Hồi tháng 9, hai trong số các tướng lĩnh cấp cao nhất của Không quân Mỹ đã cảnh báo lực lượng này đang dần cạn kiệt thời gian để phát triển năng lực và các khí tài mới để có thể đối phó với các nguy cơ tiềm tàng.

"Chúng ta không thể chờ đến lúc xảy ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, dù là đột ngột hay ngấm ngầm, để thúc đẩy sự thay đổi của không quân và lực lượng liên quân. Nếu cứ như hiện tại thì mọi thứ sẽ trở nên quá muộn", Đại tướng Charles Brown Jr., Tham mưu trưởng, cho biết trong một hội nghị trực tuyến của Hiệp hội Không quân Mỹ.

Trung tướng Clinton Hinote, Phó tham mưu trưởng, cũng lo ngại về hướng phát triển hiện tại của lực lượng. "Tôi lo là các phi công trong tương lai sẽ không có những thứ cần thiết để bảo vệ đất nước, nếu chúng ta không thay đổi ngay bây giờ. Chúng ta đang hết dần thời gian".

Hai quan chức cho rằng, Không quân Mỹ phải tiến hành những thay đổi để duy trì vị thế của mình. Một trong những thay đổi đó sẽ là tái cấu trúc đội chiến cơ.

Nhu cầu cần phải thay đổi

{keywords}
Mỹ sẽ tái cấu trúc và tinh giản đội chiến cơ. Ảnh: Không quân Mỹ

Giống như phần còn lại của quân đội Mỹ, lực lượng không quân đang dần chuyển hóa các hoạt động từ chống khủng bố sang cạnh tranh với quân đội các quốc gia khác. Theo trang tin Business Insider, Mỹ đang tiến hành một số nâng cấp và sửa đổi để giải quyết những thách thức trên. Việc tinh giản và cập nhật đội chiến cơ hiện là một trọng tâm đặc biệt. 

"Chúng ta cần thoát khỏi việc lúc nào cũng duy trì hoạt động tới 7 dòng chiến cơ. Điều này quá đắt đỏ, và số lượng đội bay cũng quá nhiều", tướng Hinote nói hồi tháng 9. "Chúng ta sẽ rút gọn từ 7 dòng xuống còn 4, và hướng tới việc xây dựng một lực lượng chiến cơ hiện đại với 4 nền tảng riêng biệt".

Mỹ đang có kế hoạch từ giờ đến năm 2030 sẽ cho “nghỉ hưu” những dòng chiến cơ vốn đã vượt quá tuổi thọ phục vụ trong biên chế, như tiêm kích F-15C và D hay phi cơ tấn công mặt đất A-10. Các dòng còn phục vụ trong tương lai sẽ gồm F-22, F-35, F-15E, F-15EX, cùng F-16.

F-22 và F-35

F-22 và F-35 là hai dòng chiến cơ thuộc thế hệ 5, và cũng là dòng hiện đại nhất trong biên chế Không quân Mỹ. Ban đầu, chúng được thiết kế để hoạt động song hành cùng nhau, do F-22 có khả năng không chiến vượt trội, còn F-35 là chiến cơ đa năng với khả năng kết nối với nhiều khí tài trên khắp chiến trường.

{keywords}
Hai chiến cơ F-22 (hàng trên) và 2 chiến cơ F-35. Ảnh: Không quân Mỹ

Hiện tại, quá trình chế tạo F-35 vẫn được duy trì, song việc sản xuất F-22 đã bị tạm ngưng vào năm 2011, phần lớn do hạn chế ngân sách và thiếu các mục tiêu phải đối phó trên không.

Mỹ không có kế hoạch khởi động lại chương trình F-22, song vẫn giữ lại khoảng 180 máy bay thuộc dòng này, và dự kiến từ giờ đến năm 2030 sẽ dần thay thế chúng bằng dòng chiến cơ đời mới được phát triển từ chương trình Ưu thế trên không thế hệ tiếp theo (NGAD).

