Chính phủ vừa ban hành Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về việc xử phạt hành vi cho vay nặng lãi. Quy định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Nghị định 144/2021/NĐ-CP sẽ thay thế Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Nghị định 144 quy định cụ thể hơn về các trường hợp và tăng mức xử phạt đối với các hành vi cho vay nặng lãi và cầm cố tài sản với lãi suất cao.
Cụ thể, Nghị định 144 quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với các hành vi:
- Kinh doanh dịch vụ cầm đồ cho vay tiền có cầm cố tài sản với lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự;
- Không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản với lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự;
- Lợi dụng việc tổ chức họ để cho vay lãi nặng mà lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Trước đây, Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh trật tự quy định hành vi vay nặng lãi là phạt tiền từ 5-15 triệu đồng nếu vay tiền có cầm cố tài sản với lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay tại khoản 3 Điều 11.
Hiện nay, theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Như vậy, kể từ năm 2022, nếu cho vay với lãi suất vượt quá 20%/năm, các hiệu cầm đồ, các đối tượng kinh doanh dịch vụ cho vay lấy lãi nhưng không đăng ký kinh doanh và các đối tượng lợi dụng tổ chức họ (hụi) để cho vay lãi nặng với lãi suất vượt quá 20%/năm đều có thể bị phạt với mức cao nhất là 20 triệu đồng.
Gia Hưng
Lại sập bẫy app cho vay online
Phản ánh đến Báo Người Lao Động, chị H.X (ngụ quận 12, TP HCM) cho biết vừa bị lừa mất tiền qua ứng dụng (app) cho vay online tên Tieu Dung VCB.