- Hàng loạt nước Asean như Thái Lan, Malaysia, Indonesia... đã phát triển thành công nền công nghiệp ôtô và bắt đầu bán xe giá rẻ ra thị trường. Trong khi đó, sau mấy chục năm ì ạch lắp ráp, Việt Nam đã khởi động một chiến lược phát triển ôtô mới. Tuy nhiên, động thái này được cho là chậm và còn phải chờ xem triển khai thế nào.
Đứng ngoài điểm nóng
Khu vực Asean là thị trường ô tô tiềm năng cuối cùng của thế giới. Tỉ lệ sở hữu xe còn thấp, sức mua ngày càng tăng cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh sẽ biến Asean thành một điểm nóng về ô tô trong tương lai.
Năm 2013, tiêu thụ ô tô tại Asean đạt 3,5 triệu chiếc. Theo dự báo tới năm 2018, lượng xe tiêu thụ sẽ đạt đến 4,7 triệu chiếc và có thể lên tới 8 triệu chiếc vào thời điểm 2030.
Không chỉ ô tô nguyên chiếc tăng trưởng mạnh mà thị trường linh kiện ô tô cũng sẽ tăng trưởng theo để đáp ứng nhu cầu của các nhà lắp ráp mới và thay thế cho xe.
Thị trường linh kiện ôtô của các nước Asean như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, dự kiến sẽ tăng với tốc độ 12,9%/năm, trong giai đoạn từ 2010-2018.
Sự bùng nổ trong doanh số bán xe khu vực sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng mạnh mẽ các phụ tùng ôtô như cần gạt nước, bàn đạp ly hợp, máy nén khí, bộ lọc không khí, bộ khởi động, máy phát điện, bộ tản nhiệt, quạt, hệ thống phanh...
Hàng loạt nước Asean đã phát triển thành công nền công nghiệp ôtô và bắt đầu bán xe giá rẻ ra thị trường |
Chính vì vậy, đến nay, hầu hết các thương hiệu ô tô hàng đầu thế giới đều đã vào cuộc để tranh giành "miếng bánh" béo bở.
Đứng trước tình hình này, mới đây, 2 quốc gia là Malaysia và Indonesia cũng đang muốn thúc đẩy việc hợp tác, sản xuất ô tô mang thương hiệu riêng của mình để cạnh tranh.
Việt Nam cũng được hưởng nhiều lợi thế khi nằm trong một thị trường ô tô có tiềm năng lớn và rộng mở với dân số trên 600 triệu người. Chỉ tính riêng tại Việt Nam, các dự báo cho biết tiêu thụ ô tô sau 2020 sẽ tăng mạnh, đạt quy mô trên 400.000 xe/năm và tới 2030 sẽ đạt khoảng 1 triệu xe/năm.
Hơn thế, tới 2018 khi thuế nhập khẩu ô tô tại khu vực Đông Nam Á giảm xuống còn 0%, sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho các DN ô tô nếu có sản phẩm xuất khẩu sang các nước trong khu vực.
Tuy nhiên trước sức hấp dẫn này, các DN Việt Nam có nguy cơ sẽ là kẻ ngoài cuộc. Đến nay việc chế tạo ra chiếc ô tô để xuất khẩu kể cả với các DN FDI cũng rất khăn không nói gì tới DN 100% vốn trong nước.
Bật bãi trên sân nhà?
Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) cho biết, với việc sản xuất được toàn bộ khung xe ô tô con và một số linh kiện trong nước, Vinaxuki đã đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 40% và hoàn toàn có thể sản xuất ô tô.
Tuy nhiên để cạnh tranh được, ngoài chất lượng tốt, giá rẻ, còn phải xây dựng được hệ thống dịch vụ sau bán hàng rộng khắp, phải có thương hiệu mạnh, phải nhiều vốn...
Đến nay, các DN sản xuất linh kiện của Việt Nam trong lĩnh vực ôtô, xe máy chỉ làm được những sản phẩm giản đơn, cồng kềnh, có giá trị gia tăng thấp |
Những điều này, DN Việt Nam quá yếu. Thâm nhập vào thị trường nào, nếu không có ông lớn nào nhòm ngó thì thôi, còn khi họ đã nhảy vào thì DN Việt Nam sẽ nhanh chóng "bật bãi".
Với sản xuất linh kiện, có nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam không nên nghĩ đến sản xuất hẳn chiếc ô tô nữa, vì đã quá muộn, mà nên tính đến chuyện sản xuất linh kiện, cung cấp cho các tập đoàn lớn, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.
Tuy nhiên, điều này nói thì dễ, nhưng làm không dễ. Đến giờ này đã lộ rõ, DN Việt Nam khó đáp ứng con ốc vít, theo đơn đặt hàng của các tập đoàn lớn, thì nói gì đến những linh kiện phức tạp khác,
Các DN sản xuất linh kiện của Việt Nam trong lĩnh vực ô tô xe máy, đến nay chỉ làm được những sản phẩm giản đơn, cồng kềnh, có giá trị gia tăng thấp mà các DN toàn cầu thường đặt hàng để lắp ngay tại chỗ, tránh chi phí vận chuyển cao.
Những linh kiện như khung, gầm, ghế ngồi, kính ô tô... không thể sản xuất tại Việt Nam, vận chuyển sang Thái Lan hay Indonessia để lắp xe được.
Tuy nhiên các dự báo cho thấy, sau 2018, hầu hết các DN lắp ráp ô tô tại Việt Nam khó tồn tại, bởi xe nhập khẩu nguyên chiếc cạnh tranh mạnh và việc cung cấp các linh kiện này không có tương lai.
Ông Bùi Ngọc Huyên, cho biết, để sản xuất linh kiện ô tô thì phải dựa vào các DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên với quy mô bình quân DN nhỏ và vừa Việt Nam hiện nay khoảng 10 tỷ đồng, số lao động từ 10-15 người thì chẳng làm được.
Chẳng hạn, để sản xuất bộ phanh xe, DN cũng phải đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Đây là số vốn quá lớn đối với DN nhỏ và vừa hiện nay. Cũng không thể nói tận dụng máy móc thiết bị cũ để sản xuất linh kiện ô tô được. Muốn sản xuất linh kiện ô tô cung cấp cho các DN lắp ráp, hoặc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thì phải đầu tư máy móc hiện đại và có công nghệ cao ngay từ đầu. Tất nhiên như vậy sẽ đòi hỏi nguồn vốn lớn, thời gian dài.
Số liệu điều tra từ VCCI cho thấy, DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm 96% tổng số DN cả nước. Việt Nam đang thiếu một khu vực DN cỡ vừa, đủ năng lực tiếp cận với công nghệ mới, trở thành đối tác của các tập đoàn xuyên quốc gia. Không những thế xu hướng nhỏ đi của DN đang tăng lên. Các DN cỡ vừa và lớn ngày càng thu nhỏ lại, thì khó tham gia "cuộc chơi".
Trần Thủy