Trong khi đó, dòng F-35, theo lời tướng Hinote, vẫn đóng vai trò “nền tảng trong các lực lượng chiến cơ" của Không quân Mỹ.

F-15 và F-16

Cho đến nay, F-15 vẫn nằm trong số những chiến cơ phổ biến và hiệu quả nhất thế giới. Dù Mỹ đã lần lượt ngưng sử dụng các mẫu chiến cơ F-15A và B, và sắp tới là F-15C và D, song các mẫu F-15E và F-15EX vẫn đang được duy trì hoạt động.

F-15E là chiến cơ không đối không và không đối đất có khả năng tác chiến cao. Trong khi đó, F-15EX mới được mua lại gần đây, có tên chính thức là Eagle II, được trang bị các loại radar, máy tính hiển thị nhiệm vụ, buồng lái đời mới nhất, cùng hệ thống cảnh báo khả năng sống sót thụ động hoặc chủ động.

{keywords}
Chiến cơ F-15EX chuẩn bị cất cánh từ căn cứ Eglin ở bang Florida, Mỹ. Ảnh: Không quân Mỹ

Không quân Mỹ hiện có kế hoạch mua lại ít nhất 144 chiến cơ F-15EX. Lực lượng này cho biết cùng với những chiến đấu F-15E còn có trong biên chế, chúng sẽ bổ sung một số lượng đáng kể hỏa lực cho các đội bay hiện tại.

“Với F-15EX, chúng ta đang tận dụng lợi thế của một dây chuyền mở để sản xuất các loại chiến cơ chất lượng cao, có khả năng tác chiến tốt với tốc độ nhanh để bù đắp cho các phi đội F-15C và D", ông Hinote nhận định.

F-16 vẫn trong biên chế, song sẽ tập trung vào một vai trò khác. Các phi đội F-16 hiện được nâng cấp và tu sửa để phù hợp với nhiệm vụ mang tính phòng vệ. Theo tướng Hinote, những nhiệm vụ này "không nhất thiết cần các chiến cơ có khả năng sống sót cao, mà chỉ cần loại chiến cơ có khả năng thích ứng tốt và đáng tin cậy".

{keywords}
Một chiến cơ F-16 (trước) và F-35. Ảnh: Không quân Mỹ

Không chỉ ưu tiên cải tổ lực lượng chiến cơ hiện có, Không quân Mỹ còn muốn tập trung vào việc thay thế hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III, cùng với việc cải tiến, mở rộng các phi đội tiếp liệu trên không, và đầu tư vào trí tuệ nhân tạo.

Business Insider nhận định, để đạt được tiến triển trong các nỗ lực trên và đủ sức đương đầu với các mối đe dọa mới, Không quân Mỹ sẽ phải cải thiện văn hóa làm việc, kết hợp tốt hơn với các đối tác tham gia vào việc tạo dựng các khí tài mới.

“Nếu không hiểu đúng các mối quan hệ trong ngành, chúng ta sẽ chỉ tạo ra các chiến cơ thế hệ 5, nhưng lại sử dụng vũ khí thế hệ 4 để chống lại các mối đe dọa thế hệ 6”, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ Charles Brown Jr. cho biết.

>>> Đọc tin quân sự trên VietNamNet

Việt Anh

Máy bay do thám bí mật mới của Mỹ

Máy bay do thám bí mật mới của Mỹ

“Hắc điểu” (Blackbird) SR-71 đã nghỉ hưu hơn 20 năm, nhưng có thể sẽ có một chiếc máy bay do thám SR-72 thế hệ tiếp theo.

Điểm danh loạt chiến cơ 'thảm họa' của Không quân Mỹ

Điểm danh loạt chiến cơ 'thảm họa' của Không quân Mỹ

Được kỳ vọng sẽ trở thành những chiến cơ thế kỷ, song những chiếc máy bay chiến đấu này lại mang đến những tổn thất nặng nề cho Mỹ.