Nhiều công ty du lịch và du khách choáng váng khi giá phòng tại Sa Pa đang tăng chóng mặt, cao gấp 4-5 lần so với ngày thường.

Chiều 6-4, nhân viên một công ty du lịch tại TP HCM đang khai thác tour ở Đông Tây Bắc than phiền vừa chạy vạy khắp các khách sạn, nhà nghỉ ở thị trấn Sa Pa (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) mà vẫn không tìm được phòng cho đoàn khách gồm 10 người nghỉ đêm vào ngày 29-4. Cuối cùng, nhân viên này đành bấm bụng đặt phòng tại khách sạn 1 sao với giá 1,2 triệu đồng/phòng/đêm, đắt gấp 4 lần ngày thường.

Giá “cắt cổ” vẫn phải năn nỉ

Nhân viên này kể do nhóm khách mới bổ sung vào đoàn nên công ty phải tìm thêm phòng nghỉ cho lịch trình khám phá Tây Bắc, trong đó có Sa Pa. “Tôi đã chạy suốt buổi chiều, hỏi gần 30 khách sạn lớn nhỏ vẫn không có phòng. Nơi nào còn vài phòng thì giá “cắt cổ” hoặc đưa ra nhiều yêu sách như từ 1,2-1,5 triệu đồng/phòng nhưng chỉ được ở 1 người hoặc phải ngủ tối thiểu 2 đêm, thậm chí mức giá ngất ngưởng này còn không phục vụ ăn sáng! Để được mức giá này, tôi phải nhờ công ty đã làm tour phía Bắc lâu năm mà vẫn phải năn nỉ chủ khách sạn hơn 1 giờ” - nhân viên hãng lữ hành bức xúc.

{keywords}

Du khách nước ngoài dựng lều ở ngoài trời tại thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ ngày 28-4 đến 5-5, giá phòng tại Sa Pa bị đẩy lên mức chóng mặt, tăng từ 3-5 lần so với ngày thường. Thời điểm này, một số khách sạn 1-2 sao vẫn còn phòng nhưng họ găm lại, nói không còn để chờ đúng ngày lễ bung ra bán giá cao. Chỉ một vài khách sạn từ 3 sao trở lên, giá phòng ổn định hơn và mức tăng không quá sốc.

Trong vai người có nhu cầu đặt phòng cho gia đình nghỉ lễ 30-4, chúng tôi liên hệ hàng loạt khách sạn 1-2 sao và nhà nghỉ ở thị trấn Sa Pa nhưng phần lớn đều nhận được câu trả lời “hết phòng” hoặc giá cao gấp nhiều lần ngày thường.

Đại diện khách sạn 1 sao B.L (đường Hoàng Văn Thụ, thị trấn Sa Pa) cho hay chỉ còn phòng từ ngày 2 đến 3-5 với giá 1,5 triệu đồng/phòng 2 giường, áp dụng cho khách đặt trước. Thấy tôi chê đắt, chủ khách sạn nói: Mức giá này dành cho khách đặt trước, kể cả công ty du lịch hay khách đoàn; còn nếu đến ngày lễ mới hỏi, giá có thể lên tới 2-3 triệu đồng/phòng và phòng xấu. “Từ khi có đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, du khách đến Sa Pa ngày một đông. Đây là mức tôi lấy để giữ khách, ngày thường giá phòng khoảng 400.000 đồng nhưng cuối tuần, các khách sạn đã đẩy lên 600.000-700.000 đồng/phòng rồi nên mức này là bình thường do nhu cầu ngày lễ rất cao” - chủ khách sạn lập luận.

Nhân viên hệ thống khách sạn 2-4 sao C.L (nằm ngay chợ Sa Pa) thông báo chỉ khách sạn 4 sao còn phòng Deluxe giá 2,5 triệu đồng/phòng (cao gấp đôi) và khách sạn 2 sao giá 1,3 triệu đồng/phòng (đắt gấp 3 lần ngày thường). Một đại lý chuyên bán phòng cho các khách sạn ở Sa Pa tiết lộ phần lớn các khách sạn 1-2 sao, nhà nghỉ dịp lễ 30-4 đã không còn phòng trống dù giá không hề rẻ là 2 triệu đồng/phòng.

Sẽ niêm yết giá, lập đường dây nóng

Đến thời điểm này, dọc các điểm đến ở Đông Tây Bắc từ Mộc Châu, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng… gần như đã kín phòng do du khách đặt trước dịp lễ 30-4. Nhưng theo ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, không ở đâu tăng giá chóng mặt bằng Sa Pa. Bình thường dẫn đoàn khách đi tour ở khách sạn 3 sao tại Mường Thanh (tỉnh Điện Biên) giá chỉ 650.000 đồng/phòng/đêm lại được phục vụ buffet sáng miễn phí.

“Với Sa Pa, tôi phải nói từ “đau đớn” bởi cứ đến cuối tuần là các khách sạn 1-2 sao, nhà nghỉ tăng giá phòng lên gấp đôi. Dịp lễ những năm trước cũng chỉ tăng 100%-200% nhưng năm nay, giá phòng bị đẩy lên 4-5 lần thì thật không chấp nhận nổi. Ngành du lịch đã nỗ lực kéo khách về sân nhà, hãng lữ hành chấp nhận lời ít để giảm giá, kích cầu cũng không bù lại nổi nếu điểm đến nào cũng đẩy giá sốc như Sa Pa” - ông Dũng thẳng thắn.

Chiều 6-4, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lào Cai, cho rằng tình trạng tăng giá phòng dịp lễ ở Sa Pa do cầu vượt cung khi lượng du khách ngày một tăng, nhất là dịp lễ Tết. Ngành du lịch Lào Cai sẽ mạnh tay xử lý tình trạng tăng giá bất hợp lý, không chỉ về giá phòng mà cả các dịch vụ khác, bằng cách lập các bảng niêm yết giá ở trước các điểm tham quan, mua sắm, khách sạn… Bảng niêm yết giá sẽ công khai số điện thoại đường dây nóng là số điện thoại của chủ tịch UBND huyện Sa Pa để du khách phản ánh trực tiếp.

“Chúng tôi sẽ quyết liệt dẹp nạn tăng giá bất hợp lý của các dịch vụ du lịch. Dự kiến, tỉnh sẽ thành lập ban chỉ đạo du lịch Sa Pa để khắc phục dần những bất cập để ngành du lịch của tỉnh phát triển theo hướng bền vững” - ông Dũng khẳng định.

Làm du lịch như đánh bạc

Tình trạng cứ đến dịp lễ là “chặt chém” của các đơn vị cung ứng dịch vụ từ nhà nghỉ, khách sạn… khiến các công ty lữ hành rất đau đầu. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Dã ngoại Lửa Việt, cho biết kinh doanh lữ hành rất rủi ro. Muốn có phòng cho du khách dịp lễ, các hãng phải đặt giữ chỗ trước vài tháng rồi đặt cọc, thậm chí phải trả hết tiền trước. “Nhưng không bán được tour cho khách, nguy cơ mất vài trăm triệu đồng như chơi, thậm chí lỗ vốn. Nếu trả lại phòng hoặc vé máy bay đặt trước quá sớm, khách hỏi mua lại không có nên nhiều công ty lữ hành phải mạo hiểm như đánh bạc” - ông Mỹ nói.


(Theo NLĐ)