Ngày 14/01/2022 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 DN lớn nhất Việt Nam năm 2021.
Trong đó, đứng đầu là Công ty TNHH SamSung Thái Nguyên, tiếp đến là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp-Viên thông Quân đội, Tập đoàn Vingroup- công ty cổ phần…
Năm 2021 là năm đặc biệt, mở đầu giai đoạn phát triển 5 năm, là năm mà đất nước phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có tiền lệ. Thống kê của Bảng xếp hạng VNR500 năm 2021 cho thấy hầu hết các ngành đều có sự sụt giảm về tổng doanh thu so với Bảng xếp hạng năm ngoái. Các ngành bán lẻ, thép, tài chính và điện ghi nhận tổng doanh thu tăng trưởng dương, trong khi nhóm ngành còn lại chứng kiến sự sụt giảm đáng kể.
Những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid là logistics, khoáng sản, xăng dầu, cơ khí, thực phẩm- đồ uống. Xét về các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của toàn bộ DN trong Bảng xếp hạng VNR500 năm nay, tỷ suất sinh lời trên tài sản bình quân và tỷ suất sinh lời trên doanh thu bình quân đều bị giảm so với Bảng xếp hạng năm ngoái.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid, có 48,7% số DN VNR500 đã phải cắt giảm nhân sự, cùng với đó có tới 48,0% DN bị giảm năng suất lao động và 47,4% bị giảm lượng khách hàng. Do vậy, doanh thu và lợi nhuận của DN bị giảm xuống đáng kể. Có 57,9% DN VNR500 cho biết bị giảm doanh thu và lợi nhuận; 67,1% cho biết chi phí tăng lên trong thời gian này.
Những thách thức mà các DN đang phải đối mặt đó là: đại dịch Covid diễn biến rất phức tạp và khó lường. Các biến thể mới của virus vẫn đang đe dọa nghiêm trọng thành quả chống dịch của nhân loại trong gần 2 năm qua. Nhiều DN đang phải đối mặt với tình trạng đơn hàng bị huỷ do nhu cầu của khách hàng giảm mạnh. Việc tăng giá các mặt hàng như xăng, dầu, gas, than… sẽ đẩy giá thành lên cao, chi phí sản xuất cũng tăng lên, khiến giá hàng tiêu dùng trong nước tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh quốc tế.
Tình trạng lạm phát gia tăng trên toàn thế giới trong bối cảnh giá cả năng lượng, nhiên liệu, vận tải trên toàn cầu được dự báo tiếp tục tăng. Hoạt động xuất nhập khẩu nguyên vật liệu vẫn bị tác động tiêu cực do tình trạng ách tắc trong vận tải quốc tế và phí vận tải tăng cao. Tình trạng thiếu hụt lao động tiếp tục lan rộng đang ảnh hưởng tiêu cực cho vphục hồi sản xuất, kinh doanh trở lại, chi phí lao động tăng cao...
Tuy nhiên, khó khăn cũng là phép thử đối với sức mạnh và bản lĩnh của DN. Bảng xếp hạng VNR500 năm nay, tôn vinh những đại diện DN không chỉ vững vàng vượt qua khó khăn mà còn thể hiện tiềm năng tăng trưởng, mức độ phát triển bền vững, chất lượng quản trị và vị thế trên thị trường.
Kết quả khảo sát các DN bảng xếp hạng VNR500 cho thấy tổng quan các DN vẫn lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh vào năm 2022 và đã lên kế hoạch thích ứng với tình hình “bình thường mới”. Có 76,3% DN quyết định tăng cường sử dụng công nghệ mới, đầu tư vào đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; 65,8% DN cho biết sẽ mở rộng sang các thị trường hoặc phân khúc mới; 64,5% DN thực hiện cải thiện năng lực kỹ thuật số…
Đặc biệt với quá trình chuyển đổi số, có 94,7% DN đã và đang đầu tư cho lĩnh vực này và chỉ có 5,3% DN không thực hiện. Cụ thể, 44,0% DN chi dưới 1% của tổng doanh thu cho quá trình chuyển đổi số; 40,1% chi từ 1% đến dưới 5% tổng doanh thu; 9,3% chi từ 5% đến 10% tổng doanh thu và 1,3% đầu tư trên 10% tổng doanh thu để thực hiện chuyển đổi số. Như vậy, có thể thấy mức độ chi cho chuyển đổi số tại DN tăng và sẵn sàng cho cuộc đua số hóa trong tương lai.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng để thích ứng trong thời kỳ mới, các DN cần phải tập trung nhiều hơn vào xây dụng chiến lược tổng thể để có thể tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm thích ứng tốt nhất với tình hình dịch bệnh. Thiết lập nhanh chóng các khuôn khổ hành động trong bối cảnh “bình thường mới” với việc hướng đến “chung sống hòa bình với dịch bệnh” và thực hiện đồng thời hai mục tiêu vừa sản xuất, kinh doanh tốt và vừa chống dịch tốt.
Đây là thời điểm để cấu trúc tổ chức hoạt động, cấu trúc chuỗi giá trị, quy trình sản xuất kinh doanh. Thu hẹp hoạt động kém hiệu quả, tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực đang hiệu quả nhất. Tăng cường công tác quản trị rủi ro chủ động đưa ra các kịch bản và phương án ứng phó nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn có thể xảy đến.
Trần Thủy
Hai năm mất mát, chịu đau và 'xóa bàn cờ' làm lại
“Sau Covid-19 là thị trường hoàn toàn mới. Sẽ không có DN lữ hành lớn hay nhỏ. Tất cả xóa bàn cờ làm lại, đều trên một vạch xuất phát. Ai xuất phát tốt sẽ nhanh chóng lấy lại thị trường".