Trung Quốc đang nắm trong tay một vũ khí tối thượng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ - tác giả John Crudele nhận định trong một bài bình luận trên báo New York Post.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tuyên bố, Bắc Kinh đã "hết đạn" trong cuộc chiến thương mại mà chính quyền Trump vừa leo thang bằng gói thuế đánh vào 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ý của ông Ross là, vì Trung Quốc xuất nhiều hàng sang Mỹ hơn so với chiều ngược lại, nên rốt cuộc Washington sẽ thắng trong một trận chiến "ăn miếng trả miếng".
Ảnh: Reuters |
Chiến lược của Tổng thống Trump không có gì là bí mật: Bóp nghẹt Trung Quốc cho đến khi nước này buộc phải đàm phán một thỏa thuận công bằng hơn, theo đó giảm được thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc (ở mức 375 tỷ năm 2018) và chơi "sòng phẳng" hơn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Nếu Mỹ có thể thay đổi được bất cân bằng thương mại với Trung Quốc (và cả một số nước khác), điều đó có nghĩa sẽ có nhiều việc làm hơn cho người Mỹ, nhiều hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp và tất nhiên Nhà Trắng sẽ ghi điểm.
Nhưng theo cây viết John Crudele, còn có một vấn đề lớn hơn nhiều.
Nếu Bộ trưởng Ross đúng về chuyện "đạn", liệu Trung Quốc có viện đến "tên lửa tài chính" để phản đòn ông Trump? Thực tế, Bắc Kinh vẫn đang nắm giữ 1,171 nghìn tỷ USD tiền trái phiếu Mỹ tính đến tháng 7.
Điều gì xảy ra nếu Bắc Kinh giảm mạnh lượng trái phiếu này? Và nếu Bắc Kinh quyết định phóng một vài "quả tên lửa tài chính" bằng cách hoặc bán trái phiếu Mỹ hoặc không mua thêm nữa? Chỉ một "tên lửa nhỏ" đã có thể gây thiệt hại lớn, chẳng hạn dọa bán công khai nợ Mỹ, điều mà nước này từng bóng gió trước kia, thì Phố Wall chắc chắn sẽ phải chú ý.
Hiện nay rất nhiều người cho rằng viễn cảnh trên sẽ không bao giờ xảy ra. Bởi nếu dọa bán trái phiếu Mỹ với số lượng lớn, thậm chí bán thực sự, thì Bắc Kinh sẽ khiến giá trị trái phiếu Mỹ giảm xuống còn lãi suất tăng lên không chỉ ở Mỹ mà khắp thế giới. Và Trung Quốc, do nắm giữ lượng lớn nợ của Mỹ, cũng sẽ chịu thiệt hại nặng nề.
Các mức lãi suất cao hơn sẽ khiến Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong xử lý thâm hụt của chính nước này.
Nói cách khác, những người lạc quan trong cuộc chiến thương mại cho rằng Trung Quốc có thể nắm trong tay các "tên lửa tài chính" – nhưng họ không thể phóng chúng vào Mỹ.
Nhưng điều gì xảy ra nếu Trung Quốc bán trái phiếu Mỹ? Viễn cảnh này sẽ đặt Washington trước hai khả năng: một là cắt giảm mạnh chi tiêu để không cần đến tiền của Trung Quốc thông qua trái phiếu nữa; hai là tìm người mua nợ khác. Do Washington chưa bao giờ cắt giảm chi tiêu nên lựa chọn thứ hai có vẻ là tốt hơn cả. Nhưng nước này sẽ tìm khách hàng ở đâu?
Nhật Bản là khách hàng mua nợ lớn thứ 2 của Mỹ. Nhưng Tokyo đã nắm giữ lượng trái phiếu hơn 1 nghìn tỷ USD, và nền kinh tế Nhật hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Do vậy, viễn cảnh Nhật chi thêm tiền ra nước ngoài là khó có thể.
Nước nắm giữ trái phiếu Mỹ nhiều tiếp theo là Ireland, với 300 tỷ USD. Các nước OPEC đầu tư ít hơn: Ảrập Xêút 167 tỷ USD, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) 60 tỷ USD, và Kuwait 43 tỷ USD. Vì vậy, tiền dầu lửa từ nước ngoài sẽ không theo dòng chảy vào Mỹ.
Nếu Mỹ muốn thuyết phục được các nước khác đầu tư vào nợ của nước này thì trái phiếu phải trở nên hấp dẫn hơn. Và theo cách đó, lãi suất sẽ phải tăng, nhưng như vậy chi phí sẽ lớn hơn cho bất kỳ ai đang mượn tiền – từ Mỹ.
John Crudele chỉ ra rằng còn một lựa chọn khác, nhưng sẽ gây tranh cãi. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể bắt đầu một chương trình nới lỏng định lượng (QE) – mà trong quá khứ đã dễ dàng tạo ra lượng tiền mới để mua trái phiếu. Mục đích khi QE được kích hoạt là để tạo ra lãi suất cực thấp.
QE tiếp theo có thể được áp dụng để bù đắp sự thiếu vắng quan tâm đến trái phiếu chính phủ Mỹ. Trong trường hợp này, QE sẽ giống như Washington in tiền để có thể hành động như "khách hàng cò mồi" trong các phiên bán đấu giá trái phiếu chính phủ. Nhưng làm như vậy sẽ đặt ra nhiều câu hỏi lớn về sức khỏe của đồng tiền Mỹ, đặt nước này vào màn sương mờ mịt.
Vàt tất cả đưa trở lại câu hỏi ban đầu: Liệu Trung Quốc có thực sự hết "đạn", hay đang có một khoảng lặng trong cuộc chiến trước khi những khẩu súng lớn nhả đạn?
Thanh Hảo
Những hệ lụy nặng nề của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung
Bằng cách áp thuế 10% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đẩy cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lên một nấc thang mới.
Công ty Mỹ ‘ngấm đòn” chiến tranh thương mại với TQ
Các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc than phiền họ bắt đầu "ngấm đòn đau" từ cuộc chiến thương mại giữa hai nước.
Vì sao chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khó dứt sớm?
Vì các lí do chính trị, cả Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc đều thấy khó thoái lui khỏi cuộc chiến tranh thương mại đang nóng bỏng giữa hai nước.
Ông Trump áp thuế lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến cuộc chiến thương mại với Trung Quốc leo thang chóng mặt khi chính thức tuyên bố sẽ áp thuế lên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Mỹ-Trung 'đấu đầu' thương mại, ASEAN được lợi gì?
ASEAN đang đối mặt với nhiều thời cơ và cả thách thức từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.