Mặc dù về thông thường sẽ tốt hơn nếu có sự giúp đỡ từ các đồng minh để đạt được các mục tiêu, nhưng nguyên tắc này chỉ đúng nếu sự trợ giúp đó là thực chất và các mục tiêu được chia sẻ. Trong khi, các đồng minh thuộc Liên minh châu Âu (EU) của Washington, chẳng hạn như Đức và Pháp, đã phớt lờ chính quyền Biden khi hoàn tất thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc, dù đội ngũ của ông đã đề nghị họ trì hoãn ít nhất cho đến khi trao đổi với tân lãnh đạo Nhà Trắng sau lễ nhậm chức.

{keywords}
 

Rút ra bài học từ thất bại

Viết trên tạp chí Foreign Policy, Clyde Prestowitz, người sáng lập kiêm Chủ tịch Viện Chiến lược kinh tế (Mỹ) cho rằng, thực tế trên gợi nhắc một loạt phương pháp tiếp cận thất bại của các đời tổng thống Mỹ trước đây, từ Ronald Reagan đến Barack Obama, những người có các cố vấn tin việc đưa Trung Quốc hòa nhập vào nền kinh tế thế giới sẽ khiến nước này trở thành bên liên quan có trách nhiệm trong hệ thống toàn cầu tự do, dựa trên luật lệ. Thay vào đó, điều ông Biden và các đồng minh cần khẩn trương thực hiện là giảm bớt sự phụ thuộc của phương Tây vào nền kinh tế và công nghệ của Trung Quốc.

Học giả Prestowitz, người từng là cố vấn cho Bộ trưởng Thương mại Mỹ trong chính quyền Ronald Reagan lưu ý, kinh nghiệm cũng như các tuyên bố của Bắc Kinh đã cho thấy rõ, Trung Quốc không quan tâm trở thành một thành viên trong trật tự tự do nói trên. 

Trong Kế hoạch 5 năm công bố năm 2015, Bắc Kinh đã công bố chương trình "Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025", nhằm sử dụng chính sách công nghiệp để đạt được sự thống trị của nước này trong các lĩnh vực công nghệ cao như máy bay, chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Đây là lời giải thích tuyệt vời về cái có thể được gọi là "toàn cầu hóa mang các đặc trưng riêng của Trung Quốc".

Để đối phó, Robert Lighthizer, Đại diện thương mại Mỹ trong chính quyền cựu Tổng thống Trump từng thử thay đổi cách tiếp cận, thách thức Trung Quốc bằng hàng rào thuế quan và các biện pháp khác. Dù dư luận có thể còn tranh cãi về sự thành công của cách tiếp cận này nhưng điều cần phải thấy rõ là, bất kỳ nỗ lực nào nhằm tái gắn kết Mỹ với Trung Quốc, dù có hay không có các đồng minh, đều dẫn đến bế tắc.

Là một người có 50 năm kinh nghiệm đàm phán ở châu Á, ông Prestowitz tuyên bố có thể đảm bảo với Tổng thống Biden về việc, nếu gắn kết với các đồng minh đồng nghĩa với việc có thêm nhiều cuộc đàm phán hơn, nhằm cố gắng thuyết phục Bắc Kinh thay đổi các chính sách và hành xử, chúng sẽ hoàn toàn lãng phí thời gian.

Trong quá khứ có thể từng xuất hiện thời điểm thích hợp để làm chuyện đó, ví dụ như đầu những năm 1990 hoặc vào năm 2001, khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), lúc áp lực của các đồng minh có thể đã thay đổi những chính sách kinh tế của Bắc Kinh, nhưng kết quả thu được không như mong đợi. Các cuộc đàm phán đơn thuần, dù là song phương hay có sự tham gia của các đồng minh không giúp thay đổi đường hướng hay phương pháp phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Mặt khác, một liên minh quy tụ các đồng minh có thể tạo ra tác động lớn nếu các thành viên hợp tác để cải thiện sản xuất trong thế giới tự do, tăng cường hiệu suất công nghệ và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Đề xuất các giải pháp khả thi

