Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong năm 2022, dịch Covid-19 được nhận định chưa thể kiểm soát hoàn toàn. Dịch vẫn đang diễn biến phức tạp với hơn 15.000 ca nhiễm mới và hơn 150 ca tử vong mỗi ngày.

Việt Nam cũng đã ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng, nguy cơ lây lan trên diện rộng rất cao.

“Tốc độ lây nhiễm của Omicron cao gấp 7 lần ở nhóm chưa tiêm chủng và gấp 3 lần ở nhóm đã tiêm vắc xin đầy đủ. Nếu số ca mắc tăng nhanh có thể gây quá tải hệ thống y tế, các biến chủng mới có thể xuất hiện. Bộ Y tế lo ngại về sự bùng phát đợt dịch trong thời gian tới nên đòi hỏi phải có biện pháp nỗ lực hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch”, Bộ trưởng phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022, tổ chức sáng 20/1.

Người đứng đầu Bộ Y tế cho biết, ngành y xác định nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện thành công chương trình phòng, chống dịch năm 2022-2023, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, tăng cường biện pháp phòng, chống dịch theo hướng quản lý rủi ro, giảm ca nặng, giảm tỷ lệ tử vong, nâng cao công tác điều trị ở tất cả các tuyến, đảm bảo bệnh nhân được điều trị chăm sóc phù hợp. Nhanh chóng tiêm đủ 3 mũi vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên, thực hiện yêu cầu của Thủ tướng về chương trình “Tiêm vắc xin không có ngày nghỉ Tết”.

Bộ trưởng chia sẻ, năm 2021, với sự xuất hiện của biến chủng Delta lây lan nhanh, mạnh, dịch Covid-19 đã diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài trên nhiều địa phương. Các ca nhiễm tăng nhanh trong thời gian ngắn, vượt xa so với dự báo.

“Dịch bệnh đã tác động nghiêm trọng đến sinh mạng, sức khỏe, đời sống của nhân dân và ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt kinh tế xã hội của đất nước, làm đình trệ hoạt động sản xuất, tác động tiêu cực đến việc làm, sinh kế, tâm lý của nhân dân. Dịch bệnh tăng nhanh gây quá tải hệ thống y tế và làm tăng các ca tử vong”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trong dịch bệnh đầy khó khăn, thách thức, ngành y tế đã huy động tổng lực chưa từng có với nỗ lực, quyết tâm cao nhất trong công tác phòng chống dịch.

Chỉ tính riêng đợt dịch thứ 4, ngành y tế đã huy động hơn 25.000 các giáo sư, bác sĩ, nhân viên y tế, sinh viên các trường y dược tham gia công tác phòng chống dịch. Nhiều người hiện nay vẫn có mặt tại khu vực phía Nam và hầu hết nhân viên y tế tại các tỉnh có dịch đang miệt mài làm việc.

Bộ trưởng thông tin, tới nay đã có gần 3.000 cán bộ y tế nhiễm Covid-19 và hơn 10 trường hợp đã tử vong do Covid-19.

Các giải pháp chuyên môn chưa từng có trong tiền lệ đã được Bộ Y tế triển khai. Điển hình như việc giám sát, xét nghiệm, cách ly, phân tầng điều trị, thiết lập 11 trung tâm hồi sức tích cực ở 11 tỉnh, TP phía Nam trong thời gian ngắn kỉ lục. Bên cạnh đó, thành lập hàng nghìn trạm y tế lưu động điều trị tại nhà cho bệnh nhân, chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử triển khai thành công với hơn 170 triệu liều vắc xin.

Người đứng đầu ngành y tế khẳng định, dù tập trung cao độ vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhưng Bộ Y tế vẫn thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ giao.

Cụ thể, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 91%, hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao về ngành; củng cố hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng; số ca mắc HIV/AIDS, ngộ độc thực phẩm giảm so với năm 2020; khám, chữa bệnh từ xa mở rộng, kết nối với hơn 1.500 cơ sở y tế cả nước; chất lượng dịch vụ y tế từng bước được nâng cao.

Ngoài ra, mức độ hài lòng của bệnh nhân đạt trên 90%; công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế từng bước được đổi mới; mức sinh thay thế duy trì bền vững 16 năm qua, tuổi thọ trung bình là 73,7 tuổi; tỉ suất tử vong ở trẻ giảm; chuyển đổi số của ngành y tế được đánh giá cao.

Theo Bộ Y tế, đến hết ngày 19/1, Việt Nam đã ghi nhận 108 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron gồm Hà Nội (1), Quảng Nam (27), TP.HCM (68), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (3), Khánh Hòa (2), Long An (1), Quảng Ninh (2).

Nguyễn Liên

Thủ tướng: "Thần tốc hơn nữa” trong tiêm chủng để mở cửa an toàn

Thủ tướng: "Thần tốc hơn nữa” trong tiêm chủng để mở cửa an toàn

Thủ tướng yêu cầu các địa phương “thần tốc hơn nữa” trong việc tiêm chủng vắc xin Covid-19 để có cơ sở mở cửa an toàn, phục hồi kinh tế xã hội.