Muôn kiểu chống đối

Việc những tài xế khi bị dừng xe đã dùng nhiều “chiêu trò” để đối phó với CSGT đã không còn xa lạ. Có thể kể đến rất nhiều kiểu chống đối khác nhau như: Không chịu xuất trình giấy tờ; “đòi” nằng nặng kiểm tra chuyên đề; dùng lời lẽ xúc phạm, đe dọa, lợi dụng đông người để gây sức ép với CSGT; chèn ép xe CSGT truy đuổi; khóa xe bỏ đi hoặc quay xe ngang đường gây ùn tắc giao thông,...

{keywords}
Một Chi cục trưởng tại Tuyên Quang tát thẳng vào mặt Trung úy CSGT, kèm theo lời lẽ coi thường, xúc phạm người thi hành nhiệm vụ đã làm dư luận dậy sóng hồi tháng 1/2021. (Ảnh: DSPL)

Đặc biệt, từ ngày 15/3 đến nay, lực lượng CSGT toàn quốc thực hiện cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn và ma tuý. Nhiều lái xe trót uống rượu bia, vì sợ bị phạt nặng nên đã có thái độ không hợp tác, chống đối, thậm chí “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với những người đang làm nhiệm vụ.

Đơn cử như vào chiều ngày 15/3 vừa qua, khi Tổ công tác của Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội) làm nhiệm vụ trên tuyến đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông, Hà Nội) phát hiện một người đàn ông điều khiển xe mô tô mang BKS 12S1 – 176.81 có biểu hiện sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, đã dừng xe và kiểm tra.

Tài xế vi phạm là anh Phạm Xuân B. (42 tuổi, trú huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá). Kết quả kiểm tra cho thấy tài xế B. đã vi phạm nồng độ cồn ở mức rất cao, 0.567 miligam/lít khí thở. Theo quy định, tài xế này sẽ bị phạt 6-8 triệu, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng. Ngay sau đó, tổ công tác đã mời ông B. vào chốt, tiến hành lập biên bản.

{keywords}
CSGT khống chế đối tượng vi phạm và đánh một chiến sỹ bị thương. (Ảnh: Csgt)

Tại chốt CSGT, anh B. tỏ ý xin xỏ Tổ công tác bỏ qua vi phạm nhưng bất thành. Lập tức, ông B. dùng lời lẽ thô tục chửi bới, lăng mạ CSGT. Thậm chí, tài xế này còn hung hãn vung tay đấm mạnh vào mặt Thượng uý Nguyễn Mạnh Tùng, làm chiến sỹ này bị vỡ mắt kính, chấn thương vùng mặt.

Vụ việc tương tự mới nhất vừa diễn ra chiều qua, lúc 15h30 ngày 21/3, một người đàn ông có biểu hiện xảy xỉn, ngủ trong chiếc Toyota Camry mang BKS 30E-864XX đỗ giữa ngã tư Nguyễn Xiển- Nguyễn Trãi, trên đoạn đường một chiều gây cản trở giao thông.

Khi tổ công tác Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) đến làm việc, yêu cầu tài xế xuất trình giấy tờ, đỗ xe vào lề đường thì người đàn ông mở cửa bước xuống lao vào ghì cổ Trung uý CSGT tát. Đến khi về làm việc tại công an phường Thanh Xuân, tài xế này không những không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn, cũng không kí biên bản, mà còn có những lời lẽ đe doạ... 

Các trường hợp trên đều đã và đang được lực lượng CSGT xử lý theo quy định. Có thể vì lý do "có chút men", những tài xế vi phạm Luật GTĐB này không đủ tỉnh táo để hành xử đúng mực, nhưng mặt khác cũng cho thấy, đây là một hiện tượng đáng báo động trong văn hoá giao thông hiện nay.

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh – Phó trưởng phòng Tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an) cho biết, trong năm 2020 đã ghi nhận được 33 trường hợp lái xe chống lại lực lượng CSGT khi thi hành nhiệm vụ, làm 19 chiến sĩ bị thương; lực lượng chức năng đã bắt giữ 33 đối tượng. Riêng trong quý I/2021, đã ghi nhận được 12 vụ lái xe chống lại CSGT, làm 4 chiến sĩ bị thương; lực lượng chức năng đã bắt giữ 16 đối tượng.

Chống người thi hành công vụ có thể bị xử lý hình sự

Việc lái xe bất hợp tác, có lời lẽ xúc phạm hay dùng “nắm đấm” để nói chuyện với lực lượng chức năng không chỉ là hành vi chống người thi hành công vụ đơn thuần, mà còn thể hiện thói vô pháp, coi thường pháp luật của một số bộ phận tài xế hiện nay.

Trao đổi với VietNamNet, Luật sư Dương Đức Thắng - Phó giám đốc công ty Luật Myway, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội khẳng định, những lái xe dùng vũ lực hoặc thậm chí chỉ cần đe doạ dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ đã có thể bị xử lý hình sự.

Vị Luật sư này viện dẫn: “Với các hành vi như hành hung CSGT, nếu đủ căn cứ hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh "Chống người thi hành công vụ" được quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) với mức phạt cao nhất là 7 năm tù”.

{keywords}
Luật sư Dương Đức Thắng cho rằng, hành vi chống đối, hành hung người thi hành công vụ không chỉ là thiếu ý thức mà còn thể hiện sự coi thường pháp luật.

Bên cạnh đó, ông Thắng cũng nhấn mạnh, hành vi chống người thi hành công vụ nếu gây thương tích hoặc làm chết người thì người phạm tội còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm tại tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người (theo Chương XIV Bộ luật hình sự) với mức phạt cao nhất là tử hình.

Nhẹ hơn, khi lái xe có hành vi chống đối, không tuân thủ yêu cầu của người thi hành công vụ như những vụ việc xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây thì tùy vào mức độ vi phạm, người vi phạm có thể bị xử lý hành chính về hành vi: “Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông” theo quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

“Theo tôi, hành vi chống người thi hành công vụ khi tham gia giao thông không đơn thuần là thiếu ý thức, văn hóa giao thông mà còn thể hiện sự coi thường pháp pháp luật của người vi phạm. Những hành vi này cần phải bị xử lý thật thích đáng để nêu cao tính thượng tôn pháp luật và đủ sức giáo dục, răn đe lái xe”, luật sư Dương Đức Thắng nói.

Về phía Cục CSGT, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh cũng khẳng định, các hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm sẽ được các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của nhân dân.

“Lực lượng CSGT chúng tôi rất mong người dân nâng cao ý thức, ủng hộ, giúp đỡ lực lượng chức năng khi thi hành nhiệm vụ. Đồng thời lên án các hành vi không chấp hành sự kiểm tra kiểm soát của lực lượng chức năng để bảo đảm môi trường tham gia giao thông an toàn và văn minh”, Thượng tá Minh chia sẻ với VietNamNet.

Hoàng Hiệp

Bạn nghĩ gì về những kiểu hành xử "chiêu trò" của những tài xế vi phạm Luật GTĐB với lực lượng CSGT? Hãy gửi bài viết cộng tác về Ban Ô tô xe máy qua email: otoxemay@vietnamnet.vn. Những nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin trân trọng cảm ơn!

Văn hóa giao thông: Sau va chạm, đừng nói chuyện bằng nắm đấm

Văn hóa giao thông: Sau va chạm, đừng nói chuyện bằng nắm đấm

Nhiều lái xe không giữ được bình tĩnh sau va chạm giao thông, sẵn sàng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" để nói chuyện với đối phương. Vậy lý giải điều này như thế nào?