Trang Autocar mới đây đã tổng hợp loạt mẫu xe đầu tiên của các hãng xe trên thế giới. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc phần 2:
Volvo (1927)
Chiếc xe đầu tiên do Volvo chế tạo. Ảnh: Autocar |
Được thành lập bởi Assar Gabrielsson và Gustav Larson, hãng xe Volvo đã chế tạo chiếc xe đầu tiên của mình vào năm 1927.
Với tên gọi OV4, chiếc xe của Volvo được trang bị động cơ bốn xi-lanh, dung tích 1940cc, sản sinh công suất 28 mã lực. Hiện tại, Volvo là một trong những hãng xe nổi tiếng thế giới, đi đầu về công nghệ an toàn trên ô tô.
Nissan (1931)
Chiếc xe đầu tiên của Nissan cũng được chế tạo theo nguyên mẫu Austin Seven. Ảnh: Autocar |
Hãng xe Nissan được thành lập vào năm 1911 với tên gọi ban đầu là Kaishinsha Motorcar Works, sau đó hãng đổi tên thành DAT Motorcar Co vào năm 1925, cuối cùng chuyển thành Nissan vào năm 1934. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm của Nissan được bán với tên Datsuns cho đến năm 1986, thời điểm Nissan trở thành một thương hiệu toàn cầu.
Giống như BMW, chiếc xe đầu tiên của Nissan, chiếc Type 10 cũng được chế tạo dựa trên nguyên mẫu Austin Seven, sở hữu động cơ 4 xi- lanh dung tích 495cc, sau đó được mở rộng lên 747cc.
Toyota (1936)
AA là mẫu xe thâm nhập thị trường của hãng Toyota. Ảnh: Autocar |
Chiếc AA là mẫu ô tô đầu tiên do hãng xe Toyota sản xuất vào năm 1936 dành cho thị trường Nhật Bản. Cùng với phiên bản mui trần (AB), Toyoda Automatic Loom đã dành được giấy cấp phép của chính phủ Nhật, mở đường cho việc thành lập nên Toyota ngày nay và xây dựng các nhà máy ô tô đầu tiên của hãng.
Xe được trang bị động 3,4 lít sáu xi-lanh và đã có hơn 1400 chiếc được xuất xưởng.
Volkswagen (1945)
Không ai đoán được sự thành công của mẫu xe con bọ. Ảnh: Autocar |
Mặc dù những chiếc xe của Hitler đã được nghiên cứu, chế tạo từ năm 1936, nhưng tới năm 1945 những sản phẩm thương mại đầu tiên mới bắt đầu được xuất xưởng.
Khi quân đội Anh giải phóng nhà máy Wolfsburg của VW, hồ sơ thiết kế của chiếc Type 1 đã được gửi đến nhiều công ty Anh khác nhau nhưng tất cả đều nghi ngờ về khả năng thành công của mẫu xe này.
Cuối cùng, ít đoán được rằng Volkswagen Beetle lại trở thành một trong những tượng đài của ngành công nghiệp xe hơi.
Ferrari (1947)
Phải mất 7 năm chờ đợi để Tipo 125 xuất hiện. Ảnh: Autocar |
Lúc sinh thời, Enzo Ferrari từng có thời gian làm việc cho hãng xe Alfa Romeo. Khi rời khỏi công ty này, theo quy định ràng buộc, Enzo Ferrari bị cấm chế tạo xe hơi mang tên cá nhân ông trong suốt 7 năm.
Phải đến năm 1947, chiếc Ferrari đầu tiên tên gọi Tipo 125 mới xuất hiện trên thị trường. Xe được trang bị động cơ V12 dung tích 1498cc, công suất 118 mã lực. Một năm sau, Ferrari tham gia giải Grand Prix đầu tiên của hãng, chiếc xe tham gia đua sử dụng cùng loại động cơ trên Tipo 125 nhưng được nâng cấp thêm bộ siêu nạp.
