Nhích 1cm cũng là sống, chậm là thua
Đó là nhận xét của ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐTV Vietravel Holdings, tại tọa đàm “Quản trị rủi ro trong du lịch” do Sở Du lịch TP.HCM phối hợp Đại học Hoa Sen tổ chức mới đây.
Ông Kỳ đã chia sẻ câu chuyện thực tế của Vietravel khi được hỏi về việc quản lực tài chính và nguồn lực như thế nào trong khủng hoảng, khi DN không có doanh thu, không còn tiền để sống. Một trường hợp đặc biệt, tiêu biểu khi đây là tập đoàn đa ngành, có vị thế về du lịch lữ hành, mới đây tham gia cả hàng không, vận tải đường bộ và giáo dục,...
Vị Chủ tịch của Vietravel cho hay, khi đại dịch Covid-19 ập đến, tập đoàn này xác định trải qua 4 giai đoạn quản trị: ngủ đông tích cực, rã đông, tăng tốc và hồi phục hoàn toàn.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ: Trong khủng hoảng, cũng không có khách hàng trung thành, họ chỉ trung thành với quyền lợi cuả họ |
Cụ thể, ngủ đông tích cực tức là co hết chi phí nhưng vẫn bảo đảm những thứ cơ bản nhất để giữ DN phải sống. Trong lúc dịch bệnh căng nhất, DN tập trung phát triển mạnh nhất về marketing, du lịch tại chỗ để nhanh chóng khởi động khi cần thiết, để khách hàng không quên mình. Trong dịch, 64 văn phòng trên cả nước của Vietravel phải đóng cửa, không cách nào khác, nhưng DN không đóng cửa hoạt động trên không gian mạng. Kể cả những ngày tháng TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, có những bộ phận DN bắt buộc phải hoạt động, phải làm việc như marketing, xây dựng sản phẩm, tài chính,... Tất cả nhằm giữ được những base (nền tảng) cơ bản nhất.
Thời điểm này, DN đã bước sang giai đoạn thứ hai là rã đông. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, cần rã đông một cách nhanh nhất khi dịch bệnh được kiểm soát. Việc cần làm ngay lập tức là nhận định và xây dựng đội ngũ, sản phẩm, thị trường. Chậm là thua.
“Sau dịch là thị trường hoàn toàn mới. Sau khủng hoảng, không có DN lớn, không có DN nhỏ. Thị trường xóa bài làm lại. Tất cả lớn, nhỏ đều trên một vạch xuất phát, anh nào xuất phát tốt sẽ nhanh chóng lấy lại thị trường. Hơn nữa, giờ cũng không còn khách hàng trung thành, bởi họ chỉ trung thành với quyền lợi của mình. Nếu không nhận biết được nhu cầu của khách hàng, chúng ta sẽ bị bỏ lại, không có sản phẩm chúng ta cũng bị bỏ lại”, ông Kỳ nhấn mạnh.
Ông cho rằng, trong rủi ro, bằng mọi cách, DN phải tìm cách để sống sót. Cần tiến lên phía trước dù phải lăn, lê, bò toài, dù chỉ nhích 1cm vẫn là sống, chứ không thể ngồi im thụ động.
Điều này trước đó cũng được bà Trần Nguyện, Trưởng Ban Kinh doanh Khối Sun World (Tập đoàn Sungroup) nhắc tới tại Diễn đàn du lịch toàn quốc cuối tháng 12/2021 tại Nghệ An. Bà Nguyện cho rằng, hậu Covid-19, ngành du lịch như “xóa bài đánh lại từ đầu”, nhưng đây cũng là cơ hội để tái định vị lại ngành du lịch Việt Nam. Đó là việc khai thác hiệu quả hơn thị trường nội địa, với 85 triệu lượt du khách; đó là việc chớp lấy thời cơ, bứt phá trong việc đón khách quốc tế để vượt xa các nước trong khu vực. Khách ngoại quốc đến Việt Nam không phải bởi giá rẻ, mà là bởi đẳng cấp, giá trị và những gì họ nhận được - bà nhấn mạnh.
