Theo luật này, lực lượng hải cảnh của Trung Quốc được phép bắn vào các tàu ở xung quanh quần đảo Sankaku/Điếu Ngư mà Bắc Kinh và Tokyo đang tranh chấp chủ quyền.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin ở Nhà Khách Iikura tại Tokyo ngày 16/3. Ảnh: CNN |
"Mỹ và Nhật Bản tiếp tục phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào tìm cách thay đổi hiện trạng hoặc phá hoại quyền quản lý của Nhật Bản đối với các đảo này", các bộ trưởng hai nước tuyên bố trong một thông cáo chung đưa ra sau cuộc hội đàm an ninh của họ ở Tokyo, theo Kyodo News.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đang có chuyến công du nước ngoài cấp Nội các đầu tiên dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden. Hai ông đã đến Nhật Bản để tổ chức cuộc gặp 2 + 2 với Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi của nước chủ nhà.
Kyodo News chỉ ra rằng, rất hiếm khi hai nước có một tuyên bố chung nêu đích danh Trung Quốc - dấu hiệu cho thấy Tokyo và Washington đã nâng cao mức độ cảnh giác trước Bắc Kinh cả về quân sự và kinh tế.
Luật hải cảnh có hiệu lực từ 1/2 đã làm dấy lên quan ngại ở Nhật Bản khi các tàu hải cảnh Trung Quốc thường xuyên xuất hiện ở các vùng biển quanh cụm đảo tranh chấp.
Tuyên bố chung nói trên còn nêu rõ, quần đảo Senkaku nằm trong phạm vi Điều 5 của hiệp ước an ninh song phương, có nghĩa là Mỹ sẽ đứng ra bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp xảy ra xung đột ở đó.
Bên cạnh dó, Nhật Bản và Mỹ cũng nhắc lại phản đối của hai nước đối với "các tuyên bố và hoạt động hàng hải trái pháp luật của Trung Quốc ở Biển Đông".
Sau cuộc gặp 2 + 2, lần đầu tiên kể từ tháng 4/2019, các bộ trưởng Mỹ sẽ gặp Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. Ông Suga đã được mời tới Nhà Trắng vào nửa đầu tháng 4, chuẩn bị trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên trực tiếp hội đàm với Tổng thống Biden.
Cũng tại cuộc gặp hôm nay, các vị bộ trưởng Mỹ và Nhật Bản còn chia sẻ quan ngại về nhiều vấn đề, tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hoá Triều Tiên và kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Trong sự tham vấn với Nhật Bản và Hàn Quốc, chính quyền ông Biden hiện đang tiến hành đánh giá "toàn diện" chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên, dự kiến sẽ hoàn thành vào "những tuần tới", theo một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Sau khi thăm Nhật Bản, hai ông Blinken và Austin sẽ đến Seoul trong ngày mai (17/3) để hội đàm với những người đồng cấp Hàn Quốc.
Sau chuyến công du châu Á, Ngoại trưởng Mỹ Blinken dự kiến gặp quan chức hàng đầu Trung Quốc về chính sách đối ngoại, ông Dương Khiết Trì, và Ngoại trưởng Vương Nghị tại Alaska vào ngày 18/3. Đây sẽ là cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa các quan chức cấp cao hai bên kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức.
Thanh Hảo
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ công bố rõ mục đích thăm châu Á
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thông báo ông tới thăm châu Á để thúc đẩy hợp tác quân sự với Mỹ và tăng cường "ngăn chặn" Trung Quốc.
Các mục tiêu của Tổng thống Biden hội tụ ở châu Á
Hai tham vọng nằm ở trung tâm nghị trình chính sách đối ngoại của Tổng thống Joe Biden, là xây dựng lại quan hệ với các đồng minh và tập hợp một mặt trận đoàn kết trước Trung Quốc.