Maserati (1947)
Anh em nhà Maserati đã dành cả cuộc đời cho ô tô và đua xe. Ảnh: Autocar |
Năm anh em nhà Maserati đã cống hiến cuộc đời mình cho ô tô và môn thể thao đua xe. Họ thành lập công ty mang tên gia đình vào năm 1926, nhưng lĩnh vực hoạt động chính là đua xe. Mãi đến năm 1947, chiếc Tipo A6 mới xuất hiện. Sản phẩm đầu tay của Maserati được trang bị động cơ 6 xi-lanh, dung tích 1488cc.
Nối tiếp Tipo A6 là các phiên bản động cơ 2 lít, sở hữu bộ khung đặc biệt.
Porsche (1948)
Chiếc xe đầu tiên của hãng Porsche thực chất là bản cải tiến từ Beetle. Ảnh: Autocar |
Ferdinand Porsche thành lập công ty tư vấn thiết kế và kỹ thuật vào năm 1931 nhưng không sản xuất ô tô cho đến năm 1948, vì ông là người đã tạo ra VW Beetle trước Thế chiến 2.
Chiếc xe đầu tiên của hãng Porsche là mẫu 356, thực chất cũng chính là một chiếc Beetle được nâng cấp sử dụng động cơ 1131cc.
Suzuki (1955)
Chiếc sedan đầu tiên của Suziki. Ảnh: Autocar |
Hãng xe Suzuki khởi đầu là một nhà sản xuất xe máy, nhưng vào năm 1955, công ty chuyển sang sản xuất ô tô và xe tải nhỏ với thương hiệu Suzulight.
Những sản phẩm đầu tiên của hãng được thiết kế dưới dạng sedan, xe van và xe bán tải hai cửa. Mỗi loại đều được trang bị động cơ hai thì, dung tích 360cc, hai xi-lanh dẫn động bánh trước. Nhưng chỉ có rất ít xe sedan được sản xuất, thời gian đầu Suzuki chỉ tập trung vào sản xuất xe chở hàng.
Subaru (1958)
Subaru 360 trông khá lành so với những chiếc Subaru hiện tại. Ảnh: Autocar |
Khác xa so với những mẫu xe tăng áp, dẫn động 4 bánh hầm hố hiện tại, chiếc xe đầu tiên do Subaru sản xuất trông khá “lành”.
Xuất hiện lần đầu vào năm 1958, mẫu Subaru 360 sở hữu động cơ hai xi-lanh 356cc, dẫn động cầu sau, đi kèm hộp số ba cấp. Tới năm 1968, chiếc 360 được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, tuy nhiên chiếc xe này đã có sự khởi đầu không thể tệ hơn. Trong một vụ va chạm với một chiếc xe Mỹ, Subaru 360 đã bị vỡ vụn ra từng mảnh khiến truyền thông Mỹ bám vào chế giễu dẫn đến doanh số bán hàng sụt giảm thảm hại.
Mazda (1960)
Chiếc R360 đối đầu trực tiếp với các đối thủ từ Subaru và Suzuki. Ảnh: Autocar |
Hãng xe Mazda khởi nghiệp với tên gọi Toyo Kogyo vào năm 1920, ngành hoạt động chính là sản xuất máy cơ khí. Bốn thập kỷ sau, Mazda đã chế tạo chiếc xe đầu tiên của hãng, chiếc R360, đối đầu trực tiếp với các đối thủ từ Subaru và Suzuki.
R360 ban đầu chỉ được bán ở dạng coupe hai cửa. Xe được trang bị động cơ V-twin 356cc, công suất 16 mã lực, đủ để đạt tới vận tốc 84 km/h.
