Theo những người từng trò chuyện với bà Murphy, người đứng đầu GSA chưa từng nghĩ mình lại rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan như hiện tại. Là quan chức chính phủ chịu trách nhiệm xác nhận kết quả tổng tuyển cử, chính thức kích hoạt quá trình chuyển giao quyền lãnh đạo Nhà Trắng cho nhiệm kỳ 4 năm tiếp theo, bà Murphy bị đẩy vào "tâm bão chính trị" khi đương kim Tổng thống Donald Trump nhất quyết từ chối nhận thua đối thủ Dân chủ Joe Biden.

{keywords}
Emily Murphy, lãnh đạo Cơ quan Dịch vụ tổng hợp Mỹ (GSA). Ảnh: ABC

Đối mặt với sức ép từ cả hai phía, các nguồn thạo tin nói bà Murphy vẫn đang cố gắng diễn dịch những quy định mơ hồ của GSA và những gì bà coi là tiền lệ để ra quyết định cuối cùng. Cho đến hiện tại, bà Murphy chưa công khai xác nhận kết quả bầu cử sau gần 2 tuần các báo đài lớn của Mỹ đồng loạt xướng tên ông Biden là người chiến thắng, trong khi nhiều nhà quan sát đánh giá những nỗ lực pháp lý của ông Trump khó đảo ngược tình thế.

Phe Dân chủ tức giận vì cho rằng quan chức này hùa theo những cáo buộc của đương kim Tổng thống về gian lận bầu cử. Trong khi, phe Cộng hòa cũng gây sức ép buộc người đứng đầu GSA phải tỏ ra vững vàng, kiên quyết từ chối xác nhận người chiến thắng.

Một người bạn và cũng là cựu đồng nghiệp của lãnh đạo GSA tiết lộ: "Emily cảm thấy mình đang ở vị trí khó khăn. Cô ấy e sợ ở nhiều cấp độ. Đây là một tình huống tồi tệ. Cô ấy là một chuyên gia giỏi, một người rất có đạo đức, đồng thời cũng là một luật sư rất nghiêm túc, người đang ở thế kẹt với những quy định và tiền lệ không rõ ràng".

Nhà kỹ trị giàu kinh nghiệm

Những người thân cận Murphy mô tả bà là một nhà kỹ trị kiêm chuyên gia về chính sách với nhiều năm làm trợ lý trong quốc hội và tại GSA.

Bà Murphy nắm quyền ở GSA từ 2017, là một trong những quan chức do Tổng thống Trump bổ nhiệm, tại vị lâu nhất. Trước khi trở thành lãnh đạo GSA, bà từng làm cố vấn cấp cao cho người tiền nhiệm Timothy Horne và trợ lý cho Ủy ban Các doanh nghiệp nhỏ và Ủy ban Các lực lượng vũ trang thuộc Hạ viện. Bà từng hành nghề luật sư tư pháp và sau đó là quan chức phụ trách các hoạt động thu mua của GSA trong chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush.

Nhiều nguồn tin đánh giá bà Murphy là nhà hoạt động chính trị, nhưng không phải là "người của Tổng thống Trump" hay "công cụ tấn công đảng phái".

Bà Murphy xuất thân từ bang Missouri và từng được cựu Thượng nghị sĩ Dân chủ Claire McCaskill của bang này khen ngợi về những đóng góp cho chính phủ tại buổi điều trần về bà. Thượng viện sau đó đã phê chuẩn đề cử bà Murphy làm lãnh đạo GSA.

Suzette Kent, Giám đốc Thông tin liên bang do ông Trump bổ nhiệm năm 2018 mô tả nữ lãnh đạo GSA đương nhiệm là một người "thể hiện mức độ chính trực cao" và "cực kỳ có năng lực".

Thế tiến tiến thoái lưỡng nan

Theo CNN, kể từ khi các hãng thông tấn đồng loạt công bố ông Biden thắng cử, các chính trị gia Dân chủ trên Đồi Capitol đã yêu cầu bà Murphy giải thích tại sao bà vẫn chưa xác nhận kết quả bầu cử. Họ đã gửi một lá thư cho nữ quan chức này, nhưng không nhận được hồi đáp.

Chiến dịch tranh cử của ông Biden cảnh báo, sự trì hoãn có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh quốc gia và cuộc chiến chống Covid-19 của Mỹ, khiến "thêm nhiều người có nguy cơ tử vong". Song, họ tin điều hợp lý nhất lúc này là tăng sức ép dư luận lên đương kim Tổng thống Trump, người bị cáo buộc ngăn cản quá trình chuyển giao quyền lực thay vì cố gắng quy tội cho bà Murphy.