Du lịch chỉ ‘sống lại’ khi ngành khác hồi phục
Sau rã đông, tiếp đến là giai đoạn tăng tốc và hồi phục hoàn toàn. Ông Nguyễn Quốc Kỳ dự đoán, nếu tình hình tích cực, phải hết quý 1/2022 DN mới rã đông xong, sau đó sẽ tăng tốc trở lại. Ngược lại, phải đến hè 2022, thậm chí hè 2023 du lịch mới có thể hồi phục.
Khách Nga trở lại Khánh Hòa những ngày đầu năm 2022 |
Có nhà kinh tế nói rằng sau dịch bệnh, du lịch cùng hàng không sẽ phục hồi mạnh mẽ. Nhưng, đó là một sai lầm. Ông Kỳ nhấn mạnh, du lịch là ngành kinh tế thượng tầng, kinh tế tổng hợp. Nó chỉ phục hồi được khi hạ tầng giao thông, y tế, dịch vụ, mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí,... trở lại bình thường
Hơn nữa, theo ông Kỳ, qua 4 đợt dịch điều đó càng không đúng, bởi cái lò xo bị nén tưởng bật lại mạnh nhưng không thể vì lo xo bị nén lâu quá, giờ doãng quá rồi. Các DN hiện cần sự trợ giúp lớn, một trong số đó là các định chế tài chính. Đặc biệt với khối DN lữ hành, khách sạn, hàng không,... đang nợ đồng lần, phải giải quyết bằng định chế tài chính, kể cả phải vay ngân hàng. Vay để làm ra tiền, để trả nợ. Quan trọng nhất là phải sống, ông phân tích.
“DN không ai kinh doanh bằng chính tài chính của mình cả, mà bằng nhiều nguồn, trong đó có các định chế tài chính, các quỹ, tổ chức tín dụng. Tiền là điều kiện bắt buộc phải có, tuy nhiên, các điều kiện khác cũng cần”, ông nói.
Các điều kiện đó, ông Kỳ muốn đề cập tới Nghị quyết 128 của Chính phủ - văn bản này là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Ông giải thích, cần là để chuyển từ trạng thái Zero Covid sang sống chung với Covid, không có thì không có cách nào chuyển đổi được; chưa đủ là bởi Chính phủ vẫn để các địa phương on-off, tự quyết định dẫn đến tình trạng tiếp tục gãy đổ, không đồng bộ giữa các địa phương. Điều này làm các DN khó khăn, lúng túng trong khâu vận hành.
Do vậy, vi lãnh đạo DN này kiến nghị Chính phủ cần giữ vai trò quyết định tỉnh nào, khu vực nào ở cấp độ dịch; còn mỗi địa phương tự quyết định các vùng mình quản lý.
Hơn nữa, khi đã xác định mở cửa, đầu tiên là mở về giao thông, nhưng việc mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế hiện nay ông Kỳ đánh giá là quá chậm. Việc mở chậm không chỉ tác động đến du lịch mà ảnh hưởng đến việc cung ứng nguyên liệu, luân chuyển hàng hóa.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, nhìn nhận, lượng khách du lịch trong 2 năm mà Việt Nam bị mất đi bằng lượng khách chúng ta đón được trong vòng 5-7 năm. Như vậy, phải mất từng ấy thời gian nữa mới có thể có được số khách tương tự nếu không quản trị rủi ro tốt.
Trong khi đó, theo nghiên cứu, lượng du khách đặt chỗ đang chờ để đi du lịch rất lớn. Khi họ đã bước qua sự do dự thì yếu tố giá không còn là quan trọng nữa, thay vào đó là sản phẩm an toàn và mức độ hài lòng cực điểm. Do vậy, thay vì đặt ra quá nhiều điều kiện, hãy trao cho du khách một hành trình nhẹ nhàng, nhanh gọn và thú vị nhất.
Ngọc Hà
Liên tục đóng mở, nửa đường quay xe: Dám đương đầu lấy thưởng
Xác định “sống chung với Covid”, nhưng việc địa phương ON/OFF (mở - đóng) liên tục khiến DN lữ hành thót tim, du khách nản lòng. Nơi nào “dũng cảm” mở cửa, có cách làm linh hoạt bước đã đầu đạt được thành công.