Những gì thế giới đang phải đối mặt hiện nay rất phức tạp. Chúng ta đã bước vào một thời kỳ hỗn loạn của các mối quan hệ bị thay đổi. Hiện nay thế giới bị chia rẽ để chống lại chính nó, theo đuổi những lợi ích ngắn hạn như sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, theo SCMP.

Trong vài năm qua, các lợi ích và cơ hội mà Trung Quốc và Mỹ đại diện cho toàn thế giới đã thay đổi với một tốc độ khó tin trong thời gian gần đây. Hầu hết các quốc gia đã điều hòa thành công mối quan hệ của họ với cả Trung Quốc và Mỹ, nhưng khi quan hệ Mỹ-Trung trở nên xa vời hơn, áp lực với những nước này khi phải buộc chọn phe cũng lớn hơn. Nhiều nước bị kẹt giữa một cuộc chiến phi ý thức hệ giữa các cường quốc kinh tế.

{keywords}
Thương chiến Mỹ-Trung là một cuộc chiến phi ý thức hệ giữa các cường quốc kinh tế. Ảnh: Australian Tribune

Nước Mỹ đã thay đổi đáng kể dưới thời Tổng thống Donald Trump. Ông Trump đã đề cao các chính sách chống người nhập cư, chống toàn cầu, chống tự do thương mại nhằm vào các nước đồng minh và các đối thủ cạnh tranh. Ông sử dụng thuế quan như một “cây gậy” để nhằm vào bất kỳ nước nào ông cho rằng đang chống lại lợi ích của Mỹ, từ Mexico trong vấn đề người nhập cư trái phép, tới Australia với mặt hàng thép và nhôm do sự gia tăng xuất khẩu nhôm của nước này sang Mỹ.

Đã không còn những ngày Mỹ là một thị trường mở cửa và là đất nước của những cơ hội vô tận.

Các nước khác cũng nhận ra các thể chế và phạm vi ảnh hưởng của các liên minh cũng đang thay đổi. Điển hình như Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau năm 1951 được ký giữa Mỹ và Philippines. Chính quyền Manila đang tìm cách để đánh giá lại những thỏa thuận trong hiệp ước trên. Ngoài ra nước này vừa tham gia tập trận với Mỹ, vừa tham gia các cuộc diễn tập trên biển do Trung Quốc tổ chức.

Rõ ràng, Philippines đang đứng giữa Mỹ và Trung Quốc, giống như nhiều nước khác. Singapore cũng có các hoạt động hải quân với cả Washington và Bắc Kinh. Nhật Bản, một đồng minh hùng mạnh của Mỹ, đã ký các thỏa thuận đầu tư xuyên biên giới với Trung Quốc. Đức, một trong những nước đứng đầu NATO, từ chối việc loại bỏ thiết bị di động của Huawei dù Washington đe dọa sẽ ngừng việc chia sẻ thông tin tình báo với chính quyền Berlin, nếu nước này không ngừng hợp đồng với các nhà cung cấp viễn thông tới từ Trung Quốc.

{keywords}
Ảnh: Marketprimenews

Về phần Trung Quốc, nước này cũng đang thay đổi nhanh chóng. Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng, nền kinh tế của nước này đang chậm lại và tăng trưởng xuất khẩu sang các nước trên thế giới không thể diễn ra mãi. Ngoài sự tăng trưởng, vấn đề chính trị đang ngày càng tăng tầm ảnh hưởng đến mảng ngoại thương.

Trước đây, miễn là các quốc gia tránh chỉ trích trực tiếp Bắc Kinh, thì những nước này có thể tiếp cận thị trường béo bở của Trung Quốc. Nhưng nay nhiều công ty đang ngày càng lọt vào tầm ngắm của những mục đích chính trị, đồng thời một danh sách đen được lập ra có thể bao gồm các công ty công nghệ của Mỹ và Nhật Bản từ chối hợp tác với Huawei. Cụ thể đầu năm nay, Bắc Kinh đã từ chối nhập than từ Australia nhằm trả đũa cho việc Canberra cấm Huawei.

Chiến dịch toàn cầu của Bắc Kinh nhằm kết thêm bạn bè và gây ảnh hưởng với các nước lân cận đã từng phát huy hiệu quả. Trung Quốc luôn nói về việc nước này trỗi dậy một một cách hòa bình. Tuy nhiên, những hành động quyết liệt của Bắc Kinh nhằm quân sự hóa những vùng biển tranh chấp với các nước láng giềng đã đập tan viễn cảnh về Trung Quốc chung sống hòa bình với các nước lân cận theo luật pháp quốc tế.

Ngoài ra, các thỏa thuận ký kết thuê cảng biển trên toàn thế giới cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc Trung Quốc mở rộng hải quân cùng với lợi ích kinh tế toàn cầu.

Và đây là nguy cơ nhiều nước sẽ bị kéo vào các cuộc chiến tranh hùng biện, chiến tranh thương mại, chiến tranh lạnh hay các hình thức chiến tranh khác. Trong chiến tranh, sẽ có một bên thắng và một bên thua. Nhưng trong thế giới phức tạp của các mối quan hệ quốc tế, điều đó thường sẽ không xảy ra. Càng có nhiều mặt đối nghịch của mối quan hệ Mỹ-Trung bị thổi phồng, càng có ít chỗ cho cơ hội đàm phán. Mọi người sau đó có thể sai lầm khi tin rằng, các quốc gia có thể tránh khỏi xung đột.

Theo SCMP nhận định, hiện nay cả Mỹ và Trung Quốc đều không đại diện cho một lý tưởng với phần còn lại của thế giới. Cả hai đều muốn cả thế giới tuân theo các phiên bản cụ thể của thành công kinh tế của họ. Cả hai nước đều thách thức ý nghĩa của việc liên minh với các quốc gia khác. Các trật tự toàn cầu đã bị nới lỏng. Nếu các trật tự trên toàn cầu bị phá vỡ, thì không còn là đối đầu giữa hai phe như thời Chiến tranh Lạnh, mà sẽ là sự hỗn loạn xảy ra trên toàn thế giới.

Tuấn Trần