Căng thẳng tiếp tục leo thang giữa Nhật Bản và Trung Quốc với tâm điểm là
quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Căng thẳng Nhật – Trung và một cuộc chiến mới
Các viễn cảnh chiến tranh Nhật – Trung
Căng thẳng Trung-Nhật mấp mé ‘quân sự hóa’
Nhật Bản và Trung Quốc đều đã tung máy bay chiến đấu lên trời để thị uy |
Mặc dù chưa thâm nhập vào không phận của Nhật Bản lần nào, nhưng Trung Quốc đã xâm phạm vào vùng ADIZ của Nhật ba lần.
Vị quan chức Bộ Quốc phòng Nhật ước tính có hơn 10 chiếc máy bay Trung Quốc, bao gồm cả các máy bay J-7 và máy bay chiến đấu J-10. Tuy nhiên, theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc thì có vẻ tin tức của Nhật Bản đã có nhầm lẫn giữa chiếc J-7 (máy bay đánh chặn) và chiếc JH-7 (“Con báo bay” vốn là một máy bay chiến đấu/ném bom). Các thông tin không được xác nhận cũng cho rằng một số máy bay đã cảm báo sớm cho phi cơ.
Trong một thông cáo vào ngày 11/11, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng chiếc máy bay vận tải Shaanxi Y-8 đã tuần tra thường kỳ gần các mỏ dầu và khí đốt ở tỉnh Chiết Giang. Bắc Kinh xác nhận rằng họ đã phái đi hai chiếc J-10 sau khi các máy bay F-15 của Nhật Bản tiến gần tới chiếc máy bay vận tải này.
Máy bay của Trung Quốc lập tức rời khu vực này ngay sau đó.
Trong một bài xã luận hôm thứ Sáu tuần qua viết về cuộc khủng hoảng trên biển Hoa Đông, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc nói rằng ‘do Nhật Bản ngạo mạn với Trung Quốc…. Trung Quốc và Nhật Bản có thể đứng trước một bước ngoặt có thể dẫn tới đối đầu’. Tờ báo còn nói rằng nỗi oán giận giữa hai quốc gia đã đạt tới mức ‘cao nhất kể từ sau Thế chiến II’.
Bài xã luận còn viết: “Rất có thể xảy ra một cuộc đụng độ quân sự. Chúng ta không nên có ảo tưởng cho rằng quan điểm cứng rắn của ta sẽ khiến Nhật nhụt chí. Chúng ta nên chuẩn bị cho tình huống xấu nhất”.
Không giống các vụ việc trước đó liên quan tới máy bay dân sự, các tàu tuần tra hay tàu cá, sự việc ngày thứ Năm tuần qua là lần đầu tiên hai quốc gia cùng tung ra các máy bay quân sự nhằm vào nhau tại biển Hoa Đông, một diễn biến quan trọng và báo trước nhiều sự chẳng lành trong tương lai, trừ khi có một bên thứ ba đứng ra làm hòa giải và buộc họ cùng ‘hạ nhiệt’.
Vào hôm thứ Tư tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Thứ trưởng phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell sẽ dẫn đầu một phái đoàn tới khu vực này vào tuần này cùng với các chặng dừng chân ở Seoul và Tokyo.
Ông Campbell cùng với Ngoại trưởng Hillary Clinton và các quan chức khác của Mỹ cũng đã gặp Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải vào chiều thứ Năm tuần trước.
Ông Campbell đã nói rõ hơn về chính sách của Mỹ đối với tranh cãi giữa Nhật và Trung Quốc liên quan tới quần đảo trên biển Hoa Đông trong bài phát biểu với một nhóm cố vấn ở Washington DC.
“Chúng tôi muốn các quốc gia công nhận rõ rằng Đông Bắc Á quá quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta không thể chịu nổi khi căng thẳng kéo dài làm xói mòn quan hệ giữa hai quốc gia quan trọng nhất ở châu Á là Nhật Bản và Trung Quốc, đó không chỉ là an ninh mà còn là sự thịnh vượng của nền kinh tế của chúng ta” – tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc dẫn lời ông Campbell.
Bên lề sự kiện, ông Campbell nói với các phóng viên rằng chuyến công du tuần này của ông sẽ tập trung hàng đầu vào việc giải quyết tranh chấp Nhật – Trung.
Trong khi đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga nói rằng Nhật Bản sẽ dùng ‘mọi biện pháp giám sát có thể’ để bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và các vùng biển lân cận để đáp trả tuyên bố của Bắc Kinh rằng họ có thể tiến hành tuần tra liên tục vùng biển gần quần đảo này.
Ông Yoshihide Suga nói rằng việc tuần tra này của phía Trung Quốc là ‘cực kỳ bất bình thường’.
Vào ngày 9/1, trong một tuyên bố mang tính hăm dọa hơn là ngoại giao thông thường, Bộ Quốc phòng Nhật nói rằng họ đang xem xét cho phép máy bay của Lực lượng Phòng vệ trên không (ASDF) bắn cảnh cáo các máy bay của Trung Quốc xâm nhập vào không phận của Nhật.
Tân Hoa Xã lập tức có bài xã luận chỉ trích rằng động thái như vậy là ‘gây hấn’, ‘nguy hiểm’ và ‘vô trách nhiệm’. Bài báo còn nói rằng bằng việc cho phép bắn cảnh cáo, Nhật Bản đã ‘sa chân sâu hơn nữa vào hướng đi sai lầm’.
Một gói kích thích mà Tokyo mới công bố vào ngày 11/1 bao gồm 180.5 tỉ Yên (2,03 tỉ USD) ngân sách quốc phòng chi cho các tên lửa, máy bay chiến đấu và trực thăng.
Thậm chí ngay trước khi leo thang gần đây nhất xảy ra, rất nhiều người đã cảnh báo rằng tranh cãi giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã ngày một nguy hiểm hơn và đe dọa biến thành xung đột nghiêm trọng. Ian Bremmer – người sáng lập và cũng là chủ tịch hãng tư vấn địa chiến lược Eurasia Group nhận định: “Đối với tôi, mối nguy hiểm trong xung đột giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong năm 2013 là căng thẳng về địa chiến lược đơn lẻ lớn nhất cho tới giờ vẫn chưa có tiền lệ và chúng ta sẽ phải theo dõi việc này hết sức cẩn trọng”.
- Lê Thu (Theo Diplomat)