang quốc tịch Mỹ đồng thời từng làm thanh tra tài chính tại Boeing Subcontractors. Ngoài ra ông Hạnh Nguyễn còn có mối quan hệ thân quen với Philippines Airlines cũng như người vợ đầu của ông là cháu gái của tổng thống Marcos.
Việc mở đường bay đã khó, việc duy trì đường bay còn khó khăn hơn. Chiều từ Philippines của những chuyến bay này chở hang cứu trợ nhân đạo, thuốc men, quà biếu của Việt Kiều gửi về cho thân nhân nhưng chiều bay từ Việt Nam trống trơn và ông Hạnh Nguyễn là hành khách duy nhất cùng phi hành đoàn 11 người.
Hai năm duy trì đường bay này theo lời ông Johnathan Hạnh Nguyễn thua lỗ tới 5 triệu USD nhưng đổi lại ngành hàng không Việt Nam đón thêm tin vui từ Hiệp định hàng không Việt Nam- Philippines.
Xây dựng đế chế hàng hiệu
Việc khơi thông đường bay Tp.HCM- Manila là cái duyên đưa ông đến với con đường kinh doanh. Theo chia sẻ của ông Hạnh Nguyễn, ngay từ năm 1985 IPP đã được ông thành lập tại Philippines để tận dụng cơ hội kinh doanh từ các chuyến bay.
Nhờ việc khai thông đường bay, 8 thành viên trong gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhận được những cuốn hộ chiếu đặc biệt có thể xuất cảnh mà không cần xin visa, từ đó giúp gia đình ông đưa hàng hóa về Việt Nam.
Quá trình kinh doanh của ông vua hàng hiệu cho đến nay có thể chia làm ba giai đoạn trong đó giai đoạn đầu chủ yếu kinh doanh đa ngành như mở doanh nghiệp xuất khẩu song mây, sản xuất móc khóa kéo, xây dựng khách sạn 14 tầng cao nhất ở Nha Trang lúc bấy giờ.
Bước sang giai đoạn hai, với việc gắn bó với ngành hàng không, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cùng các thành viên trong gia đình bắt đầu kinh doanh siêu thị và các cửa hàng miễn thuế.
Những siêu thị tên tuổi một thời như Citimart, Maximark, Miền Đông và Bình Dân đều do gia đình ông mở và điều hành từ những năm đầu thập niên 90. Citimart và Maximark do hai chị em gái của ông là bà Nguyễn Thị Ánh Hoa và Nguyễn Ánh Hồng làm chủ. Không chỉ dừng lại ở cửa hàng miễn thuế tại sân bay, ông Hạnh Nguyễn còn phát triển mạng lưới cửa hàng miễn thuế tại cửa khẩu Tịnh Biên, Mộc Bài, Lao Bảo, Lào Cai, Dinh Bà.
Việc đưa các thương hiệu thời trang, hàng hiệu vào hệ thống cửa hàng miễn thuế tại sân bay cũng là cơ duyên đưa đưa ông Johnathan Hạnh Nguyễn trở thành ông vua hàng hiệu khi những đối tác này muốn tiến sâu vào thị trường nội địa.
Giai đoạn 3 trong sự nghiệp kinh doanh của ông Hạnh Nguyễn là thời trang xa xỉ và kinh doanh nhượng quyền. Cùng với sự bùng nổ của thị trường chứng khoán năm 2007-2008, công việc kinh doanh của doanh nhân này cũng được hưởng lợi.
Tràng Tiền Plaza thay đổi sau khi được ông Hạnh Nguyễn cải tạo, sửa chữa lại. |
Thế nhưng kinh doanh hàng hiệu không hề đơn giản, theo chia sẻ của ông Johnathan Hạnh Nguyễn công việc này rất tốn kém, phải có vốn lớn và có sức chịu đọng vốn. Ví dụ với thương hiệu Chanel cần phải cam kết đầu tư 4 triệu USD trong đó 2 triệu USD trang thiết bị cho một cửa hàng 200m2 theo đúng tiêu chuẩn hàng năm và mỗi năm đều phải đổi mới.
Ngoài ra kinh doanh hàng hiệu phải mua hàng và trả trước mỗi năm 2 lần kèm theo rủi ro 100 mẫu chỉ bán chạy 30 mẫu. Đối với hàng cũ, nguyên tắc kinh doanh của các thương hiệu hàng hiệu phải xuất ngược lại với giá thấp hơn sau đó đem tiêu hủy.
Ông Hạnh Nguyễn hài hước cho biết hiện ông vẫn đang giai đoạn chịu đựng vốn, chưa đến lúc đếm tiền. Theo tạp chí Forbes, năm 2014 mảng kinh doanh thời trang cao cấp của IPP đạt tỷ suất lợi nhuận/doanh thu 5%.
Máu kinh doanh truyền từ cha
Ngoài ông Johnathan Hạnh Nguyễn, các thành viên trong gia đình ông cũng góp mặt vào công việc kinh doanh như chị em gái của ông, vợ ông là bà Lê Hồng Thủy Tiên được tạp chí Forbes bình chọn là một trong những nữ doanh nhân trẻ đáng chú ý năm 2015, 4 người con trai cũng quản lý 4 công ty và được ông Hạnh Nguyễn xem là 4 cột trụ.
Người trực tiếp ảnh hưởng đến tư tưởng và kinh nghiệm kinh doanh trên thương trường của 3 anh em ông Hạnh Nguyễn là người cha - một doanh nhân thành đạt từ trước những năm 1975 ở Nha Trang.
Hai chị em gái ông Hạnh Nguyễn là bà Nguyễn Thị Ánh Hoa và Nguyễn Ánh Hồng. |
Cha ông bắt đầu kinh doanh ngay từ khi là còn là một người thợ may rồi từ đó làm thuốc tây, bảo hiểm, ngân hàng, xuất khẩu gỗ,… tới 18 ngành hàng. Ngay từ khi học trung học ông Hạnh Nguyễn đã được cha rèn giũa kinh doanh bằng việc đi cùng ông để học hỏi, thậm chí cùng vào rừng với các chuyên gia Nhật để quan sát, đo đạc, học cách chọn lựa gỗ để xuất khẩu hay đi Nhật cùng đám phán với ông.
Vị doanh nhân này rút ra công thức thành công là lấy kiến thức cơ bản của trường học đem đến trường đời và lập lộ trình cho cuộc đời kinh doanh của mình.
(Theo Trí Thức Trẻ)