Năm 2018, ngành y tế tự hào khi đã thành công vang dội với những ca ghép thận, tim xuyên Việt như câu chuyện cảm động của bé Hải An, Vân Nhi. Đã có 20.000 người đăng kí hiến mô tạng sau khi qua đời… Quả là con số hết sức diệu kì. Song mấy ai nhớ đến những con người đặt viên gạch đầu tiên, những món quà “sự sống” quý giá được trao tặng ấy đã bị hồ nghi, bị bao tiếng ác của người đời.... 

Cuộc trò chuyện định mệnh của người mẹ và cô lao công

Năm 2012, đứa con trai V.Q.T (lúc đó 36 tuổi) của bà Nguyễn Hồng Son bị người ta đánh trọng thương rơi vào trạng thái hôn mê sâu phải cấp cứu. Người mẹ đau thắt ruột gan, vay mượn đủ 60 triệu để đưa con lên Chợ Rẫy với hi vọng còn nước còn tát.

Điều kì diệu đã không xảy ra, bác sĩ thông báo trái tim anh Tiến vẫn còn đập nhưng chỉ thêm 2-3 ngày nữa sẽ vô vọng, anh đã bị chết não. Nhận hung tin người mẹ thẫn thờ ngồi trước hành lang, những khổ đau bật ra bằng tiếng khóc nức nở.

{keywords}

Bà Son suy sụp trước tai nạn của con trai

Một cô lao công đang quét dọn, thấy người phụ nữ nước mắt không ngừng tuôn rơi liền hỏi: Vì sao bà lại ngồi đây khóc?

Bà mẹ đáp: Con trai tôi bị người ta đánh, giờ bác sĩ bảo nó chết não rồi không còn khả năng cứu sống nữa!

Cô lao công an ủi: Sống chết có số mệnh hết do ông trời định, bà đừng buồn nữa. Vậy bà có muốn làm việc thiện cứu người không?

Bà mẹ quệt nước mắt: Tôi ở cơ sự thế này làm được gì, mà cứu ai. Việc thiện ở đời ai mà chả muốn làm hả cô.

Cô lao công mới bảo: Bà nên tìm gặp bác sĩ Thu đi, bà có thể hiến tạng con trai mình cho khoa học để cứu sống người khác.

Đoạn hội thoại đó nào ngờ là định mệnh, song cũng đưa bà đến một quyết định có phần nghiệt ngã.

Người con trai cả của bà Son, an ủi mẹ thôi đưa em về quê lo hậu sự. Bà mẹ mới tâm sự với con về cuộc nói chuyện với cô lao công. Người con đã đi tìm bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị điều phối, ghép bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy, tìm hiểu chuyện hiến tạng cho khoa học cứu người.

Sau cuộc gặp gỡ với bác sĩ, người con khuyên mẹ hiến tặng tạng cho y học. Bà mẹ ngập ngừng phân vân: “Con ơi, em con bị vậy rồi mẹ đau muốn đứt ruột, gan giờ đem mổ xẻ lấy tạng, mẹ sợ mẹ chịu không nổi, thôi hay là dừng đi con”.

Lúc này, người con mới an ủi mẹ: “Thì giờ em đằng nào nó mất rồi, cũng về đem thiêu cũng hóa thành cát bụi thôi mẹ. Cả đời nó thích làm việc tốt, thôi cho em nó cơ hội đi mẹ. Mình hiến cho khoa học cứu người làm phước đáng mà mẹ”. Bà mẹ sau này thổ lộ do anh con trai làm trong ngành y nên mới tin tưởng ký vào đơn hiến tạng.

{keywords}

Bi kịch làm ơn phải tội!

Sau khi hiến tặng sự sống, người mẹ đưa con về Vũng Liêm, Vĩnh Long lo an táng. Nào ngờ, bắt đầu từ ngoài ngõ những tiếng xầm xì: “Bà già ác nhơn bán tạng con mình kiếm tiền”, “Nghèo thế kia, bán thận con để kiếm chút tiền trả nợ là phải rồi”…những lời cay nghiệt cứ dội vào gia đình bà Son.

Hôm sau, Bệnh viện Chợ Rẫy gửi đến gia đình vòng hoa tri ân người mất đã có những đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, đã vô tình nhân thêm những lời đồn đoán cay nghiệt. Lần này, họ trực diện hơn: “Gia đình bà phải có gì, mổ xẻ ra sao, có buôn bán người ta mới thấy áy náy gửi vòng hoa chứ”, “Làm gì có chuyện hiến tạng cứu người, đời này làm gì có chuyện cho không ai cái gì”.

Người con trai bà Son phải đập bàn đuổi những người viếng, bà Son tự trọng không chịu nhận tiền phúng điếu. Người mẹ đưa con trai ra quãng đồng trong đêm tối dựng lá dừa, thuê thầy tụng kinh làm đám cho con.

Chính người mẹ không ngờ lựa chọn kí vào lá đơn hiến tạng phải chịu những cay đắng đến nghiệt ngã thế này. Sau đám tang con trai, không chịu nỗi những lời đồn cay nghiệt bà phải bỏ đến nhà người con khác để chạy trốn những lời thị phi. Đến mức, bà  Son bán ngôi nhà của mình để đến một nơi khác sống.

{keywords}

Bà bị mọi người hiểu nhầm việc hiến tạng và phải chịu khổ suốt thời gian dài

Tôi được gọi bác sĩ sao bác sĩ?

