Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) là siêu dự án cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ USD, do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi động vào năm 2013, bao gồm hàng loạt sáng kiến về phát triển và đầu tư, trải dài từ Đông Á tới châu Âu.
Ảnh: ORF |
Theo dữ liệu thống kê của Refinitiv, cho đến nay, hơn 100 quốc gia đã ký kết hợp tác với Trung Quốc trong các dự án BRI như đường sắt, cảng biển, đường cao tốc và các cơ sở hạ tầng khác. Tính đến giữa năm 2020, hơn 2.600 dự án có giá trị 3.700 tỷ USD có liên quan đến sáng kiến.
Song, theo Reuters, BRI đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và sự phản đối gia tăng trên toàn cầu. Chính Trung Quốc hồi năm ngoái từng tiết lộ, khoảng 20% các dự án BRI "bị ảnh hưởng nghiêm trọng" vì sự hoành hành của virus corona chủng mới. Bắc Kinh cũng phải thu hẹp quy mô của một số dự án sau khi chính phủ nhiều nước tìm cách xem xét lại thỏa thuận, hủy bỏ hoặc cắt giảm các cam kết, viện dẫn lí do vì các quan ngại về chi phí, mất chủ quyền và tham nhũng.
Sự biến đổi của BRI
Tuy nhiên, một số nhà phân tích nhận định, BRI khó có khả năng thất bại và một vài bước thụt lùi của siêu dự án này chỉ là tạm thời. Viết trên trang The National Interest, cây bút bình luận Gracia Watson cho rằng, sẽ chính xác hơn nếu nói phạm vi của BRI đang dịch chuyển từ chiến lược truyền thống là phát triển chủ yếu dựa vào cơ sở hạ tầng sang những nỗ lực hiện đại hơn, chau chuốt hơn.
Covid-19 chính là động lực chính cho sự biến đổi này. Mặc dù đúng là đại dịch toàn cầu đã ảnh hưởng đáng kể đến khả năng vươn xa của Trung Quốc cũng như danh tiếng của nước này, nhưng nó cũng mang lại cho Bắc Kinh cơ hội để thay đổi các thông số của BRI và tái định hướng sang những nỗ lực phù hợp hơn.
Suốt năm 2020, một lượng lớn dự án BRI bị tạm dừng hoặc bị hủy bỏ và nhiều quốc gia đã tìm cách trì hoãn việc trả nợ cho Bắc Kinh. Mặc dù vậy, Trung Quốc đã tận dụng cơ hội để xoay trục sang các dịch vụ kỹ thuật số và y tế công.
Lấy “Con đường tơ lụa y tế” của Trung Quốc làm ví dụ. Ý tưởng về nỗ lực y tế cộng đồng toàn cầu do Trung Quốc khởi xướng không phải là một ý tưởng mới. Ý tưởng được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2017 khi ông Tập ký một thỏa thuận với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cam kết đưa sức khỏe trở thành trọng tâm chính của BRI.
Song, ý tưởng này bắt đầu được biết đến nhiều hơn vào năm 2020 khi, dưới sự bảo trợ của BRI, các công ty Trung Quốc đã công khai tài trợ thiết bị bảo hộ cá nhân khắp thế giới nhằm chống lại những quan điểm phổ biến toàn cầu về vai trò tiêu cực của nước này trong quá trình lây lan virus.
Các khía cạnh của Con đường tơ lụa y tế bao gồm cung cấp trang thiết bị và tham vấn y tế cho các quốc gia khác cũng như viện trợ tiền mặt cho WHO để tổ chức này có thể hỗ trợ các nước đang phát triển xây dựng hệ thống y tế công mạnh mẽ hơn.
Tiếp đó, trong lĩnh vực công nghệ xuất hiện cái gọi là “Con đường tơ lụa kỹ thuật số”. Mặc dù đại dịch đã gây ra một số tổn thất đối với những nỗ lực của Trung Quốc nhằm trở thành nhà cung cấp công nghệ 5G hàng đầu thế giới (đáng chú ý nhất là ngăn cản Anh hợp tác với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei), nhưng nó cũng đã mang lại những cơ hội bất ngờ.
Trong suốt năm 2020, các công ty công nghệ Trung Quốc đã giới thiệu nhiều dịch vụ y tế dựa trên 5G và giúp xây dựng các mạng 5G ở cả trong và ngoài nước để kết nối các nhân viên chăm sóc sức khỏe và bệnh nhân với các chuyên gia y tế. Hồi tháng 5/2020, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua kế hoạch phát triển 6 năm với 5G làm nền tảng. Huawei, tập đoàn viễn thông gây tranh cãi của Trung Quốc cũng đã đặt một tuyến cáp quang dài 6.000km xuyên Đại Tây Dương giữa Brazil và Cameroon, trong khi sự lan truyền của các nền tảng thanh toán kỹ thuật số như WeChat Pay và Alipay đã giúp quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ hơn nữa.
