Nhận định trên được tờ The Diplomat đưa ra trong bối cảnh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuần trước tới thăm Nga và tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại thành phố St. Petersburg.

Do căng thẳng thương mại với Washington đang gia tăng, Bắc Kinh hiện đang muốn tăng cường quan hệ kinh tế với Moscow. Điều này giải thích vì sao chuyến thăm của ông Tập Cận Bình được lên kế hoạch trùng với sự kiện kinh tế hàng đầu của Nga. Giới truyền thông Trung Quốc đã đăng tải nhiều bài viết nói về quan hệ kinh tế thương mại Trung-Nga và có một số dấu hiệu ban đầu cho thấy mối quan hệ đang có lợi khi Trung Quốc hạn chế nhập khẩu năng lượng và các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ.

{keywords}
Quan hệ Nga-Trung đã lên mức đối tác chiến lược toàn diện. Ảnh: Tân Hoa Xã

Hiện Trung Quốc đã trở thành một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương đã tăng 27% so với năm 2017, và tiếp tục tăng trong năm 2019. Cụ thể, số liệu thương mại trong quý I năm nay giữa hai nước đã tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong cuộc phỏng vấn bằng văn bản với giới truyền thông Nga, ông Tập bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước một cách tích cực trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

“Những kết quả đáng chú ý trong hợp tác kinh tế giữa chúng tôi đặc biệt có giá trị trong môi trường phức tạp hiện tại, khi thương mại và đầu tư toàn cầu trì trệ, cùng với chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Cả hai chính phủ đang nỗ lực chủ động để đưa tổng kim ngạch thương mại hai nước lên một mức cao hơn và thúc đẩy hợp tác thương mại song phương có chất lượng”, ông Tập nói.

Tuy nhiên, những phát biểu trên đang ẩn chứa một bức tranh phức tạp. Phần lớn tăng trưởng thương mại năm 2018 chỉ tập trung vào xuất khẩu năng lượng của Nga, trong khi vốn đầu tư của Trung Quốc vào Nga đã giảm xuống.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2017, Nga là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Trung Quốc. Vị trí của nước này xếp sau không chỉ các nước láng giềng của Trung Quốc như Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ, mà còn đứng sau cả những đối tác thương mại có vị trí địa lý xa hơn như Brazil, Đức.

{keywords}
Ông Tập phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế Giới 2019 ở Nga. Ảnh: Tân Hoa Xã

Ngoài ra Nga chỉ chiếm dưới 2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2017 và chỉ hơn 2% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nếu so với Mỹ, sự chênh lệch này rất lớn khi Washington chiếm tới 19% tổng kim ngạch xuất khẩu và 8% kim ngạch nhập khẩu của Bắc Kinh.

Rõ ràng, mối quan hệ kinh tế giữa hai nước còn một chặng đường dài để đi. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga cũng nhận ra điều này. Năm 2011, họ đã cố gắng khởi động mối quan hệ kinh tế bằng cách đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng, đó là đạt kim ngạch thương mại song phương 100 tỷ USD vào năm 2015 và 200 tỷ USD vào năm 2020.

Ban đầu kế hoạch này có vẻ đi đúng hướng khi kim ngạch thương mại Nga-Trung đạt 90 tỷ USD vào năm 2014. Nhưng sau đó việc trao đổi thương mại giữa hai nước ngày càng giảm bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga. Năm 2015, kim ngạch thương mại giảm xuống chỉ còn 64,2 tỷ USD và tới năm 2018, trao đổi buôn bán song phương tăng trở lại và đạt mức kỷ lục 107 tỷ USD.

Tuy nhiên, dù thương mại Nga-Trung duy trì tốc độ tăng trưởng 27%, mục tiêu 200 tỷ USD vào năm 2020 vẫn còn rất xa vời, nhất là khi thương mại hai bên hiện nay chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng. Đây có thể là lý do Moscow đã lặng lẽ đẩy mục tiêu đạt 200 tỷ USD kim ngạch thương mại lùi đến năm 2024.

{keywords}
Nga-Trung Quốc có nhiều quan điểm chung về các vấn đề thế giới. Ảnh: Tân Hoa Xã

Tờ Diplomat nhận định, quan hệ Nga-Trung có sự tập trung rõ rệt vào vị trí địa chính trị. Ông Putin nhấn mạnh lập trường thống nhất quan điểm của Nga-Trung về các vấn đề trọng tâm trên thế giới. Tương tự như vậy, ông Tập dường như quan tâm nhiều hơn đến việc ca ngợi nền tảng chính trị cơ bản và chiến lược trong mối quan hệ Trung-Nga, đặc biệt nhấn mạnh tới việc hai bên cùng ủng hộ mạnh mẽ và bảo vệ lợi ích sống còn của nhau.

Có một sự thừa nhận ở đây là, mối quan hệ Nga-Trung sẽ là yếu nhất khi nói đến kinh tế. Ông Tập đã dùng những lời lẽ ngoại giao khi khẳng định rằng, Trung Quốc và Nga “cần phải hợp tác chặt chẽ để tìm kiếm sức mạnh tổng hợp lớn hơn đối với chiến lược phát triển riêng của mỗi nước và tập trung sâu hơn lợi ích của việc phát triển giữa hai nước”.

Trước đó, trong cuộc họp báo trước chuyến thăm Nga của ông Tập Cận Bình, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trương Hán Huy tuyên bố rằng, hai nước sẽ tận dụng chuyến thăm của ông Tập để “chuyển những lợi thế trong quan hệ chính trị cấp cao thành kết quả rõ rệt hơn”. Tuy nhiên, đến hiện tại những "kết quả rõ rệt" đó vẫn rất khó có thể nhận ra trong lĩnh vực kinh tế.

Tuấn Trần