Hãng tin RT dẫn lời Viktor Bondarev - Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang Nga – nói rằng việc Mỹ bố trí hệ thống phóng tên lửa MK-41 ở Romania đã trở thành "thách thức nghiêm trọng" cho an ninh nước Nga. Tuy nhiên, những biện pháp thích hợp đã được đưa ra.
Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang Nga Viktor Bondarev. (Ảnh: RT) |
"Quân đội Nga quyết định triển khai oanh tạc cơ chiến lược Tu-22M3 đến bán đảo Crưm để đáp trả lá chắn tên lửa Mỹ ở Romania. Sự kết hợp giữa máy bay Tu-22M3 cùng tên lửa hành trình tầm xa cho phép chọc thủng các hệ thống phòng không hiện đại và tấn công mọi địa điểm ở châu Âu" - ông V.Bondarev cho biết thêm.
Cùng với đó, các hệ thống tên lửa tối tân của Nga gồm các hệ thống tên lửa phòng không S-300, S-400, Buk-M2, Pantsir-1 và hai bản hoán cải của tên lửa đạn đạo chiến thuật (có khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân) Iskander cũng được bố trí ở Crưm.
Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định triển khai 2 phi đội Tu-22M3 đóng quân tại căn cứ không quân Gvardeyskoye và trong những năm tới đây, những chiếc máy bay ném bom mang tên lửa tầm xa này sẽ được hiện đại hóa lên chuẩn M3M.
"Việc nâng cấp này cho phép những chiếc Tu-22 có thể trang bị những vũ khí uy lực, vượt qua các rào cản phòng không tối tân của đối phương và đánh trúng mục tiêu từ khoảng cách hàng nghìn km", ông Bondarev, người từng chỉ huy Không quân Nga giai đoạn 2010 - 2015 nói thêm.
Biến thể Tu-22M3 đi vào hoạt động vào năm 1983, trong khi phiên bản hiện đại hóa Tu-22M3M ra mắt hồi năm 2018. Chức năng chủ yếu của Tu-22M3 là tiêu diệt các biên đội tàu sân bay Mỹ. Sự xuất hiện của Tu-22M3 khiến hải quân Mỹ cảm thấy bất an, do chúng được thiết kế để mang theo những tên lửa diệt hạm tầm xa với kích thước lớn, trong khi Washington không sở hữu loại vũ khí nào có tính năng kỹ chiến thuật tương đương.
Vũ khí chính của Tu-22M3 của ba tên lửa diệt hạm hạng nặng Kh-22 với tầm bắn 600 km hoặc 10 tên lửa đạn đạo chống hạm Kh-15 có khả năng đánh trúng mục tiêu từ cách 300 km, trong khi biến thể Tu-22M3M có thể mang 4 tên lửa hành trình siêu vượt âm Kh-47M2 "Kinzhal".
Tuyên bố của ông Bondarev được đưa ra đúng vào dịp kỷ niệm 5 năm ngày Nga sáp nhập bán đảo Crưm ở miền đông Ukraina.
Năm 2016, Mỹ đã triển khai lá chắn tên lửa ở Romania và trong cùng năm này, Mỹ bắt đầu xây dựng một cơ sở lá chắn tên lửa khác ở Ba Lan. Washington tuyên bố nước này cần phải đối phó tên lửa đạn đạo do Iran và Triều Tiên triển khai, tuy nhiên Moscow mô tả những bước đi này của Mỹ là mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh Nga.
Moscow khẳng định bệ phóng tên lửa MK-41 ở Romania có thể được sử dụng để phóng tên lửa hành trình tầm trung Tomahawk, tên lửa bị cấm trong Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã bị hủy bỏ.
Hồi tháng 2, Mỹ thông báo đơn phương rút khỏi INF, việc này khiến Nga cũng đưa ra quyết định đình chỉ hiệp ước song phương. Washington nhiều lần đổ lỗi Nga vi phạm thỏa thuận vì nước này phát triển tên lửa hành trình 9M729 – bản sửa đổi từ loại dùng cho hệ thống Iskander-M. Phía Nga phủ nhận cáo buộc, cho rằng các tuyên bố của Mỹ nhằm mục đích đánh lạc hướng dư luận việc Mỹ không tuân thủ hiệp ước này.
Theo VOV