Trong bài viết của mình trên Foreign Affairs, Tổng thống mới đắc cử Joe Biden từng khẳng định, Trung Quốc thể hiện "một thách thức đặc biệt" và sẽ là một thử thách lớn cho nhiệm kỳ sắp tới của ông.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó tổng thống Mỹ Joe Biden bên trong Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hồi tháng 12/2013. Ảnh: Reuters. |
Trong bài viết trên báo Washington Post ngày 3/12, tác giả Gregory Mitrovich chỉ ra rằng cách đây 2 thập niên, các nhà hoạch định chính sách Mỹ bày tỏ sự lạc quan rằng Trung Quốc sẽ tham gia cùng nước này, châu Âu và Nhật Bản để trở thành một "bên liên quan có trách nhiệm" trong cộng đồng thế giới.
Thế nhưng, theo ông, Bắc Kinh càng ngày càng tỏ ra quyết đoán, đơn phương đưa ra những tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp và có nhiều động thái khiến các nước láng giềng bất bình. Họ không còn "chờ thời" mà đang khẳng định sức mạnh của mình trên toàn cầu.
Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã khuyến khích Bắc Kinh thách thức quyền bá chủ của Mỹ và tạo dựng một trật tự toàn cầu mới. Giới chức Trung Quốc tin rằng, nước này đang lớn mạnh còn Mỹ đang suy giảm, và dốc sức theo đuổi "giấc mơ Trung Hoa".
Trước tình hình này, theo Gregory Mitrovich, một Washington vốn chia rẽ sâu sắc đã bất ngờ tạo được sự đồng thuận lưỡng đảng, đưa cạnh tranh kinh tế và địa chính trị của Mỹ với Trung Quốc leo thang thành một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Theo Mitrovich, chính sách của Mỹ giờ đây tinh vi hơn nhiều, và các biện pháp của nước này không chỉ nhằm ngăn Trung Quốc mở rộng quyền lực mà còn muốn làm suy yếu phạm vi ảnh hưởng ngày càng lớn của đất nước châu Á.
Các chính sách của Mỹ thời Chiến tranh Lạnh đã hứng chịu nhiều chỉ trích gay gắt ngay từ khởi đầu. Mỹ đã phải trả giá đắt bằng nhiều cuộc chiến tranh và một cuộc chạy đua vũ trang khốc liệt khiến không ít người lo ngại nổ ra chiến tranh hạt nhân. Mỹ thường xuyên phải dùng đến các chiến dịch của CIA và sự can thiệp quân sự mà kết quả nhận về không như mong muốn.
Gregory Mitrovich cho rằng, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày nay khác biệt đáng kể so với Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô.
Trung Quốc có thế mạnh về kinh tế, vị thế thương mại vượt trội và mạng lưới tài chính mở rộng tới nhiều nước. Với sự tiến bộ của quốc gia tỷ dân trong công nghệ di động 5G và trí tuệ nhân tạo, cuộc chiến bá chủ thực sự sẽ diễn ra ở các lĩnh vực thương mại, tài chính, phát triển và công nghệ quốc tế.
Tuy nhiên, "vở kịch" Chiến tranh Lạnh vẫn có khả năng giúp Mỹ chống lại Trung Quốc ngày nay.
Theo Mitrovich, Mỹ có thể hành động để thuyết phục thế giới về hệ thống thị trường phương Tây, phơi bày những điểm yếu của sáng kiến Vành đai và Con đường, làm mất uy tín "giấc mơ Trung Hoa" và thuyết phục người Trung Quốc rằng, trở thành một “bên liên quan có trách nhiệm” trong cộng đồng quốc tế sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho sự trỗi dậy hòa bình liên tục.
Chiến tranh Lạnh giờ đang xoay quanh việc ông Joe Biden thuyết phục thế giới rằng, Mỹ sẽ phục hồi chủ nghĩa quốc tế và sửa chữa những thiệt hại lớn về hình ảnh toàn cầu của nước này do Tổng thống Trump gây ra do không xử lý được đại dịch Covid-19. Nó cũng đòi hỏi phải củng cố các liên minh trên khắp châu Á, xây dựng lại quan hệ với NATO, và giải quyết thách thức về thông tin sai lệch và chiến tranh mạng.
Bằng cách đối đầu với tham vọng của Trung Quốc trong khi trấn an Bắc Kinh rằng Mỹ coi quốc gia tỷ dân là một đối tác toàn cầu giống như Nhật Bản và Liên minh châu Âu, Washington và Bắc Kinh có thể là một trong số rất ít các cường quốc trong lịch sử giải quyết sự cạnh tranh lẫn nhau một cách hòa bình.
Thanh Hảo
Ông Trump trừng phạt công ty sở hữu giàn khoan HD981
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 3/12 đã đưa Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC), đơn vị sở hữu giàn khoan HD981, vào danh sách đen.
Mỹ xử nạn đánh cắp công nghệ, nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc vội rời đi
Hơn 1.000 nhà nghiên cứu Trung Quốc đã rời Mỹ trong bối cảnh nước này bắt tay vào xử lý các cáo buộc đánh cắp công nghệ.