Thượng nghị sĩ James Lankford, chính khách Cộng hòa ở bang Oklahoma, tuần trước tuyên bố sẽ can thiệp nếu ông Biden không nhận được các báo cáo tình báo thường được gửi cho tổng thống mới đắc cử. Hôm 16/11, ông Lankford tuyên bố đã liên lạc với GSA và biết cơ quan này "không cách nào có thể chứng thực kết quả bầu cử và họ cũng không phải đại cử tri đoàn".

Cựu thượng nghị sĩ Cộng hòa Jim Talent đến từ bang Missouri cũng có cùng quan điểm với ông Lankford. Là người quen biết bà Murphy 25 năm và từng nhận bà làm trợ lý thời còn làm Chủ tịch Ủy ban Các doanh nghiệp nhỏ của Hạ viện trong chính quyền Bill Clinton, ông Talent hết lời khen ngợi sự chính trực của bà.

Hiện chưa rõ bà Murphy chính xác đang chờ những hành động cụ thể nào trước khi xác nhận người sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của Mỹ. Song, lãnh đạo GSA được tin đang cân nhắc quyết định dựa vào những gì bà coi là tiền lệ do cuộc bầu cử năm 2000 đặt ra, khi không có ứng viên tổng thống chiến thắng rõ ràng suốt hơn một tháng cũng như kết quả các vụ kiện bầu cử ở nhiều bang của ông Trump.

Theo nhiều nguồn thạo tin, dường như dự cảm được rắc rối sẽ phải đối mặt hậu tổng tuyển cử, bà Murphy đã gọi điện cho một trong những người tiền nhiệm - David Barram trước ngày bỏ phiếu quốc gia 3/11. Ông Barram là lãnh đạo GSA trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử năm 2000. Ông Barram xác nhận ứng viên Cộng hòa George W. Bush đánh bại đương kim Phó Tổng thống Dân chủ Al Gore, sau khi tòa tối cao kết thúc quá trình kiểm phiếu lại ở Florida.

Trong cuộc điện đàm, ông Barram đã trao đổi với bà Murphy về kinh nghiệm và thế kẹt của bản thân trong cuộc bầu cử cách đây 20 năm. Phát biểu trong chương trình phát thanh tuần trước, ông Barram cho rằng, tình huống hiện tại "khác rất nhiều" so với năm 2000, khi kết quả bầu cử chỉ phụ thuộc vào một bang duy nhất là Forida, với chênh lệch vẻn vẹn 537 phiếu.

Alan Chvotkin, Giám đốc điều hành cấp cao tại một hiệp hội thương mại ở thủ đô Washington, người đã làm việc với bà Murphy hơn 20 năm cho biết, ông ủng hộ nữ quan chức này vì vốn hiểu biết sâu sắc của bà về cách GSA hoạt động cũng như sự tận tụy với công việc. Ông nói, mỗi khi bà Murphy phải đối mặt với một quyết định phức tạp, bà sẽ tham vấn rộng rãi, yêu cầu những người khác nghiên cứu và đảm bảo bà biết rõ phạm vi cũng như các ảnh hưởng của quyết định trước khi hành động.

"Cô ấy đang làm những gì cô ấy tin là nghĩa vụ chân chính của mình, với tư cách là người đã tuyên thệ trung thành thực sự với Hiến pháp Mỹ và các luật quản lý vị trí của cô ấy", một người bạn của bà Murphy nhấn mạnh.

Xem thêm: Bầu cử tổng thống Mỹ 2020

Tuấn Anh 

Lí do ông Trump chắc vé đại diện đảng Cộng hòa tranh cử năm 2024

Lí do ông Trump chắc vé đại diện đảng Cộng hòa tranh cử năm 2024

Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa chính thức nhận thua trong tổng tuyển cử 2020, nhưng nhiều nguồn thạo tin quả quyết ông đã lên kế hoạch chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024.

Trì hoãn chuyển giao quyền lực tổng thống gây hại ra sao cho Mỹ?

Trì hoãn chuyển giao quyền lực tổng thống gây hại ra sao cho Mỹ?

Các cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống Cộng hòa George W. Bush và cựu Tổng thống Dân chủ Bill Clinton cùng cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng của việc trì hoãn chuyển giao quyền lãnh đạo Chính phủ Mỹ.