Từ 1/1/2022, Nghị định số 123/2021/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng đã chính thức có hiệu lực.

Đáng chú ý, nhiều vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã được lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt nghiêm với mức xử phạt tặng nặng so với Nghị định số 100/2019/NĐ-CP trước đó.

Dưới đây là một số mức phạt đối với ô tô, lái xe cần nắm rõ:

Che, tẩy xoá biển số bị phạt đến 6 triệu đồng

{keywords}
Dán, tẩy xoá biển số bị phạt đến 6 triệu đồng từ 1/1/2022

Tại khoản 9, điều 2, Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định người điều khiển ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự ô tô sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng với các lỗi sau:

- Điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số;

- Gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng;

- Sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).

Trước đây, mức phạt với hành vi này được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP chỉ là 800 nghìn đến 1 triệu đồng. Như vậy, từ 1/1/2022, mức phạt khi lái xe che, tẩy xoá biển số được tăng lên đến 6 lần so với mức cũ.

Đi vào làn dành riêng cho ETC bị phạt đến 2 triệu, tước GPLX 3 tháng

Lỗi mà trước đây rất ít lái xe bị xử phạt đó là đi vào làn đường thu phí điện tử tự động không dừng (ETC) tại các trạm thu phí. Tuy nhiên, từ 1/1 vừa qua, hành vi ô tô đi vào làn thu phí ETC đã được quy định rõ hơn với mức phạt tiền đến 2 triệu đồng.

{keywords}
Xe đi vào làn ETC sẽ bị CSGT phạt đến 2 triệu đồng, tước GPLX đến 3 tháng. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Cụ thể, Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định, hành vi "Điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí" sẽ bị phạt tiền 1-2 triệu đồng.

Ngoài ra, tài xế khi đi sai vào làn đường ETC tại các trạm thu phí còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.

Lái xe ô tô khi không có bằng lái, bằng quá hạn bị phạt 12 triệu đồng

Theo khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định tăng mức phạt đối với người điều khiển các loại xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa bị phạt tiền từ 10-12 triệu đồng. Mức phạt trước đây với hành vi này chỉ là 4-6 triệu đồng.

{keywords}
Giấy phép lái xe bị quá hạn cũng bị phạt nặng tới 12 triệu đồng.

Trước thời điểm 1/1/2022, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt đối với việc sử dụng Giấy phép lái xe ô tô hết hạn sử dụng dưới 6 tháng chỉ có 400-600 nghìn đồng. Trong trường hợp Giấy phép lái xe ô tô hết hạn sử dụng từ 6 tháng trở lên thì mức phạt sẽ từ 4-6 triệu đồng.

Tuy nhiên, Nghị định 123/2021/NĐ-CP đã rút thời gian giấy phép lái xe ô tô hết hạn làm căn cứ tính mức xử phạt từ 06 tháng xuống còn 03 tháng theo khoản 11, điều 2. Đồng thời, tăng mức xử phạt đối với hành vi sử dụng Giấy phép lái xe ô tô hết hạn sử dụng như sau:

- Phạt tiền 5-7 triệu đồng đối với người sử dụng Giấy phép lái xe hết hạn dưới 3 tháng;

- Phạt tiền 10-12 triệu đồng đối với người sử dụng Giấy phép lái xe hết hạn từ 3 tháng trở lên. 

Ô tô đón khách trên đường cao tốc bị phạt tới 12 triệu

Nghị định 123/2021/NĐ-CP đã tăng mức phạt gần gấp đôi đối với hành vi xe ô tô chở hành khách, xe ô tô tải, máy kéo (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô chở hành khách, vận chuyển hàng hóa đón trả khách và nhận trả hàng trên cao tốc. Người điều khiển ô tô có hành vi này sẽ bị phạt tiền từ từ 10-12 triệu đồng.

Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện các hành vi trên còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng. Tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP trước đây chỉ xử phạt tiền từ 5-7 triệu đồng đối với hành vi tương tự.

Phạt "sốc" tới 50 triệu đồng đối với xe quá tải

{keywords}
Nghị định mới chỉ quy định 3 mức xe quá tải thay vì 5 mức như trước đây, nhưng tăng mức phạt "kịch kim" đến 50 triệu đồng. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Đối với người điều khiển xe chở quá tải trọng, Nghị định 100/2019/NĐ-CP chia ra tới 5 mức phạt lần lượt là: Quá tải 10-20%; 20-50%; 50-100%; 100-150% và trên 150% với mức phạt 1-16 triệu đồng.

Tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP, chỉ quy định còn 3 mức xử lý với mức phạt tương ứng như sau:

- Quá tải 10-20%: Phạt tiền từ 4-6 triệu đồng;

- Quá tải 20-50%: Phạt tiền từ 13-15 triệu đồng;

- Quá tải trên 50%: Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng.

Hoàng Hiệp

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Nhìn lại những hành vi 'xấu xí' của tài xế Việt trong năm 2021

Nhìn lại những hành vi 'xấu xí' của tài xế Việt trong năm 2021

Sẵn sàng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" trên đường, bấm còi vô tội vạ, vô tư bật đèn pha “bắn” thẳng vào mắt người đối diện,… là những thói quen xấu xí mà tài xế Việt cần phải thay đổi trong năm mới 2022.

Sau 31/12, nhiều loại ô tô tiếp tục được giảm 30% phí sử dụng đường bộ

Sau 31/12, nhiều loại ô tô tiếp tục được giảm 30% phí sử dụng đường bộ

Từ 1/1/2022 đến hết 30/6/2022, ô tô kinh doanh vận tải hành khách tiếp tục được giảm 30% mức phí sử dụng đường bộ so với hiện hành. Mức giảm với xe tải, xe ô tô chuyên dùng, xe đầu kéo,... là 10%.