Mỹ đang chia rẽ sâu sắc sau khi ông Donald Trump đưa ra sắc lệnh không cho dân tị nạn cũng như người dân 7 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số được tới Mỹ.

Sắc lệnh của ông Donald Trump yêu cầu ngưng cho người tị nạn vào Mỹ trong vòng 120 ngày, cấm người tị nạn từ Syria vào Mỹ vô thời hạn, và cấm công dân từ Iran, Iraq, Libya, Somallia, Sudan, Syria, và Yemen nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày.

{keywords}
Biểu tình ở San Francisco phản đối sắc lệnh của ông Trump

Trong diễn biến mới nhất, theo báo USA Today, thành phố San Francisco đã nộp đơn kiện ông Trump sau khi ông yêu cầu chính quyền liên bang ngừng cấp tài chính cho nơi hạn chế hợp tác với các cơ quan thực thi luật nhập cư liên bang. San Francisco là thành phố bảo vệ những người nhập cư.

"Sắc lệnh của Tổng thống không chỉ trái hiến pháp, mà còn trái với nước Mỹ. Đó là lý do vì sao chúng ta phải chống lại nó. Chúng ta là đất nước của người nhập cư và vùng đất tự do. Chúng ta cần phải là những người bảo vệ nền dân chủ của mình", Dennis Herrera, Công tố viên San Francisco, tuyên bố.

Trong khi đó, khoảng 900 nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã ký vào một bản ghi nhớ nội bộ để phản đối sắc lệnh của Tổng thống Trump. Theo một quan chức ngoại giao cấp cao, bản ghi nhớ đã được trình lên quyền Ngoại trưởng Tom Shannon thông qua “các kênh nội bộ” của cơ quan này.

Cũng liên quan tới sắc lệnh gây tranh cãi trên, hôm 30/1, ông Trump đã sa thải quyền Bộ trưởng Tư pháp Sally Yates và đưa bà Dana Boente lên ngồi vào vị trí này. Việc cách chức này diễn ra chỉ vài giờ sau khi có tin bà Yates yêu cầu các luật sư của Bộ Tư pháp không bảo vệ sắc lệnh của ông Trump.

Hôm 31/1, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sean Spicer tuyên bố sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump không phải là lệnh cấm nhập cảnh. Ông Spicer đổ lỗi cho truyền thông coi chính sách này là lệnh cấm. Ông khẳng định sắc lệnh này chỉ là một cơ chế xét duyệt lý lịch nhằm giữ cho Mỹ được an toàn.

Dương Lâm