Ông Prestowitz trích dẫn ví dụ về việc Bắc Kinh hiện cắt giảm nhập khẩu từ Australia, bao gồm than đá, lúa mạch, tôm hùm và rượu vang. Đây là động thái của Bắc Kinh nhằm trả đũa lời kêu gọi của Thủ tướng Australia Scott Morrison về một cuộc điều tra quốc tế đối với nguồn gốc virus gây đại dịch Covid-19.

Theo tác giả cuốn "Thế giới đảo lộn: Mỹ, Trung Quốc và cuộc đấu tranh giành vị trí lãnh đạo toàn cầu", hành động này của Bắc Kinh hoàn toàn vi phạm các quy định của WTO và các hiệp định thương mại khác. Song, Bắc Kinh biết họ là bạn hàng lớn nhất của Australia và họ đang sử dụng sự dễ bị tổn thương của Australia để "dạy cho nước này một bài học chính trị".

Một giải pháp cụ thể là, Washington và các đồng minh nên thành lập một liên đoàn để bù đắp doanh số xuất khẩu bị giảm sút của Australia thông qua mua hàng. Đây không phải hoạt động từ thiện vì rượu vang Australia rất ngon và sẽ dễ dàng tìm được khách mua ngoài Trung Quốc.

Ở quy mô lớn hơn, Mỹ và phần còn lại của thế giới tự do cần phải giảm đáng kể sự phụ thuộc về kinh tế và công nghệ vào Trung Quốc, tránh kiểu bị cưỡng ép như Australia đang phải hứng chịu cũng như duy trì khả năng sản xuất và sáng tạo của riêng họ. Việc giảm bớt phụ thuộc như vậy không nhất thiết phải diễn ra ngay lập tức hoặc trên tất cả các ngành. Tuy nhiên, đối với các lĩnh vực mà chương trình "Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025" nhắm tới, các nước cần bảo đảm thế giới tự do đi đầu cả về công nghệ và sản xuất.

Làm thế nào để đạt được điều đó không phải là một bí ẩn. Mỹ đã thực hiện chính sách công nghiệp vĩ đại nhất mọi thời đại khi xây dựng nền kinh tế chiến thắng trong Thế chiến hai. Chính sách công nghiệp của chính phủ liên bang Mỹ, chứ không phải Steve Jobs của hãng Apple hay Mark Zuckerberg của Facebook, đã phát triển chất bán dẫn và internet cũng như giúp các nhà sản xuất Mỹ duy trì thống trị lĩnh vực hàng không và nhiều ngành công nghiệp then chốt khác.

Tổng thống Biden được khuyên nên bắt chước Trung Quốc áp dụng dự án “Sản xuất ở thế giới tự do năm 2030” và mời các đồng minh của Washington cùng tham gia để đảm bảo vị thế dẫn đầu của Mỹ và thế giới tự do trong đổi mới cũng như sản xuất của các ngành công nghệ thiết yếu trong tương lai. Sản xuất tại Mỹ, EU, Ấn Độ, Nhật Bản và các nơi khác trong thế giới tự do cần trở thành mục tiêu quan trọng đầu tiên.

Ông Prestowitz cho rằng, những người ủng hộ thương mại tự do và sự thiết lập toàn cầu hóa chắc chắn sẽ phản đối cách tiếp cận trên. Tuy nhiên, khi tính tổng các chi phí thì các chuỗi cung ứng toàn cầu thường không phải là giải pháp kinh tế tốt nhất.

Chúng làm tăng đáng kể lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và rất dễ đổ vỡ khi đối mặt với sự gián đoạn bất ngờ, như thế giới đã chứng kiến trong đại dịch. Chi phí về thất nghiệp, rối loạn xã hội và mất mát kỹ năng vốn bắt nguồn từ việc phụ thuộc quá mức vào chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị đánh giá quá thấp trong quá khứ, thể hiện qua sự đình trệ thu nhập của tầng lớp trung lưu trong 40 năm qua và sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy ở Mỹ và Châu Âu.