Honda (1963)
Honda là nhà sản xuất xe máy lớn nhất thế giới trước khi sản xuất ô tô. Ảnh: Autocar |
Soichiro Honda khởi nghiệp là một thợ cơ khí vào năm 1937 trước khi chuyển sang kinh doanh phụ tùng, động cơ và xe máy. Đến năm 1959, công ty Honda do ông thành lập đã là nhà sản xuất xe máy lớn nhất thế giới. Tới năm 1963, hãng cho ra mắt chiếc ô tô đầu tiên, chiếc bán tải T360. Chỉ sau đó 2 tháng, Honda tiếp tục ra mắt chiếc S500 roadster với động cơ dung tích 531cc, bốn xi-lanh. Hãng xe Nhật Bản đã chế tạo 1363 chiếc S500 trước khi nâng cấp lên S600.
Kia (1974)
Kia là nhà sản xuất non trẻ trong ngành công nghiệp xe hơi. Ảnh: Autocar |
Trước những thành quả mà Kia đạt được, khó tin đây chỉ là một nhà sản xuất non trẻ trong ngành công nghiệp ô tô.
Kia được thành lập vào năm 1944 với tên gọi Kyungsung Precision Industry. Công ty này sản xuất xe máy cho Honda theo giấy phép được cấp năm 1957, sản xuất xe tải cho Mazda theo giấy phép từ năm 1962.
Mãi đến năm 1974, Kia mới sản xuất chiếc ô tô chở khách đầu tiên, chiếc Brisa, sở hữu động cơ dung tích 1 lít.
Hyundai (1975)
Sản phẩm đầu tay của Hyundai đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Ảnh: Autocar |
Hyundai được thành lập với tư cách là một công ty xây dựng vào năm 1947, và 20 năm sau, hãng bắt đầu chế tạo xe hơi và xe tải cho Ford.
Nhà sản xuất Hàn Quốc đã giới thiệu chiếc xe đầu tiên của mình vào năm 1975. Chiếc sedan Pony dẫn động cầu sau, được trang bị động cơ nhập từ Mitsubishi. Chiếc xe đầu tay của Hyundai được đánh giá là có thiết kế chắc chắn, giá cả phải chăng và đây là tất cả những gì khách hàng thời đó yêu cầu.
Lexus (1989)
LS400 tạo nên một phong cách xe sang hoàn toàn mới. Ảnh: Autocar |
Khi Toyota quyết định thâm nhập thị trường xe hạng sang ở Mỹ vào năm 1989, nhà sản xuất này đã ra mắt thương hiệu Lexus nhằm tạo ra sự khác biệt với những sản phẩm phổ thông mà hãng đang kinh doanh.
Sản phẩm đầu tiên, chiếc Lexus LS400 tuy không đem lại cảm giác lái thú vị nhưng lại được trang bị cực kỳ tiện nghi, đi kèm độ ổn định vượt trội. Đó chính là điểm khác biệt của Lexus so với những hãng xe sang khác.
Tesla (2008)
Chiếc Tesla Roadster tạo ra kỷ nguyên mới trong ngành công nghiệp xe hơi. Ảnh: Autocar |
Có lẽ ngay cả Tesla cũng không đoán được rằng chiếc xe đầu tiên của hãng lại có ảnh hưởng lớn đến thế với ngành công nghiệp xe hơi. Đây là chiếc xe đã thay đổi quan niệm của người dùng về ô tô điện. Nó vừa có tầm hoạt động lớn (lên tới 300 km), vừa có hiệu suất mạnh mẽ với khả năng tăng tốc từ 0-100 km/h chỉ trong vòng 4 giây. Và kể từ đó, hãng xe này luôn là người tiên phong trong lĩnh vực sản xuất xe điện, khiến cả thế giới phải chạy theo.
Ngân Vũ (Autocar)
Trân trọng mời bạn đọc cộng tác, gửi tin bài, video từ camera hành trình về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Dân chơi xe máy cổ Hà Nội chi 200 triệu sắm Dream Thái 21 năm tuổi
Tay chơi xe ở Hà Nội - Tú xiếc motor vừa chi gần 200 triệu đồng để mua lại chiếc xe máy Honda Dream II đời năm 1999 với ngoại thất còn mới cứng.