Tổng thống Trump đã tuyên bố chiến thắng khi ông có bài phát biểu đầu tiên trước công chúng hôm 6/2 về kết quả bỏ phiếu một ngày trước đó của Thượng viện, vốn giúp ông thoát khỏi hai điều khoản luận tội lạm quyền và cản trở Quốc hội do phe Dân chủ kiểm soát Hạ viện đệ trình.

{keywords}
 

Vì nhóm biện hộ cho Tổng thống Trump tại phiên tòa luận tội ở Thượng viện chưa bao giờ đưa ra được những luận cứ, bằng chứng thuyết phục để bác bỏ các cáo buộc của nhóm công tố viên đại diện Hạ viện liên quan đến việc ông gây sức ép buộc Ukraina phải điều tra đối thủ chính trị thuộc đảng Dân chủ - cựu Phó Tổng thống Joe Biden nên tranh cãi và bê bối nhiều khả năng tiếp tục đeo bám lãnh đạo Nhà Trắng tới tận cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 tới đây.

Tuy nhiên, căn nguyên sâu xa của quá trình luận tội có thể là vấn đề quan trọng nhất ảnh hưởng đến cuộc bỏ phiếu sắp tới: tổng thống quyết tâm nắm giữ quyền lực không gì cản nổi và từ chối chấp nhận các nỗ lực kiểm tra, tiết chế của Quốc hội.

Các dư chấn sau quá trình luận tội kéo dài 4 tháng được tin sẽ quyết định vận mệnh chính trị của Tổng thống Trump, tác động tới cuộc đua tranh giữa các thượng nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa tại những bang ít có sự chênh lệch ủng hộ của cử tri với các ứng viên cũng như ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc chiến duy trì đa số ghế nắm giữ tại Hạ viện của phe Dân chủ.

Giới phân tích nhận định, ông Trump có vẻ đang gia tăng uy thế chính trị trong ngắn hạn. Ông đã chứng minh bản thân vẫn kiểm soát  đảng Cộng hòa. Theo CNN, chỉ duy nhất chính khách Cộng hòa Mitt Romney đến từ bang Utah, người từng chạy đua vào Nhà Trắng, hôm 5/2 đã "phản đảng" khi cùng các thượng nghị sĩ Dân chủ bỏ phiếu ủng hộ kết tội ông Trump lạm dụng quyền lực. Ông Romney đã trở thành thượng nghị sĩ đầu tiên trong lịch sử Mỹ bỏ phiếu ủng hộ kết tội tổng thống cùng đảng.

Điều đó chứng tỏ, khi chỉ còn cách cuộc tổng tuyển cử gần 10 tháng, ông Trump đã thống nhất được sự ủng hộ của các thành viên đảng Cộng hòa quanh mình ở Washington và khu vực trung tâm, vào thời điểm ngày càng có nhiều hoài nghi về sự sẵn sàng đoàn kết của phe Dân chủ sau hỗn loạn vì trục trặc kỹ thuật trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ đầu tiên tại bang Iowa nhằm chọn ứng cử viên tổng thống cho đảng này.

Theo kết quả thăm dò dư luận tuần này của Gallup, Tổng thống Trump đang có trong tay tỉ lệ tín nhiệm của cử tri cao nhất kể từ đầu nhiệm kỳ, lên tới 49%. Thông điệp liên bang năm 2020 ông đọc tối 4/2 đã cho thấy rõ việc ông có ý định sử dụng mọi công cụ của chính quyền để đảm bảo mình sẽ chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai.

Tuy nhiên, ông Trump không hẳn thoát khỏi chuyện bị luận tội một cách bình yên vô sự. Kết quả một số cuộc khảo sát gần đây hé lộ, gần một nửa người Mỹ muốn phế truất ông. Cùng với dữ liệu của Gallup, chúng vẽ nên bức tranh về một nước Mỹ bị chia rẽ giữa hai phe ủng hộ và chống đối tổng thống.

Về phía phe Dân chủ, họ không dễ dàng chấp nhận thất bại. Ngay từ giây phút ông Trump đắc cử ghế lãnh đạo đất nước, các chính khách Dân chủ đã bắt đầu bàn đến chuyện luận tội. Song, họ thất bại trong việc tạo ra một đòn giáng mạnh với lãnh đạo Nhà Trắng sau hàng loạt nỗ lực chỉ ra các sai phạm của ông, từ hướng chú ý của của dư luận vào nghi vấn Nga thông đồng, can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 cho tới xúc tiến các cuộc điều tra về những khuất tất xung quanh hoạt động kinh doanh của gia đình Trump cũng như các khoản hoàn thuế không công khai và cáo buộc ông cản trở công lý.