Bà Son đã âm thầm chịu đựng những điều tiếng, hồ nghi của người đời suốt 3 năm. Một ngày nọ, cuộc gọi từ phía đầu dây bên kia: “Chị Son phải không? Tôi bác sĩ Thu đây, chị đi đâu mấy năm nay tôi tìm mãi không được, lâu nay chị sống sao rồi, có cần chúng tôi giúp gì không?”.

Khoảnh khắc ấy như vỡ òa, bà mẹ vui sướng thét lên: “Thiệt sao, thiệt sao bác sĩ? Tui được phép gọi bác sĩ sao? Lâu nay tui sợ nhiều người nói gọi bác sĩ đòi hỏi có ý đồ xấu nên tui không dám”. Tất cả nỗi niềm của bà Son được cởi trói từ đây.

Năm 2015, sau 3 năm người mẹ ký đơn đồng ý hiến tạng con trai, Tiến sĩ Dư Thị Ngọc Thu đi tìm bà Son để trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp sức khỏe của nhân dân do Bộ Y tế ủy thác. Vị bác sĩ phải mất rất lâu để tìm lại người mẹ vì bà đã thay đổi chỗ ở, số điện thoại.

“Sau khi gọi được chị tôi mừng lắm, song chị kể 3 năm nay chị chịu điều tiếng bán thận con hưởng tuổi già, chúng tôi day dứt vô cùng. Hồi đó, chúng tôi say mê quá cho cái đề tài nghiên cứu khoa học “Khảo sát tiêu chuẩn cho thận để ghép ở người chết não” mà quên mất ân nhân mình. Mọi thứ hồi đó chưa hình thành hệ thống, tôi cũng chưa được học về điều phối ghép tạng nên đã thiếu sót rất nhiều với việc tri ân, giữ liên lạc với gia đình người hiến”, bác sĩ Thu nhớ lại.

Minh oan!

Năm 2015, lần đầu Bộ Y tế tổ chức vinh danh những người đã hiến tạng cứu người từ năm 1990 đến 2015. Bà Son được mời đến dự với vị trí trang trọng nhất.

{keywords}

Bà Son đến dự lễ vinh danh và vận động mọi người hiến tạng

Người mẹ ấy đã thức đêm để viết một bức tâm thư thật dài, kể về câu chuyện mình làm ơn phải tội chịu đựng suốt 3 năm. Bà mẹ chạy đến dúi lá thư vào tay bác sĩ và bảo: “Xíu chị lên trên bục phát biểu, đọc giúp em để minh oan cho em không phải bán thận con lấy tiền”. Vị bác sĩ động viên: “Chị sẽ lên trên bục kia để nhận kỉ niệm chương do chính Bộ trưởng trao, tấm kỉ niệm chương kia là bằng chứng để minh oan cho chị, vinh danh những gì chị đã hi sinh”.

Buổi lễ hôm ấy, người mẹ được Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trao kỉ niệm chương, chụp chung tấm hình. Ban tổ chức sau này tặng tấm hình trang trọng nhận kỉ niệm chương được bà cất giữ như một kỉ vật quý giá. Sau này ai xầm xì chuyện bà bán thận con, bà lấy hình làm minh chứng để đập tan lời đồn.

Kể từ khi con trai mất, bà tìm mãi không có lấy một tấm hình làm di ảnh. Bàn thờ con trai chỉ có mỗi bát hương, chén nước lạnh lẽo. Sau khi có kỉ niệm chương, người mẹ lấy đó làm di ảnh, bàn thờ con trai giờ cũng được làm lại trang trọng hơn.

{keywords}

Bà Son nâng niu kỉ niệm chương 

Khi chúng tôi hỏi có bao giờ bà muốn gặp lại người được con trai bà hiến tặng quả thận được sứu sống. Bà Son hồn nhiên: “Tôi vẫn nghĩ một phần cơ thể con mình còn sống trên đời. Mong người nhận được sống tốt, gặp lại để làm gì, đã cho đi không hề cầu mong nhận lại. Nếu gặp lại sẽ khiến người nhận sẽ mang nợ mình, họ sẽ sống không được thanh thản. Phước đức này là tài sản vô hình, tôi để lại cho con cháu mình. Việc bây giờ tôi phải sống tốt, bao năm chịu ấm ức được giãi bày rồi nên cũng chẳng mong gì cả”.

Tiến sĩ Dư Thi Ngọc Thu, Trưởng đơn vị điều phối ghép bộ phận cơ thể người BV Chợ rẫy chia sẻ, những năm từ 2008-2015, chúng tôi đã vận động gia đình thân nhân những người chết não hiến tặng tạng để ghép cho các bệnh nhân đang đứng trước lằn ranh cái chết có cơ hội tiếp nối sự sống. Thực tế có câu chuyện trao đổi, buôn bán tạng phủ nên những việc làm nhân văn mang tính tiên phòng của gia đình chị Son, chị Phụng…đã mang lại cho họ vô vàn điều tiếng. Chúng tôi đau lòng, cũng chỉ biết thăm hỏi động viên họ vượt qua. Hi vọng một ngày nào đó câu chuyện này được cộng đồng biết đến nhiều, nhiều người hiểu sẽ cảm thông và minh oan cho những hi sinh cao cả như chị Son.

Phan Nhơn

Sao Việt hiến tạng: Người muốn trả nợ đời, kẻ chuộc lỗi lầm quá khứ

Sao Việt hiến tạng: Người muốn trả nợ đời, kẻ chuộc lỗi lầm quá khứ

- Các nghệ sĩ nổi tiếng đăng ký hiến tạng như Hoàng Lan, Đỗ Mỹ Linh, Khắc Việt,... đã truyền cảm hứng cho nhiều người.