Khi trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ, ông Donald Trump luôn công khai chủ trương cắt giảm ngân sách và do vậy nhiều chương trình, cơ quan liên bang đang đứng trước nguy cơ biến mất.


{keywords}

Chính quyền của ông Trump đưa ra mục tiêu cắt giảm 10,5 nghìn tỉ USD chi tiêu ngân sách Mỹ trong vòng 10 năm tới. Và dưới đây là danh sách các “đối tượng” thuộc chính phủ đang có nguy cơ bị bốc hơi dưới thời lãnh đạo của ông Trump.

1. Dịch vụ Truyền thông công cộng

Khoản chi ngân sách: 445 triệu USD/năm

Đảng Cộng hòa từ lâu đã muốn “trừ khử” Big Bird -nhân vật giả tưởng trong chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi Sesame Street đã có tuổi đời hơn 45 năm được phát sóng trên dịch vụ truyền thông công cộng của Mỹ. Nguyên nhân chính là do chương trình này đã “ngốn” khá nhiều ngân sách chính phủ.

Tuy nhiên dịch vụ truyền thông công cộng của Mỹ đang dành công sức cho những chương trình được đánh giá có tính cộng đồng cao. Đơn cử như “Veterans Coming Home”, chương trình đã lột tả được những khó khăn mà 2,5 triệu cựu chiến binh Mỹ hiện phải đối mặt.

2. Quỹ quốc gia dành cho nghệ thuật (NEA)

Khoản chi ngân sách: 150 triệu USD/năm

NEA bảo trợ, ủng hộ và khích lệ các nghệ sĩ trên khắp nước Mỹ. Việc “trừ khử” NEA sẽ khiến hàng trăm chương trình thuộc quỹ bị xóa sổ, gây ảnh hưởng tới nhiều tới những người theo đuổi đam mê nghệ thuật trên khắp xứ sở cờ hoa.

3. Quỹ con người quốc gia (NEH)

Khoản chi ngân sách 150 triệu USD/năm

NEH là nơi cung cấp tài chính cần thiết cho các nghiên cứu tại viện bảo tàng, thư viện và đại học. NEH được đánh giá mang hiệu quả cao khi từng giúp đỡ rất nhiều cho 16 chủ nhân giải Pulitzer danh giá.

4. Cơ quan phát triển kinh doanh thiểu số (MBDA)

Khoản chi ngân sách 36 triệu USD/năm

MBDA là cơ quan trực thuộc Bộ Thương mại Mỹ, có vai trò hỗ trợ các doanh nhân thuộc dân tộc thiểu số trong việc kinh doanh.

5. Cơ quan quản lý phát triển kinh tế (EDA)

Khoản chi ngân sách 215 triệu USD/năm

EDA trợ giúp nhu cầu cơ sở hạ tầng cho các cộng đồng nhằm đẩy mạnh phát triển khu vực, đồng thời ủng hộ các chương trình phát triển kinh tế và hỗ trợ cho các công ty bị tác động tiêu cực bởi thương mại toàn cầu.

6. Cơ quan thương mại quốc tế (ITA)

Khoản chi ngân sách 521 triệu USD/năm

ITA giúp các nhà kinh doanh Mỹ bán được thêm nhiều sản phẩm cho thị trường nước ngoài bằng việc tư vấn, cung cấp thông tin về thị trường tiềm năng ở các quốc gia khác.

7. Chương trình sản xuất mở rộng quan hệ đối tác (MEP)

Khoản chi ngân sách 142 triệu USD/năm

Là chương trình giúp các nhà sản xuất cỡ vừa và nhỏ hoạt động hiệu suất hơn, cải thiện doanh số và phát triển kỹ thuật quảng cáo. Đơn cử như trường hợp của công ty sản xuất xà phòng hữu cơ có tên Botanie tại Missoula, bang Montana đã được MEP hỗ trợ trong việc kinh doanh đang trên đà phát triển. Theo MEP, nhờ sự giúp đỡ của chương trình này mà Botanie đã tiết kiệm được 280.000 USD và giữ lại 6 nhân lực.

