Phát biểu tại một cuộc họp hôm 24/11, Tổng thống Putin tiết lộ, ông đã nhận một liều vắc xin Covid-19 dạng xịt, ngoài một mũi tiêm tăng cường. "Họ đã yêu cầu tôi hít vào thật sâu và đếm tới 3", lãnh đạo Điện Kremlin nói. Ông cho biết, bản thân không cảm thấy gì trong quá trình thử nghiệm.

{keywords}
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik

Người đứng đầu Chính phủ Nga giải thích thêm rằng, 6 tháng sau khi hoàn thành tiêm chủng, lượng kháng thể trong cơ thể của ông giảm xuống. Vì vậy, các chuyên gia đề xuất ông nên thực hiện chủng ngừa nhắc lại.

Theo báo RT, vắc xin dùng đường mũi do Viện Gamaleya của Nga phát triển, dựa vào vắc xin Sputnik V tiêm bắp.

Tại cuộc gặp với Tổng thống Putin hồi cuối tuần trước, Denis Logunov, lãnh đạo mảng vi sinh của Viện Gamaleya báo cáo rằng, các nghiên cứu ban đầu cho thấy vắc xin mới có thể giảm nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 và tạo ra hàng rào miễn dịch bổ sung ở đường hô hấp trên.

Loại vắc xin này cũng tiện lợi vì "không gây đau đớn và chỉ có các tác dụng phụ ở mức tối thiểu". Nhà chức trách Nga sẽ tiếp tục các nghiên cứu về vắc xin dùng đường mũi vào năm 2022.

Trước đó trong ngày 24/11, phát ngôn viên của ông Putin cho biết, tổng thống vẫn làm việc bình thường và cảm thấy khỏe sau khi dùng liều vắc xin tăng cường. Ông Putin đã tiêm mũi đầu tiên của vắc xin Sputnik V hồi tháng 3.

Nga đã xúc tiến chiến dịch tiêm chủng nhắc lại cho dân nhằm tăng miễn dịch cộng đồng trong bối cảnh số ca mắc mới tăng mạnh và số trường hợp thiệt mạng vì dịch vọt lên mức kỷ lục trong vài tuần gần đây. Nhà chức trách thống kê, hơn 1.000 bệnh nhân tử vong mỗi ngày trong hơn một tháng qua, giữa lúc tỷ lệ người dân hoàn thành tiêm chủng còn thấp, dưới 40%.

Nga đang là một điểm nóng về dịch của thế giới với hơn 9,4 triệu ca mắc, gần 268.000 người bệnh không qua khỏi.

Tuấn Anh

Ông Putin được tiêm liều vắc xin Covid-19 bổ sung

Ông Putin được tiêm liều vắc xin Covid-19 bổ sung

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ ông đã tiêm liều bổ sung vắc xin Covid-19, đồng thời cho biết ông sẵn lòng tham gia thử nghiệm lâm sàng loại vắc xin mới.