Virus đột biến lây nhanh hơn 70%
Tại hội nghị trực tuyến với hơn 700 điểm cầu phòng chống dịch Covid-19 sáng 23/12, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thông tin chủng SARS-CoV-2 đột biến tại Anh đang được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm. Bộ Y tế cũng đang theo dõi chặt thông tin này.
“Chủng đột biến mới làm tăng khả năng bám dính của virus với tế bào vật chủ nên tăng tốc độ lây lan thêm 70% so với các chủng cũ. Đây là điều hết sức quan ngại vì tăng nhiễm đồng nghĩa lây truyền cộng đồng mạnh hơn, chu kỳ nhanh hơn, nhiều người nhiễm hơn nên tử vong nhiều hơn”, Bộ trưởng lo lắng.
Đợt dịch Covid-19 tại Đà Nẵng trong tháng 7-8 đã phát hiện ra chủng đột biến D614G lây lan mạnh nhưng vẫn chưa bằng chủng mới.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học chưa phát hiện biến chủng này vô hiệu vắc xin.
Bộ trưởng Y tế lo lắng biến thể SARS-CoV-2 lây lan mạnh hơn, nếu bùng ra cộng đồng sẽ rất khó kiểm soát
“Mặc dù quan ngại nhưng chúng ta phải hết sức bình tĩnh đối phó chủng này”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Hiện ngành y tế đã giải trình tự gene trên toàn bộ mẫu lây lan trong nước và sắp tới sẽ tiếp tục giải trình tự gene các mẫu virus ở khu vực châu Âu và ở các nước có biến chủng để xác định khả năng lây truyền và xâm nhập vào Việt Nam.
“Chúng ta chưa phát hiện chủng virus nào ở Việt Nam có vùng đột biến này. Tuy nhiên, không vì vậy mà lơ là trong phòng chống dịch. Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh các biện pháp phòng chống Covid-19 để đảm bảo người dân được hưởng một cái Tết an bình”, Bộ trưởng Long thông tin.
Theo Bộ trưởng Y tế, mùa đông năm nay khốc liệt với các nước, nếu không tích cực phòng chống sẽ chịu nhiều hậu quả nặng nề.
Dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, mỗi ngày ghi nhận 500.000 - 600.000 ca mắc mới. Một số nước lân cận, thậm chí một số nước có mô hình phòng chống dịch tốt nhất như Nhật, Hàn Quốc cũng đang phải triển khai các biện pháp mạnh mẽ do dịch bùng trở lại. Vì vậy, Việt Nam càng phải tăng cường hơn nữa hoạt động phòng chống dịch.
“Trước hết, cần tăng cường hơn nữa giám sát tại các cơ sở y tế. Ca Covid-19 đầu tiên hầu như đều từ bệnh viện. Mùa này nhiều dịch bệnh lây qua đường hô hấp, như cúm có triệu chứng rất giống với Covid-19, vì vậy Bộ đã yêu cầu tất cả những trường hợp này đều phải xét nghiệm”, Bộ trưởng lưu ý và chỉ đạo cần tiếp tục nâng cao năng suất, công suất xét nghiệm.
Phòng chống dịch ở mức cao nhất
Bộ trưởng yêu cầu từ nay đến cuối năm, các địa phương phải phòng chống dịch Covid-19 lên mức cao nhất, chuẩn bị cho tất cả tình huống xấu nhất.
“Chúng ta không thể biết ca Covid-19 mới sẽ phát hiện ở đâu. Do đó các địa phương cần phải lên sẵn kế hoạch xem lấy mẫu trên diện rộng thế nào, đảm bảo cơ sở điều trị khi có ca Covid-19 và bệnh viện phải phong toả”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường quản lý chặt người nhập cảnh (trái phép, hợp pháp). Hiện mỗi ngày có 100-150 người nhập cảnh trái phép trên tất cả các tuyến biên giới. Đây là điều hết sức quan ngại dù Việt Nam đã lập 1.600 chốt vùng biên với hơn 10.000 người chốt chặn.
Với các trường hợp nhập cảnh hợp pháp, Bộ trưởng Y tế đề nghị Bộ Ngoại giao hạn chế các chuyến bay trở về từ vùng có dịch, đặc biệt từ các nước xuất hiện biến thể mới.
Cách ly trong nước cần siết chặt, tránh làm lây nhiễm ra cộng đồng như tại TP. HCM. Các trường hợp được cách ly tại nhà, cơ sở lưu trú, các địa phương phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các cơ sở này về mức độ đảm bảo, tuân thủ cách ly.
Về tình hình sản xuất vắc xin trong nước, ngoài Nanogen, 2 đơn vị khác sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vào tháng 3 tới. Bộ Y tế cũng đang đàm phán với các nước để sớm có vắc xin.
Dù vậy Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chúng ta không trông chờ vào vắc xin, kể cả có vắc xin vẫn cần quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống".
TS Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, sau hơn 1 năm xảy ra đại dịch, bài học quan trọng nhất cho thấy, tập trung đầu tư vào ứng phó thực sự mang lại hiệu quả.
“Trong thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã nỗ lực tăng cường ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp, kết quả đã kiểm soát thành công dịch Covid-19. Đây không phải thành công qua một đêm mà là thành công có được qua rất nhiều năm chuẩn bị”, ông Kidong Park đánh giá.
Theo TS Park, khi các nền kinh tế, xã hội mở cửa trở lại, dịch trên toàn cầu sẽ tiếp tục thay đổi, do đó phải tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng ngừa để có thể ứng phó, thích nghi.
“Đại dịch Covid-19 là đại dịch lớn nhất trong hơn 100 năm qua. Đại dịch cho thấy tầm quan trọng của hệ thống y tế linh hoạt và vững mạnh. Chúng ta không biết khi nào, ở đâu đại dịch tiếp theo sẽ xảy ra. Tuy nhiên chúng ta biết chắc chắn đây không phải là đại dịch cuối cùng của con người”, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam nhìn nhận.
Đại dịch Covid-19 nhắc nhở các nước phải vừa ngăn ngừa dịch bệnh vừa tránh làm ngưng trệ các dịch vụ y tế cơ bản và chuẩn bị tốt hơn cho công tác ứng phó.
“Nếu toàn cầu không có sự chuẩn bị, đại dịch tiếp theo sẽ xảy ra vượt qua Covid-19 cả về phạm vi ảnh hưởng và mức độ tác động”, TS Park cảnh báo.
Ông mong muốn Việt Nam sẽ đầu tư hơn nữa để hệ thống y tế ngày càng vững mạnh, linh hoạt, sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh mới trong tương lai.
Thúy Hạnh
Thêm 17 tình nguyện viên tiêm vắc xin Covid-19 của Việt Nam
Trong hôm nay sẽ có thêm 17 tình nguyện viên tiêm thử vắc xin Nanocovax liều thấp nhất để xác định độ an toàn của vắc xin Covid-19.