Trong một bài bình luận đăng trên tạp chí Phố Wall, cây viết Andrew A. Michta chỉ ra rằng, khi muốn cạnh tranh với các nước khác, một quốc gia thường tìm cách loại bỏ đồng minh của đối phương và chuyển đổi họ theo lợi ích của mình.

Vào năm 1972, Tổng thống Richard Nixon đã thực hiện chuyến đi tới Bắc Kinh - một trong những chiến lược táo bạo và hiệu quả nhất trong lịch sử ngoại giao Mỹ. Andrew A. Michta cho rằng thế giới sẽ sớm thấy Bắc Kinh chơi trò chiến lược này hiệu quả thế nào.

{keywords}
Ảnh: Phil Foster/WSJ

Cơ hội xen vào giữa Mỹ và EU

Hôm 14/9, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc tiến hành một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến - ban đầu dự kiến họp trực tiếp tại Leipzig (Đức) - nhằm xây dựng Thỏa thuận Toàn diện về đầu tư EU - Trung Quốc.

Hiệp ước này sẽ đặt ra các thông số về thương mại, giải quyết các vấn đề về trợ cấp của Trung Quốc và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của châu Âu, và liệu Thủ tướng Đức Angela Merkel có làm theo cách của bà, xác định vai trò của Trung Quốc trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hay không. Đến nay, trong các cuộc đàm phán, Bắc Kinh vẫn hành xử nửa chừng, đặc biệt là về trợ cấp. Nhưng, theo Micha, có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thể sẽ xuống thang.

Hội nghị diễn ra chỉ vài tuần trước khi Mỹ tổ chức bầu cử tổng thống, và cuộc gặp sẽ là cơ hội tốt nhất để Trung Quốc xen vào giữa Mỹ và EU về thương mại. Đối với cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, tiếp cận châu Á được coi là rất cần thiết để phục hồi nền kinh tế của khối. Đạt được hiệp ước với Bắc Kinh - ít nhất là trên lý thuyết - sẽ giúp bảo vệ tài sản trí tuệ của châu Âu và giữ cho những công ty châu Âu thuộc diện dễ bị tổn thương không bị phía Trung Quốc mua đứt.

Châu Âu từ lâu đã là tâm điểm trong chiến lược toàn cầu của Bắc Kinh. Khoảng 75% lượng hàng nhập khẩu của châu lục này đến bằng đường biển, với hải trình qua Bắc Đại Tây Dương đóng vai trò vô cùng quan trọng, trong khi Trung Quốc tích cực thâu tóm cổ phần tại các cảng lớn của châu Âu. Thông qua Sáng kiến ​​Vành đai - Con đường và các khoản đầu tư của mình, Trung Quốc đang hướng tới thiết lập một chuỗi cung ứng thay thế ở khắp châu Âu và châu Á.

Theo Michta, mục đích của Trung Quốc là "đảo ngược toàn cầu" các dòng chảy thương mại vốn đã được thiết lập dựa vào sức mạnh của hải quân Mỹ. Nếu Trung Quốc có thể phát triển một chuỗi cung ứng xuyên Á-Âu và bảo vệ nó, thì họ sẽ không cần phải đối chọi với Mỹ trong lĩnh vực hàng hải.

Đó sẽ là một sự thay đổi cơ bản trong thương mại toàn cầu và phân phối sức mạnh. Trung Quốc có thể làm được điều này, bởi cho đến nay Washington - vốn coi Trung Quốc là thách thức cả về kinh tế và quân sự - vẫn chưa thể thuyết phục được châu Âu coi Bắc Kinh là mối nguy hiểm ngoài vấn đề kinh tế. Các nhà lãnh đạo châu Âu quả là có lo ngại về sự lấn lướt của Trung Quốc, nhưng họ cũng không muốn bị lôi kéo vào liên minh cùng Mỹ chống lại Bắc Kinh.

Nếu những điều kiện trên được duy trì và Trung Quốc có thể xen vào giữa Mỹ và châu Âu, quan hệ xuyên Đại Tây Dương thông thường sẽ thành dĩ vãng. Sự thay đổi như vậy sẽ biến châu Âu từ cửa ngõ xuyên Đại Tây Dương tới Á-Âu, thành điểm cuối của chuỗi cung ứng Á-Âu do Trung Quốc kiểm soát, cho phép Bắc Kinh thống trị châu Âu và cạnh tranh quyền bá chủ toàn cầu.

'Chiến lược Nixon' theo kiểu Trung Quốc

Chiến lược châu Âu của Trung Quốc chứa đựng một thành tố quân sự. Hải quân nước này đã tích cực tìm cách tiếp cận các cảng biển ở châu Âu, đặc biệt là ở Địa Trung Hải và Biển Đen. Lực lượng này đã tiến hành nhiều cuộc tập trận chung với Hải quân Nga và EU, bắt đầu từ năm 2018 khi hoàn thành cuộc tập trận hải quân đầu tiên với Hải quân EU ở Vịnh Aden.

Trung Quốc còn có cổ phần tại các cơ sở cảng biển ở Địa Trung Hải, bao gồm Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ai Cập, Italia và Morocco, trong khi hải quân nước này đang vận hành một căn cứ hỗ trợ ở Djibouti, tự đặt mình vào vị trí có thể phóng chiếu sức mạnh sâu hơn vào châu Phi. Hải quân Trung Quốc cũng đã tiến vào Baltic và đang đầu tư vào năng lực tại Bắc Cực.

Trung Quốc coi châu Âu là một khu vực mà sự giàu có và công nghệ có thể được khai thác để tạo lợi thế trước Mỹ. Châu Âu là một mục tiêu hấp dẫn: Lục địa này đang khao khát tiếp cận thị trường và tiền mặt trong bối cảnh nền kinh tế đang chật vật phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Với việc Nga bị coi là mối đe dọa đối với một số quốc gia Trung và Đông Âu bên sườn tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Bắc Kinh cũng có cơ hội khai thác những rạn nứt trong chính nội bộ châu Âu. Sự gia tăng tâm lý bài Mỹ ở một số quốc gia sẽ khiến châu Âu khó đạt đồng thuận về các mối đe dọa, trong khi quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow có thể càng khiến sự chia rẽ ở châu Âu sâu sắc thêm khi nói đến quan hệ với Mỹ.

Tình trạng quan hệ Mỹ - châu Âu rạn nứt, đặc biệt là căng thẳng tăng cao giữa Washington và Berlin, đang tạo cơ hội cho Trung Quốc chơi "chiến lược Nixon" theo cách riêng. Theo tác giả Andrew A. Michta, Washington cần phải theo dõi sát sao hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc trong tuần này.

Thanh Hảo

Dùng chiêu cũ cứng rắn với Trung Quốc, ông Trump dễ thất thế trước đối thủ?

Dùng chiêu cũ cứng rắn với Trung Quốc, ông Trump dễ thất thế trước đối thủ?

Tổng thống Mỹ đang làm sống lại các chiến thuật tấn công Trung Quốc mà ông từng áp dụng hồi năm 2016. Song, điều này có thể khiến ông thất thế trước đối thủ Joe Biden.

Tông giọng mới của châu Âu với Trung Quốc

Tông giọng mới của châu Âu với Trung Quốc

Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã có một năm khó khăn ở châu Âu, nhưng trong tuần này tình hình còn trở nên tồi tệ hơn.