Không chuyển bệnh nhân lên tuyến trên
Tại cuộc họp trực tuyến với 3 bệnh viện dã chiến ở Hải Dương, Quảng Ninh chiều 29/1, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian ngắn kỷ lục chưa đầy 24 giờ, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai đã thiết lập xong 2 bệnh viện dã chiến tại Hải Dương.
Bệnh viện Dã chiến số 1 tại Trung tâm Y tế TP. Chí Linh, Hải Dương do ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh và BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới “cắm chốt”.
Hiện tại bệnh viện này đã tiếp nhận 31 bệnh nhân Covid-19 dương tính, trong đó có 2 thai phụ đang mang thai 24 tuần và 30 tuần.
Từ điểm cầu Trung tâm Hội nghị quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long họp trực tuyến với các bệnh viện dã chiến
BS Cấp cho biết, bệnh viện có thể nâng cấp lên 200 giường bệnh, tuy nhiên cơ sở hạ tầng, trang thiết bị gần như chưa có gì, thiếu hoá chất, kỹ thuật viên. Yêu cầu xây dựng một khoa Hồi sức cấp cứu tại bệnh viện này trong vòng 1 tuần gần như không thể.
Hiện tại, ekip của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã tập huấn cho tất cả cán bộ lâm sàng của trung tâm về kiểm soát nhiễm khuẩn, điều trị để đáp ứng nhu cầu.
Bệnh viện Dã chiến số 2 đặt ở trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương do GS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc bệnh viện phụ trách.
Bệnh viện này đã sắp xếp được 210 giường, 1 đơn vị điều trị tích cực 26 giường, 1 phòng cấp cứu 10 giường dưới sự hỗ trợ của 26 chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai.
Theo báo cáo, vật lực tại bệnh viện này vẫn còn thiếu máy thở không xâm lấn, các trang thiết bị bảo vệ nhân viên y tế, thuốc thiết yếu.
Do nhân lực tại chỗ của bệnh viện chỉ có 15 bác sĩ và 40 điều dưỡng nên GS Tuấn đã liên hệ trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương tập huấn gấp 80 điều dưỡng sắp ra trường để tăng cường.
Bộ trưởng Y tế chỉ đạo, do thiết lập đơn vị Hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện dã chiến Chí Linh khó khăn nên đề nghị chuyển tất cả bệnh nhân nặng sang Bệnh viện Dã chiến số 2 Hải Dương.
Bộ trưởng cũng đề nghị 2 bệnh viện dã chiến báo cáo ngay nhu cầu về vật tư, trang thiết bị và nhân lực để Bộ điều tiết.
“Chúng ta phải xác định lâu dài, không chỉ 5, 7 hay 10 ngày mà kéo dài hơn nên phải chuẩn bị đủ nhân lực để điều trị”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng đồng ý để Bệnh viện Bạch Mai triển khai toàn bộ các kỹ thuật cao như ECMO đang thực hiện áp dụng tại Bệnh viện Dã chiến số 2 dù các danh mục này trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương chưa được phê duyệt.
Về phương án điều trị, Bộ trưởng chỉ đạo chuyển tất cả bệnh nhân mắc Covid-19 tại Hải Dương về 2 bệnh viện dã chiến, hạn chế chuyển bệnh nhân lên tuyến trên do biến chủng mới lây nhiễm rất nhanh.
“Chúng ta phải triệt để áp dụng 4 tại chỗ. Các giáo sư đầu ngành sẽ liên tục kết nối, hội chẩn từ xa với các bệnh viện. Chỉ trường hợp bệnh nhân rất nặng mới chuyển về trung ương, còn lại điều trị tại chỗ”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Bộ sẽ chuyển nhân lực, máy móc xuống. Trong trường hợp số lượng bệnh nhân tiếp tục tăng lên, Bộ sẽ tiếp tục lập Bệnh viện Dã chiến số 3 tại Trung tâm thi đấu thể thao tỉnh Hải Dương.
Tại Bệnh viện Dã chiến số 2 Quảng Ninh đặt tại Bệnh viện Phổi Quảng Ninh đang điều trị cho 12 bệnh nhân Covid-19, trong đó 4 trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở.
GS Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng tổ điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng lưu ý, số lượng bệnh nhân sắp tới sẽ tăng rất nhanh khi mở rộng xét nghiệm. Từ tuần thứ hai, bệnh nhân sẽ nặng lên nhanh, ban đầu có thể từ triệu chứng nhẹ như mệt mỏi, bỏ ăn, khó thở… do đó phải đặc biệt lưu ý, theo sát diễn tiến bệnh nhân để phát hiện sớm.
Lập labo xét nghiệm công suất lớn
Ông Hoàng Minh Đức, Phó cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết khu công ngiệp Poyun đã thành lập 5 khu cách ly tập trung, chuyển hết bệnh nhân âm tính ra khu cách ly. Song, tốc độ xét nghiệm không kịp so với tốc độ di chuyển các công nhân này.
Tại công ty Poyun vẫn còn tình trạng trộn lẫn công nhân xét nghiệm chưa có kết quả với các trường hợp khác.
Hiện tại toàn bộ mẫu xét nghiệm ở Hải Dương phải chuyển về trung ương nên tốc độ chậm hơn mong muốn.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu thiết lập ngay labo xét nghiệm tại Hải Dương với công suất lên tới 50.000 mẫu/ngày.
Khử khuẩn tại Bệnh viện Dã chiến Chí Linh. Ảnh: Bộ Y tế
Bộ trưởng chỉ đạo cần tăng cường tốc độ lấy mẫu, mở rộng đối tượng lấy mẫu ra các công nhân toàn khu công nghiệp và lấy mẫu tại cộng đồng ở 8 thôn, phường trọng điểm, gồm: Cộng Hoà, Hoàng Tiến, Lê Lợi, Bắc An, Sao Đỏ… Đây là những khu vực đông dân cư với hàng chục ngàn người.
Bộ trưởng cũng yêu cầu khẩn trương chuyển những người đang cách ly ở nhà máy Poyun đi cách ly tập trung, chuyển hết bệnh nhân dương tính hoặc nghi ngờ dương tính sang Bệnh viện Dã chiến Chí Linh để điều trị, chăm sóc.
Phía công ty Poyun cho đề nghị cách ly công nhân tại chỗ để tiếp tục làm việc, song Bộ Y tế không đồng ý, yêu cầu phong toả, khử độc toàn bộ.
"Ngày mai cần lấy mẫu lại toàn bộ công nhân khu vực này, vì trong mấy ngày vừa rồi có thể lây nhiễm từ người dương tính ra cộng đồng", ông Long yêu cầu.
Bộ trưởng thông tin, ngành y tế đã huy động lực lượng lớn hơn Đà Nẵng tới Hải Dương để hỗ trợ khoanh vùng cách ly, xét nghiệm và điều trị. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường nhân lực cho phòng chống dịch tại cộng đồng.
Bộ cũng đã chỉ đạo Đà Nẵng hỗ trợ nhân lực và vận chuyển toàn bộ trang thiết bị tại Bệnh viện Dã chiến Tiên Sơn đến Hải Dương, thiết lập Bệnh viện Dã chiến số 3 tại đây.
Thúy Hạnh
Thêm 53 ca mắc Covid-19 mới, trong đó Hải Dương ghi nhận 47 ca
Chiều 29/1, Bộ Y tế cho biết ghi nhận thêm 53 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó tại Hải Dương (47 ca), Quảng Ninh (3 ca), Hà Nội (2 ca) và Bắc Ninh (1 ca).