Reuters đưa tin, trong một dự thảo nghị quyết được sửa đổi, Trung Quốc và Nga muốn Hội đồng gồm 15 thành viên dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đó "với mục đích nâng cao sinh kế của người dân" ở Triều Tiên. Quốc gia châu Á khép kín này đã chịu nhiều vòng cấm vận của Liên Hợp Quốc (LHQ) kể từ năm 2006 liên quan các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo. 

{keywords}
 Triều Tiên chịu nhiều vòng cấm vận kể từ năm 2006 vì các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này. Ảnh: KCNA/AP

Dự thảo nghị quyết bao gồm một số biện pháp khác mà Trung Quốc và Nga từng đề xuất lần đầu cách đây gần 2 năm, bao gồm dỡ bỏ lệnh cấm những người Triều Tiên làm việc ở nước ngoài và loại các dự án hợp tác đường sắt cũng như đường bộ liên Triều khỏi danh sách trừng phạt.

Một số nhà ngoại giao Liên Hợp Quốc giấu tên cho biết, dự thảo nghị quyết sửa đổi lần này của Nga và Trung Quốc nhận được rất ít sự ủng hộ. Hồi năm 2019, hai nước đã tổ chức hai vòng thảo luận không chính thức về đề xuất nhưng nó chưa bao giờ được chính thức đưa ra bỏ phiếu. Một nghị quyết cần 9 phiếu thuận và không có phiếu phủ quyết nào từ Mỹ, Pháp, Anh, Nga và Trung Quốc thì mới được thông qua. 

Theo Reuters, phái bộ của Nga và Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc không phản hồi đề nghị bình luận về dự thảo nghị quyết mới. Các nhà ngoại giao cho biết văn bản sẽ được gửi tới các thành viên Hội đồng vào thứ Sáu (5/11).

"Mong muốn của Trung Quốc luôn là chúng tôi sẽ giải quyết khía cạnh nhân đạo do các lệnh trừng phạt mà Hội đồng Bảo an áp đặt gây ra", đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Zhang Jun nói như vậy với các phóng viên hồi tháng 10. Ông cho biết thêm, dự thảo nghị quyết năm 2019 "vẫn đang ở trên bàn làm việc".

Phát ngôn viên của phái bộ Mỹ tại Liên Hợp Quốc từ chối bình luận về các cuộc thảo luận của Hội đồng Bảo an, nhưng nhấn mạnh rằng mọi thành viên Liên Hợp Quốc nên tập trung vào giải quyết những người vi phạm các lệnh cấm vận hiện hành.

"Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiều lần khẳng định sẵn sàng sửa đổi, đình chỉ hoặc dỡ bỏ các biện pháp khi cần thiết nếu Triều Tiên tuân thủ. Tuy nhiên, nước này không hề thực hiện các bước theo đúng yêu cầu của Hội đồng Bảo an liên quan đến các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo bị cấm", người phát ngôn này nói thêm.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trên thực tế đã cho phép miễn trừ về nhân đạo. Hồi tháng 10, một nhà điều tra nhân quyền của Liên Hợp Quốc kêu gọi nới lỏng cấm vận đối với Triều Tiên vì nước này có nguy cơ cao rơi vào tình trạng thiếu đói giữa đại dịch Covid-19.

Những ngành chịu các đòn trừng phạt mà Nga và Trung Quốc đề xuất hủy bỏ từng là nguồn thu lớn, mang về cho Triều Tiên hàng trăm triệu đôla.

Chính quyền ông Kim Jong Un vẫn phát triển các chương trình tên lửa hạt nhân và đạn đạo trong nửa đầu năm 2021, vi phạm cấm vận của Liên Hợp Quốc và bất chấp tình hình kinh tế trong nước xấu đi.

Dự thảo nghị quyết mới của Nga và Trung Quốc sẽ đề nghị Hội đồng thừa nhận "tình hình kinh tế và sinh kế khó khăn của Triều Tiên trong những năm gần đây, nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng các mối quan tâm chính đáng về an ninh" của nước này, đồng thời "đảm bảo phúc lợi, phẩm giá vốn có và quyền của người dân Triều Tiên".

Xem tin tức mới nhất về Triều Tiên

Thanh Hảo

Kêu gọi Triều Tiên trở lại đàm phán, Mỹ - Hàn lặng lẽ tập trận chung

Kêu gọi Triều Tiên trở lại đàm phán, Mỹ - Hàn lặng lẽ tập trận chung

Hàn Quốc và Mỹ, hôm nay (1/11), khởi động các cuộc tập trận chung trên không giữa lúc căng thẳng tăng cao sau loạt vụ thử tên lửa mới đây của Triều Tiên.