Tâm lý chủ quan sau 70 ngày không ca nhiễm cộng đồng

TP.HCM hiện điều trị cho 24 bệnh nhân Covid-19. Đây đều là các ca nhiễm nhập cảnh từ nước ngoài, được chuyển đến bệnh viện dã chiến Củ Chi sau khi có kết quả dương tính. Trong cộng đồng không xuất hiện ca nhiễm nào sau 70 ngày.

Bởi vậy, trong ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ vừa qua, hàng nghìn người dân đã tập trung đến các khu vui chơi, sở thú mà không có biện pháp phòng dịch. Dù một số điểm vẫn có vị trí rửa tay, khử khuẩn, nhưng thực tế người dân không sử dụng; không có người đo thân nhiệt vào cổng như thời điểm dịch lưu hành trong thành phố.

Phổ biến nhất là việc không đeo khẩu trang, dù 5K vẫn đang là biện pháp chủ động để phòng dịch, còn vắc xin ngừa Covid-19 rất khan hiếm.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu TP.HCM siết chặt và xử lý các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, thực hiện 5K đối với cá nhân, an toàn Covid-19 với tất cả các bệnh viện, trường học, công sở, cơ sở sản xuất.

Phó thủ tướng nhắc lại bài học từ chính Hải Dương, chỉ 1 đám cưới đã gây lây lan trên diện rộng; hay bài học từ sự cố cộng đồng ngày 20/2 của Campuchia dẫn đến làn sóng bùng phát Covid-19 là điều mà TP.HCM cần rút kinh nghiệm trong đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới.   

{keywords}
Người dân TP.HCM trong ngày giỗ tổ vừa qua
{keywords}
Người dân TP. HCM tại 1 khu vui chơi ngày giỗ tổ

Nguy cơ dịch xâm nhập từ biên giới

Tại cuộc họp ngày 23/4, ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, đặc điểm TP.HCM có mức độ giao thương cao, nên an toàn của thành phố liên quan trực tiếp đến kiểm soát dịch bệnh từ vùng biên. Do đó, thành phố sẽ chủ động phối hợp với các địa phương có đường biên giới kiểm soát nhập cảnh trái phép.

Cũng theo ông Phong, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2021, đã có 108 trường hợp nhập cảnh trái phép tại TP.HCM bị phát hiện. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lo ngại, con số thực tế người nhập cảnh trái phép trót lọt cao hơn rất nhiều, và nếu có người dương tính xuất hiện tại các lễ hội đông người thì hậu quả là khôn lường.

Do đó, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu xử lý nghiêm, cần thiết phải truy tố hình sự các trường hợp nhập cảnh trái phép để đủ sức răn đe.

Bên cạnh nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép qua đường mòn lối mở, hiện nay xuất hiện tình trạng người dân theo tàu cá nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Tại Kiên Giang, thời gian gần đây, lực lượng biên phòng liên tục phát hiện các trường hợp như vậy, đã tiến hành giữ người và đưa đi cách ly theo quy định.

Phó thủ tướng chia sẻ, quan điểm hiện tại của Chính phủ là khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài hạn chế di chuyển, thực hiện đầy đủ các khuyến cáo phòng bệnh của nước sở tại. Tuy nhiên, nếu các trường hợp quá khó khăn, éo le, thì người dân có thể về nước, khai báo đầy đủ để được hỗ trợ về y tế, điều kiện chăm sóc.

Chính phủ sẽ có điều chỉnh quy định về chi phí cách ly, nhưng đảm bảo hỗ trợ tối đa chi phí y tế cho các trường hợp khó khăn trở về nước, để bà con không phải trốn khai báo hay trốn cách ly. Những trường hợp cố ý nhập cảnh trái phép nhất định sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Tinh thần đoàn kết toàn dân chống dịch

Hiện tại, Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn công tác, đứng đầu là Bộ trưởng và các thứ trưởng đang giám sát công tác phòng chống dịch, điều trị Covid-19 của các tỉnh Tây Nam bộ. Hoạt động này bắt đầu từ ngày 18/4 và vẫn đang tiếp diễn.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời cảm ơn đến lực lượng biên phòng, an ninh, hệ thống chính trị của các tỉnh vùng biên giới suốt 1 năm qua đã căng mình chống dịch, đảm bảo an toàn cho đất nước. Đây là nhiệm vụ vô cùng vất vả, nhất là trong bối cảnh các nước láng giềng đang bùng phát đợt dịch mới nghiêm trọng.   

Tuy nhiên, sự cảnh giác và tinh thần đoàn kết của người dân lúc này đóng vai trò quan trọng trong phòng dịch. Phó thủ tướng kêu gọi người dân các tỉnh biên giới nói riêng và người dân cả nước nói chung, đề cao sự cảnh giác, báo cáo với chính quyền địa phương các trường hợp nhập cảnh trái phép, trốn cách ly trong cộng đồng.

Với các gia đình có người trốn cách ly, nếu khai báo với địa phương và thực hiện cách ly y tế, sẽ được xem là tình tiết giảm nhẹ. Hơn bao giờ hết, ý thức của một cá nhân sẽ góp phần vào an toàn cho cả đất nước.

{keywords}
 
{keywords}
Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế làm việc tại tỉnh Bạc Liêu

Vắc xin phòng Covid-19 còn thiếu rất nhiều

Trong khi đó, TP.HCM vẫn còn thiếu khoảng 10 ngàn liều vắc xin Covid-19 cho nhân viên y tế. Đây là con số do ông Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc Sở Y tế TP.HCM cung cấp ngày 23/4. Trong đợt cung ứng vắc xin đợt 1, TP.HCM tiêm được cho 9.115 nhân viên y tế, đợt 2 tiếp tục tiêm mũi 2 cho những người này để hoàn thiện liệu trình.  

Với trên 56 ngàn liều được Bộ Y tế cung ứng mới đây, thành phố vẫn cần thêm 10 ngàn liều nữa để đảm bảo chủng ngừa đầy đủ cho ngành y tế (2 ngàn liều đã ưu tiên cho nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất).

Mặc dù chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 vẫn đang tích cực diễn ra với hạn cuối là ngày 30/4, nhưng thực tế, vắc xin vẫn vô cùng khan hiếm so với nhu cầu và mục tiêu tiêm chủng cho toàn dân.

Thành phố cũng sẽ ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen đẩy mạnh sản xuất vắc xin nếu thử nghiệm thành công, tạo thêm nguồn vắc xin.

TP.HCM dự kiến đề xuất với Chính phủ để xã hội hóa nguồn vắc xin chủ động theo nguyện vọng của người dân thành phố. Ông Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện có trên 150 tỷ đồng được người dân quyên góp gửi đến Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP.HCM để thành phố mua vắc xin Covid-19.

Tuần qua, số ca nhiễm ở Châu Á đã tăng 34%. Thủ đô Viêng-chăn của Lào đang phong tỏa trong 14 ngày. Thủ đô Phnom-Pênh vương quốc Campuchia cũng phong tỏa. Thái Lan có hàng ngàn ca nhiễm mỗi ngày. Việt Nam đối mặt với nguy cơ xâm nhập bệnh mỗi ngày từ bên kia biên giới.

Linh Khuê

Bộ Y tế cảnh báo dịch Covid-19 tại 3 tỉnh Tây Nam Bộ

Bộ Y tế cảnh báo dịch Covid-19 tại 3 tỉnh Tây Nam Bộ

3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau được cảnh báo có nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 bất cứ lúc nào.