Cái gọi là “Con đường Tơ lụa xanh” của Trung Quốc tuy ít được chú ý hơn, nhưng cũng thể hiện một nỗ lực mà gần như chắc chắn sẽ ngày càng trở nên quan trọng trong tương lai. Đại dịch đã tạo cơ hội cho Bắc Kinh không chỉ loại bỏ các dự án không khả thi mà còn cả những dự án không được ủng hộ (như xây các đập thủy điện và nhà máy điện than). Thực tế, các báo cáo ghi nhận, tỷ lệ các dự án gây ô nhiễm môi trường so với các dự án "xanh" của đại lục đã bắt đầu giảm.
Ví dụ, vào cuối năm ngoái, Bộ Sinh thái Trung Quốc đã công bố khung quy định về phân loại các dự án BRI tùy thuộc vào tác động môi trường của chúng. Theo một phân tích, “hệ thống này sẽ giúp hạn chế ô nhiễm, sự biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học do các dự án cơ sở hạ tầng lớn liên quan đến BRI gây ra”. Không chỉ vậy, vào năm 2020, 57% các khoản đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng năng lượng tập trung vào năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, không phải mọi thứ đã thay đổi. Về cốt lõi, BRI vẫn là một mô hình phát triển dựa trên cơ sở hạ tầng. Các kế hoạch của ông Tập cho tương lai vẫn dựa vào các hành lang kinh tế trên khắp châu Á và châu Âu, và vì các dự án của họ có xu hướng sử dụng các công ty Trung Quốc, nên các doanh nghiệp của đại lục được ưu tiên tiếp cận cơ hội làm ăn và người lao động Trung Quốc có nhiều khả năng thâu tóm các việc làm quan trọng hơn.
Quyết tâm của ông Biden
Không thể phủ nhận việc BRI đã giúp Trung Quốc gia tăng đáng kể ảnh hưởng chính trị và kinh tế ở nhiều nơi trên thế giới, khiến Mỹ và các đồng minh lo lắng. Chính quyền mới ở Mỹ rõ ràng đã nhận ra thách thức lớn từ BRI cũng như nhu cầu cấp bách phải chống lại siêu dự án thế kỷ của Trung Quốc.
Trong một cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 26/3, Tổng thống Mỹ Biden đã đề xuất các quốc gia dân chủ cùng bắt tay tạo lập một kế hoạch chung nhằm tài trợ cho cơ sở hạ tầng ở những nước kém phát triển hơn và cạnh tranh với BRI.
Đề xuất của tân lãnh đạo Nhà Trắng được đưa ra chỉ một ngày sau khi ông tuyên bố sẽ ngặn chặn Trung Quốc vượt Mỹ trở thành cường quốc hùng mạnh nhất thế giới, đồng thời cam kết sẽ đầu tư mạnh tay để đảm bảo Mỹ thắng thế trong bối cảnh gia tăng đối đầu giữa hai nước.
Trong động thái mới nhất nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên, hôm 31/3, ông Biden đã công bố kế hoạch chi tiêu khổng lồ, trị giá hơn 2.000 tỷ USD, tập trung vào hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng để thúc đẩy lợi thế cạnh tranh của Mỹ trên trường quốc tế và tạo ra nhiều việc làm với mức lương cao cho tầng lớp trung lưu ở nước này.
Gói chi tiêu "khủng" do ông Biden đề xuất hiện cần sự phê duyệt của Quốc hội Mỹ. Trong khi, kế hoạch này đang vấp phải sự phản đối từ đảng Cộng hòa vì họ cho rằng, để có được số tiền trên, chính quyền Biden sẽ phải áp thuế cao hơn đối với các doanh nghiệp, tập đoàn và điều này sẽ chỉ làm suy yếu nền kinh tế Mỹ trong giai đoạn bắt đầu phục hồi. Ngoài ra, trong nội bộ đảng Dân chủ của ông Biden cũng xảy ra bất đồng về nguồn tiền cho kế hoạch và lo ngại của những người cấp tiến về việc nó không đủ tham vọng.
Theo giới phân tích, ông Biden hiện không chỉ cần giành được sự ủng hộ của lưỡng đảng cho gói chi tiêu cơ sở hạ tầng trong nước, mà còn cả một kế hoạch bao quát nhiều mặt, phối hợp cùng các đồng minh để có thể chống lại sự biến đổi của BRI và ứng phó hiệu quả với Trung Quốc.
Tuấn Anh
Ông Biden muốn chi 2.000 tỷ USD ‘định hình lại’ nền kinh tế Mỹ
Tổng thống Joe Biden hôm 31/3 đã kêu gọi sử dụng nguồn lực Chính phủ Mỹ trong việc ‘định hình lại’ nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Chuyên gia mách nước ông Biden cách ứng phó Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Joe Biden coi Trung Quốc là ưu tiên chính sách đối ngoại thứ nhất. Song, việc ông đề xuất tham vấn các đồng minh Mỹ trước khi hành động bị coi là cách khởi đầu sai lầm.