Chị Lê Thị Xuân Thúy, 34 tuổi, quê Hàm Rồng, Thanh Hóa nhập viện, điều trị tại Trung tâm Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 21/3 với chẩn đoán hệ miễn dịch kém và thiếu máu.

Cuối tháng 3, số ca Covid-19 có liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai liên tục tăng theo từng ngày, bệnh viện chính thức bị phong tỏa, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Những bệnh nhân đang điều trị nội trú như chị Thúy được yêu cầu cách ly tại Khoa, lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm. Mỗi giường bệnh đặt cách nhau 2 mét, bệnh nhân phải đeo khẩu trang và sát khuẩn tay thường xuyên.

Người nhà bệnh nhân cũng được yêu cầu di chuyển tới điểm cách ly tập trung ở ngoại thành Hà Nội.

Hoang mang, lo lắng là cảm xúc mà chị Thúy và những bệnh nhân quanh chị đã và đang phải trải qua trong suốt những ngày này.

“Chúng tôi không thể biết chuyện gì sẽ xảy ra với mình phía trước. Xung quanh vắng vẻ tới ảm đạm, mọi người đều ở yên tại giường bệnh của mình. Nhìn qua cửa sổ, phía dưới không một bóng người, hàng quán quanh viện đều đóng cửa… ”, chị Thúy tâm sự.

{keywords}
Mỗi giường bệnh đặt cách nhau 2 mét, bệnh nhân phải đeo khẩu trang và sát khuẩn tay thường xuyên - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Ngô Thị Thắm , 35 tuổi, quê Vũ Thư, Thái Bình, cũng là bệnh nhân điều trị nội trú tại Trung tâm Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng. Chị Thắm nhập viện ngày 7/3 do mắc luput ban đỏ dẫn đến suy thận. Bệnh tình trở nặng hơn trong những ngày này khiến chị càng thêm lo lắng.

“Có những lúc căng thẳng vô cùng, vì mình có bệnh nền, nếu mắc virus sẽ rất nguy hiểm. Nhưng nếu ở nhà, liệu chúng tôi có được cứu sống? Tôi cần bác sĩ, cần được chữa bệnh. Vậy nên cách duy nhất lúc này là phải cố gắng ổn định tinh thần để vượt qua”, chị Thắm bảo.

Không có người thân ở bên cạnh chăm sóc, các bệnh nhân dựa cả vào nhau và dựa vào bác sĩ.

Thông thường, những người bệnh nhẹ hơn như chị Thúy sẽ giúp đỡ các bệnh nhân nặng trong một số vấn đề sinh hoạt hàng ngày. Việc khó hơn, họ sẽ nhờ cậy đến các điều dưỡng luôn túc trực phía bên ngoài.

Hàng ngày, các y bác sĩ vẫn phải đảm bảo công tác chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, Ngoài ra, họ phải đôn đáo thêm từ chuyện ăn uống, sinh hoạt cá nhân tới vấn đề giúp người bệnh ổn định tâm lý.

“Phòng chúng tôi mỗi người mỗi bệnh, người dị ứng nổi mẩn, người suy thận, người đau khớp…Mỗi bệnh lại có một chế độ ăn khác nhau nhưng các bác sĩ luôn cố gắng chu toàn đầy đủ. Họ cũng lắng nghe và động viên chúng tôi rất nhiều”, chị Thúy chia sẻ.

{keywords}
 
{keywords}
Các y bác sĩ bệnh viện phát đồ ăn, sữa và nước uống cho từng bệnh nhân - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Không chữa nội trú, nhưng phải đều đặn tới bệnh viện 1 tuần 3 lần, chị Dương Thị Lan và các bệnh nhân trong xóm chạy thận Cột Cờ (121 Lê Thanh Nghị) cũng đang có những cảm xúc lo lắng tương tự.

Chị Dương Thị Lan 26 tuổi, quê huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang mắc suy thận giai đoạn cuối và đã chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai nhiều năm nay.

