Bằng chứng cho điều này là chuyến bay gần nửa vòng Trái đất của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tới Palau, một đảo quốc Thái Bình Dương nằm ở phía đông nam Philippines.

Chuyến thăm lịch sử

Theo hãng thông tấn AP, đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến một đảo quốc thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát từ tháng 3 vừa qua khiến ông phải hạn chế các chuyến di chuyển quốc tế.

Đáng chú ý, theo phòng lịch sử của Lầu Năm Góc, chưa từng có một Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nào đến viếng thăm Palau ngoài ông Mark Esper.

{keywords}
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper. Ảnh: AP

Vậy lý do nào khiến một đảo quốc với dân số vỏn vẹn 20.000 người lại đặc biệt trở nên quan trọng với Mỹ ở thời điểm hiện tại?

Theo phân tích từ AP, dù không phải đối mặt với bất kỳ mối đe dọa quân sự trực tiếp nào, nhưng Palau lại là một minh chứng về việc giành tầm ảnh hưởng đang diễn ra gay gắt trên nhiều mặt giữa Mỹ và Trung Quốc, điều mà một số người lo ngại sẽ diễn biến thành một cuộc chiến tranh lạnh.

Heino Klinck, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á, cho hay ông Esper muốn củng cố cam kết của Mỹ về một mối quan hệ lâu dài với Palau.

Đảo quốc này đang đóng góp một phần lớn nhân lực cho quân đội Mỹ, dù có diện tích rất nhỏ bé. Hiệp ước Liên kết tự do ký năm 1994 cho phép những người có quốc tịch Palau được phục vụ trong quân đội Mỹ. Tính đến nay, đã có 6 quân nhân Palau trong quân phục Mỹ hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tại Iraq và Afghanistan.

Sự thực phía sau

Dù vậy, những vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc còn vượt xa vai trò của đảo quốc này.

Hôm 27/8, trước thời điểm Bộ trưởng Mark Esper rời Hawaii đến Palau, Lầu Năm Góc đã đưa ra tuyên bố công khai lên án các cuộc tập trận vừa qua của quân đội Trung Quốc, trong đó có cả việc bắn thử tên lửa đạn đạo xung quanh khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Bộ Quốc phòng Mỹ coi đây là một động thái gây bất ổn khu vực, một nỗ lực “khẳng định những yêu sách hàng hải phi pháp”, và gây bất lợi cho những nước láng giềng của Trung Quốc.

Cùng ngày, tàu khu trục USS Mustin của hải quân Mỹ đã có cuộc tuần tra trong vùng biển quốc tế gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Động thái này được cho là thách thức về quân sự đối với Trung Quốc trên Biển Đông.

Chuyến thăm Palau của Bộ trưởng Esper còn cho thấy một lý do quan trọng khác: Đảo quốc này nằm trên con đường liên kết các lực lượng Mỹ đóng tại Hawaii và đảo Guam với các điểm nóng tiềm tàng tại khu vực châu Á.

Trong một nghiên cứu vào năm ngoái, tổ chức RAND cho biết các quốc gia nằm trong khối Hiệp ước Liên kết tự do, bao gồm cả Palau, đều có vai trò rất quan trọng đối với việc thúc đẩy chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Nghiên cứu chỉ ra, vị trí của các quốc gia này "tương đương với một siêu xa lộ chạy xuyên qua trung tâm Bắc Thái Bình Dương vào châu Á."

Dù không duy trì sự hiện diện quân sự, nhưng Mỹ vẫn được Liên Hợp Quốc ủy quyền bảo hộ Palau kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, và chịu trách nhiệm phòng vệ cho đảo quốc này đến tận năm 2044, dựa trên các điều khoản của Hiệp ước Liên kết Tự do.

Chiến lược của Trung Quốc

Theo ông Randall Schriver, một cựu quan chức phụ trách chính sách châu Á của Lầu Năm Góc, Palau là một điểm dừng chân hợp lý đối với Bộ trưởng Esper vì Trung Quốc hiện đang là mối quan tâm hàng đầu trong những chính sách quốc phòng và đối ngoại của Mỹ.

“Điều này được phản ánh qua sự cạnh tranh ngày càng mở rộng, và những nỗ lực ngày càng lớn của Bắc Kinh trong việc gây ảnh hưởng lên các đảo quốc ở Bắc Thái Bình Dương, cũng như lịch sử ràng buộc giữa Mỹ với các đồng minh thời chiến của mình,” ông Schriver cho biết.

Dù Palau không phù hợp với lộ trình thông thường của một người đứng đầu Lầu Năm Góc, song chuyến thăm của Bộ trưởng Mark Esper là động thái ủng hộ một nước nhỏ đang cảm thấy căng thẳng về cái mà Washington gọi là “chiến lược kinh tế săn mồi” của Bắc Kinh.

Năm 2018, Trung Quốc đã cấm khách du lịch đến thăm Palau. Đây được cho là một động thái gây áp lực, buộc các nhà lãnh đạo Palau phải cắt đứt quan hệ ngoại giao với vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).

Trong bài phát biểu hồi tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper nhấn mạnh mối quan tâm của ông đối với các quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và cả châu Âu, trước những áp lực về mặt tài chính và chính trị, từ công khai đến âm thầm, của Trung Quốc.

Đồng thời, ông Esper cũng cảnh báo Trung Quốc đang đặt mục tiêu trở thành cường quốc quân sự số 1 ở châu Á vào năm 2049.

Việt Anh

Mỹ điều tàu khu trục đến Biển Đông, Trung Quốc cảnh báo 'tai nạn quân sự'

Mỹ điều tàu khu trục đến Biển Đông, Trung Quốc cảnh báo 'tai nạn quân sự'

Quân đội Trung Quốc cảnh báo về nguy cơ xảy ra "các tai nạn quân sự" sau khi tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Mỹ USS Mustin vào Biển Đông.

Sức mạnh chiến hạm Mỹ cử đến Hoàng Sa lúc Trung Quốc tập trận

Sức mạnh chiến hạm Mỹ cử đến Hoàng Sa lúc Trung Quốc tập trận

Hải quân Mỹ đã cử tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin thực hiện sứ mệnh "đảm bảo tự do hàng hải" ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam giữa lúc Trung Quốc tập trận bắn đạn thật tại Biển Đông.