Đáng chú ý, báo cáo sau gần 2 năm điều tra của Công tố viên đặc biệt Mỹ Robert Mueller vào tháng 4/2019 đã thừa nhận không phát hiện bằng chứng câu kết giữa ông Trump cũng như các trợ lý với các quan chức Nga trong quá trình vận động tranh cử. Sau khi xem xét báo cáo, Bộ trưởng Tư pháp William Barr cũng tuyên bố, các bằng chứng của ông Mueller không đủ để kết luận tổng thống phạm tội cản trở công lý. Lãnh đạo Nhà Trắng coi đây là một thắng lợi vang dội, minh oan cho ông trước âm mưu "săn tìm phù thủy" nhằm hạ bệ ông của phe Dân chủ.

Tuy nhiên, sau khi một thành viên giấu tên thuộc cộng đồng tình báo Mỹ viết đơn tố giác ông Trump đã gây áp lực đòi Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky phải điều tra cha con ông Biden trong cuộc điện đàm ngày 25/7/2019, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, một chính khách hàng đầu thuộc đảng Dân chủ đã thông báo xúc tiến cuộc điều tra luận tội lãnh đạo Nhà Trắng. Phe Dân chủ tin, chính quyền ông Trump sau đó còn trì hoãn các khoản viện trợ quân sự trị giá 391 triệu USD cho Ukraina để gia tăng sức ép buộc Kiev phải làm theo mong muốn của ông Trump. Ngày 18/12/2019, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu phê chuẩn hai điều khoản luận tội Tổng thống Trump, đệ trình lên Thượng viện để cơ quan lập pháp này tổ chức phiên tòa xét xử theo đúng quy trình từ ngày 16/1 năm nay.

Đối với phe Dân chủ và số đông giới quan sát, việc Thượng viện nằm dưới sự kiểm soát của đảng Cộng hòa rốt cuộc sẽ ra phán quyết tha bổng ông Trump là điều đã được tiên lượng. Theo quy định của Hiến pháp Mỹ, tổng thống chỉ bị phế truất nếu ít nhất 2/3 số nghị sĩ tại Thượng viện (67 thượng nghị sĩ) bỏ phiếu ủng hộ kết tội. Trong trường hợp của ông Trump, điều đó đồng nghĩa có tới 20 thượng nghị sĩ Cộng hòa "phản đảng", khả năng mà ngay cả những người Dân chủ lạc quan nhất cũng nhận thấy là cực thấp.

Song, các chính khách Dân chủ nói, họ vẫn nhất quyết xúc tiến luận tội Tổng thống Trump vì "cảm thấy có nghĩa vụ phải bắt lãnh đạo Nhà Trắng chịu trách nhiệm về những hành động của ông". Họ cho rằng, nếu không ra tay ngăn chặn, tổng thống sẽ có đà lấn tới, "làm những chuyện còn ghê gớm hơn nữa".

Sau cuộc bỏ phiếu khép lại phiên tòa luận tội ông Trump tại Thượng viện hôm 5/2, lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số tại Thượng viện Charles Schumer gọi phán quyết ông Trump vô tội là "vô giá trị". Theo thượng nghị sĩ này, phe Cộng hòa đã dàn dựng một phiên tòa thiếu công bằng, không chấp nhận các nhân chứng, bằng chứng và chối bỏ sự thật.

Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, đối thủ của ông Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng cách đây 4 năm, cũng đăng đàn Twitter cáo buộc các thượng nghị sĩ Cộng hòa đã phản bội lời tuyên thệ bảo vệ Hiến pháp, đẩy nền dân chủ Mỹ vào nguy hiểm.

Trong cuộc họp báo trên Đồi Capitol ngày 6/2, Chủ tịch Hạ viện Pelosi đã lên án cách điều hành phiên tòa luận tội tổng thống của Thượng viện. Bà Pelosi nhấn mạnh, tên tuổi của Tổng thống Trump sẽ mãi mãi hoen ố khi lịch sử lưu danh ông là tổng thống bị luận tội vì "làm suy yếu an ninh quốc gia, đe dọa sự toàn vẹn của các cuộc bầu cử và vi phạm hiến pháp Mỹ".

Bà Pelosi và các quan chức cùng đảng cũng "thề" sẽ làm mọi cách để ngăn chặn các sai phạm gây tổn hại đến nền dân chủ Mỹ. Theo các nhà bình luận, những phát biểu này ám chỉ phe Dân chủ chắc chắn sẽ không chịu ngồi im nhìn ông Trump "tự tung, tự tác".

Nếu không nỗ lực làm điều này, đảng Dân chủ cũng có nguy cơ bị đánh giá yếu thế và mất đi những người ủng hộ trung thành nhất. Khi đó, các chính khách thuộc đảng hoặc đối mặt với vô vàn thách thức trong các cuộc bầu cử sơ bộ đã bắt đầu diễn ra hoặc thua trong tổng tuyển cử vào tháng 11 vì các cử tri không còn cảm thấy đủ động lực để đi bầu hoặc bỏ phiếu ủng hộ họ nữa.

Trước quyết tâm đối phó của phe Dân chủ, cơn ác mộng luận tội do đó có thể vẫn chưa ngừng đeo bám ông Trump. Giới quan sát vẫn đang nín thở chờ xem những diễn biến kịch tính sắp đến. 

Tuấn Anh