Đúng là té ngửa với bữa ăn khuya có giá 22 triệu đồng ở Vũng Tàu. Cũng ở địa chỉ 94 Hoàng Hoa Thám, phường 2, TP Vũng Tàu, cuối tháng 4-2013, ông chủ quán Hào Long Sơn (lúc đó là Hương Việt) “chém” 7 du khách Nhật với bữa ăn có giá trên 16,6 triệu đồng.

Vấn đề là sau khi bị xử phạt 12,5 triệu đồng, cơ quan chức năng TP Vũng Tàu đã không kiên quyết xử lý, vẫn để Hương Việt hoạt động với tên mới Hào Long Sơn, dẫn đến sự việc vừa qua. Vị khách Nhật khi về nước sẽ nói gì với người thân, bạn bè về một TP du lịch với những hình ảnh xấu xí như thế?

Từ nhiều năm qua, chính sự thiếu kiên quyết của cơ quan chức năng đã tạo điều kiện cho nhiều nhà hàng, quán ăn, dịch vụ ở Vũng Tàu mặc sức làm giá. Đến nỗi, khi tổ chức các đoàn tham quan Vũng Tàu, hướng dẫn viên của các công ty du lịch thường xuyên nhắc nhở du khách phải hỏi giá thật kỹ trước khi ăn. Người dân ở vùng lân cận đi du lịch tự túc ở Vũng Tàu luôn “ghi nhớ” danh sách những quán ăn không nên ghé tới; nhiều người cẩn thận còn mang theo thức ăn làm sẵn, đi trong ngày rồi về.

{keywords}

Vũng Tàu là điểm đến thu hút khách du lịch mỗi dịp cuối tuần hay lễ, Tết. Tuy nhiên, nạn “chặt chém” đã làm TP này mất điểm trong mắt du khách

Rõ ràng ngành du lịch Vũng Tàu đang bị thất thu và đánh mất dần lòng tin của du khách. Nhìn ra Phan Thiết, Nha Trang, Hội An, Đà Nẵng…, Vũng Tàu nay chỉ đứng ở hàng sau về mức độ du lịch an toàn, thân thiện. Tất cả đều do cách quản lý du lịch của địa phương còn yếu kém. Chỉ với một quán từng có “tiền án chặt chém” như Hào Long Sơn mà không “bứng được gốc” thì làm sao có thể dẹp được tệ nạn này? Đó là chưa nói đến tình trạng ô nhiễm môi trường, xả rác tràn lan ở các bãi tắm.

Đã đến lúc chính quyền địa phương phải có những biện pháp kiên quyết, mạnh tay hơn với nạn “chặt chém”. Đừng để Vũng Tàu trở nên xấu xí trong mắt du khách, nhất là du khách nước ngoài.

(Theo NLĐO)