8. Văn phòng dịch vụ cảnh sát cộng đồng (COPS) thuộc Bộ Tư pháp

Khoản chi ngân sách 286 triệu USD/năm

Chi phí dành cho COPS hầu hết được sử dụng để tuyển thêm nhân lực cảnh sát hỗ trợ các cộng đồng địa phương. Tháng 10/2016, Bộ Tư Pháp Mỹ đã công bố 119 triệu USD tiền quỹ dành cho 184 cơ quan hành pháp trên khắp nước này, đồng nghĩa với 900 nhân lực mới tuyển dụng hoặc được gia hạn hợp đồng.

Một ví dụ điển hình là Sở cảnh sát thành phố Dallas, nơi phải chịu nỗi đau 5 chiến sĩ cảnh sát hy sinh sau cuộc tấn công tháng 7/2016, đã được hỗ trợ 3,1 triệu USD để tuyển dụng thêm 25 cảnh sát mới.

9. Văn phòng đặc trách bạo lực với phụ nữ (OVW)

Khoản chi ngân sách 480 triệu USD/năm

OVW đã vận hành 25 chương trình được thiết lập qua Đạo luật chống bạo hành phụ nữ năm 1994. Một ví dụ được nhắc tới là sở cảnh sát thành phố Andalusia, bang Alabama được hỗ trợ 450.000 USD trong 3 năm để đào tạo kỹ năng giải quyết các vụ bạo lực gia đình cho sỹ quan cảnh sát và tuyển dụng thêm 3 nhân sự.

10. Cơ quan trợ giúp pháp lý (LSC)

Khoản chi ngân sách 503 triệu USD/năm

LSC được Quốc hội Mỹ thành lập năm 1974 với vai trò hỗ trợ người nghèo, trẻ em và người cao tuổi Mỹ được tiếp cận với dịch vụ pháp lý.

11. Vụ Dân quyền trực thuộc Bộ Tư pháp

Khoản chi ngân sách 156 triệu USD/năm

Vụ Dân quyền được thành lập năm 1957 và hiện có 750 nhân sự chuyên trách công việc chống lại phân biệt chủng tộc, tôn giáo, giới tính… và bảo đảm bình đẳng nhân quyền của công dân Mỹ.

12. Vụ tài nguyên và Môi trường (ENRD) thuộc Bộ Tư Pháp

Khoản chi ngân sách 123 triệu USD/năm

ENRD đấu tranh chống lại những cá nhân, tổ chức vi phạm luật bảo vệ môi trường tại Mỹ.

13. Cơ quan đầu tư tư nhân hải ngoại (OPIC)

Khoản chi ngân sách: tự túc

OPIC giúp các doanh nghiệp Mỹ có bước đi vững chãi trong các thị trường nước ngoài mới nổi bằng việc hỗ trợ tài chính, bảo hiểm…

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, trong 5 năm qua, 71% dự án của OPIC được dành cho các đơn vị kinh doanh nhỏ tại Mỹ.

14. Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC)

Khoản chi ngân sách: khoảng 10 triệu USD/năm

IPCC bảo trợ cho các nhà khoa học khí hậu hàng đầu trên thế giới nghiên cứu về tình trạng ấm lên toàn cầu và tác động của hiện tượng này với cuộc sống con người.

15. Văn phòng truyền tải điện và ổn định năng lượng

Khoản chi ngân sách: 262 triệu USD/năm

Được thành lập năm 2003 sau vụ việc mất điện quy mô lớn khiến 50 triệu người Mỹ và Canada bị ảnh hưởng.

16. Văn phòng Tiết kiệm năng lượng, Năng lượng tái tạo (EERE)

Khoản chi ngân sách: 2,9 triệu USD/năm

EERE trực thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, hoạt động với tôn chỉ tạo sự tiên phong cho Mỹ trong quá trình chuyển biến của thế giới xoay quanh kinh tế năng lượng sạch.

17. Văn phòng năng lượng hóa thạch

Khoản chi ngân sách: 878 triệu USD/năm

Đây là cơ quan trực thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, đảm nhận trách nhiệm giảm lượng carbon do năng lượng hóa thạch thải ra. Một dự án điển hình của Văn phòng năng lượng hóa thạch là Petra Nova tại bang Texas với mục tiêu “hút” 1,6 triệu tấn CO2 mỗi năm từ các nhà máy nhiệt điện than.

Báo Tintuc/TTXVN