Một ví dụ về chuỗi cung ứng như vậy ở thế giới tự do có thể là mạng viễn thông 5G, nơi tập đoàn Huawei của Trung Quốc đã chiếm giữ vai trò đi đầu thế giới và không có công ty Mỹ nào thực sự tham gia cuộc chơi. Ông Biden cần đề xuất việc Mỹ sẽ hậu thuẫn phía sau hai công ty châu Âu là Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan, với công nghệ tiên tiến có thể trở thành nhà cung cấp 5G, nếu muốn chống lại việc bán phá giá của Trung Quốc cũng như các phương pháp khác của Bắc Kinh nhằm gây áp lực với các nước và thúc đẩy Huawei.

Tất nhiên, con đường này chắc chắn sẽ kéo theo một số chi phí điều chỉnh nhưng bù lại, nó sẽ mang tới các giá trị khác. Mục tiêu cũng sẽ đòi hỏi một số hành động và chính sách mà Mỹ có thể đơn phương theo đuổi cũng như những hành động và chính sách cần sự phối hợp của các đồng minh.

Theo ông Prestowitz, Washington có thể thực hiện các chương trình tương tự như trước kỷ nguyên "thuê ngoài" và “siêu toàn cầu hóa”, chẳng hạn như dự án Công nghệ sản xuất chất bán dẫn (SEMATECH) đã giúp hồi sinh ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ vào cuối những năm 1980. Chương trình hiệu quả vào thời điểm đó và không có lý do gì để nó không phát huy tác dụng ngày hôm nay. Song, lần này, thay vì giới hạn trong ngành bán dẫn, chương trình có thể được mở rộng sang các ngành như robot học, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ sinh học.

Về AI, Mỹ vẫn là nước dẫn đầu, nhưng Trung Quốc đang bắt kịp nhanh chóng nhờ vào luồng dữ liệu khổng lồ do dân số đông nhất thế giới của nước này tạo ra. Để bắt kịp lợi thế đó, Mỹ có thể xây dựng các dự án chung với EU, Ấn Độ và các quốc gia khác đồng ý chia sẻ dữ liệu ở các mức độ nhất định.

Thị trường EU, Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đều thiết lập thương mại tự do giữa các quốc gia dân chủ. Chúng có thể được kết hợp thành một “Hiệp định Thương mại tự do của thế giới tự do” khổng lồ, vượt qua bất cứ thứ gì Trung Quốc có thể đạt được. Điều này không khó để đạt được nếu Washington thể hiện vai trò lãnh đạo, có các mục tiêu rõ ràng và liên minh với các chính phủ khác.

Tóm lại, ông Prestowitz cho rằng, Tổng thống Biden và các đồng minh nên ngưng hỏi làm thế nào để có thể thay đổi Trung Quốc. Thay vào đó, họ cần giải đáp câu hỏi thế giới tự do có thể tự tổ chức để đối đầu với Bắc Kinh ra sao.

Tuấn Anh 

Loạt thách thức chờ đón ông Biden sau tháng đầu 'trăng mật'

Loạt thách thức chờ đón ông Biden sau tháng đầu 'trăng mật'

Tháng đầu tiên lên nắm quyền tại Nhà Trắng được coi là thời gian "trăng mật" đối với ông Joe Biden. Tân Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ phải đối mặt vô số thách thức lớn hơn phía trước.

Chính quyền ông Biden đứng trước ngã ba đường với Trung Quốc

Chính quyền ông Biden đứng trước ngã ba đường với Trung Quốc

Nhà Trắng đang xem xét các chính sách đối với Bắc Kinh, và yêu cầu các đề xuất về hướng đi từ bây giờ.