Những ngày này, xóm chạy thận 130 người của chị Lan luôn có tổ kiểm soát chặn gác ở đầu ngõ, làm nhiệm vụ giám sát, đảm bảo bệnh nhân không đi nơi khác, ngoài bệnh viện nếu có lịch chạy thận.

Khi tới viện, bệnh nhân sẽ phải xuất trình thẻ ra vào, được nhân viên y tế dẫn đi theo lối riêng tới tận khoa phòng. Các buổi chạy thận của bệnh nhân vẫn được đảm bảo như những ngày bình thường, chỉ có cái khác duy nhất là bầu không khí vắng lặng không giống thường lệ của bệnh viện.

“Gắn bó với Bạch Mai hơn 3 năm, nhưng chưa bao giờ tôi thấy cảnh này. Vừa thấy lo lắng, vừa rất buồn”, chị Lan tâm sự.

Những lúc yếu lòng, các bệnh nhân xóm thận lại cùng tâm sự, động viên lẫn nhau để vượt qua. Mọi người hay đùa: “Cách ly thì cũng được ăn cơm Nhà nước cơ mà. Chẳng sao cả”.

Từ khi Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận các ca Covid-19 đầu tiên, những người xung quanh luôn rất dè chừng khi tiếp xúc với bệnh nhân xóm Cột Cờ.

“Hầu hết các quán cơm hay hiệu thuốc đều không bán cho chúng tôi. Khi ra hàng in ấn, tôi cũng phải đứng ngoài đường để chờ chứ không được vào quán”, chị Lan kể.

Hoàn toàn hiểu và thông cảm cho tâm lý mọi người, nhưng chị Lan lo lắng nhiều hơn cho các bác sĩ ở bệnh viện. “Những ngày này, các bác sĩ là người vất vả nhất. Họ đứng ở đầu sóng ngọn gió, vừa chữa bệnh cho chúng tôi, vừa chống dịch. Tôi biết ơn các nhân viên y tế và rất đau lòng khi thấy họ bị kỳ thị’, chị Lan chia sẻ.

{keywords}
Một nhân viên y tế BV Bạch Mai ngủ gục trên bàn làm việc

Ngày 29/3, chị Thúy, chị Thắm và các bệnh nhân cùng phòng đều nhận được kết quả xét nghiệm âm tính nCoV lần đầu, khiến gánh nặng tâm lý phần nào được gỡ bỏ. Buổi chạy thận của chị Lan cũng diễn ra một cách rất suôn sẻ.

Dù còn rất nhiều nỗi lo ở phía trước về bệnh tật, về nguy cơ lây nhiễm, về chuyện có thể bị kỳ thị sau khi xuất viện, nhưng họ đều bảo nhau phải lạc quan.

“Luôn tin tưởng ở các bác sĩ và nhìn nhận mọi việc một cách tích cực, đó là điều tốt nhất chúng tôi nên làm ở thời điểm này”, chị Thúy bảo.

Bệnh viện Bạch Mai hiện còn khoảng 800 bệnh nhân không thể xuất viện hoặc chuyển tuyến dưới và 552 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần chạy thận.

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, dù gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, các y bác sĩ bệnh viện vẫn đang toàn tâm chăm sóc cho người bệnh.

“Chúng tôi quyết tâm không chỉ chữa khỏi bệnh mà còn cố gắng ngăn chặn sự lây nhiễm hoặc lây nhiễm chéo trong bệnh viện”, Giáo sư Tuấn nhấn mạnh.

Nguyễn Liên

Giám đốc BV Bạch Mai: "Chúng tôi quyết tâm ngăn chặn sự lây nhiễm ra cộng đồng"

Giám đốc BV Bạch Mai: "Chúng tôi quyết tâm ngăn chặn sự lây nhiễm ra cộng đồng"

 - Ngay trong đêm 28/3, một bệnh viện dã chiến đã được dựng lên trong khuôn viên bệnh viện Bạch Mai, với quyết tâm sẽ đẩy lùi dịch bệnh và ngăn chặn sự lây nhiễm trong cộng đồng.