Không có ai bị thương.

Sau những tin tức trước đó về loạt vụ nổ gần thị trấn Kobani, Lầu Năm Góc cho biết binh sĩ Mỹ "đã bị tấn công hỏa pháo từ các vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 9h tối ngày 11/10 (giờ địa phương)". Vụ nổ xảy ra ở "một khu vực mà người Thổ Nhĩ Kỳ biết rõ các lực lượng Mỹ đang hiện diện".

{keywords}

Khói bốc lên bầu trời thị trấn Syria Ras al-Ain nhìn từ phía biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ngày 11/10. (Ảnh: Reuters)

Theo thông cáo của Lầu Năm Góc, lính Mỹ vẫn chưa rút khỏi thành phố này, và Washington "tiếp tục phản đối sự di chuyển quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria".

Đêm 11/10, AP dẫn lời các quan chức Mỹ nói rằng một tiền đồn của nước này đã bị bỏ lại sau vụ nã pháo, nhưng một căn cứ lớn hơn ở Kobani vẫn chưa sơ tán hoặc bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công. Các nguồn tin khẳng định tiền đồn đó sẽ sớm có người trở lại.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ lý giải vụ tấn công là để đáp trả một vụ nã đạn cối từ phía các chiến binh người Kurd mà Ankara liệt vào hàng "khủng bố". Ông nhấn mạnh thêm, Thổ Nhĩ Kỳ không nhắm tới lính Mỹ trong khu vực, và các biện pháp phòng ngừa đã được áp dụng để tránh nã trực tiếp vào các vị trí của Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Erdogan hiện đang thực hiện một chiến dịch quân sự có tên Mùa xuân Hòa bình ở miền bắc Syria để đánh bật các lực lượng người Kurd vốn được Mỹ coi là đồng minh trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhưng lại là kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, Ankara sẽ thiết lập một vùng an toàn dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria để tái định cư cho hàng triệu người tị nạn Syria đã chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống trong khi Syria nổ ra nội chiến.

Trước đó, chính quyền Trump thông báo rút binh sĩ khỏi khu vực, làm dấy lên sự phản đối gay gắt ở quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, lãnh đạo Nhà Trắng tuyên bố quyết định của ông không có nghĩa là Mỹ sẽ bỏ rơi các đồng minh người Kurd. Ông cũng cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với sự tàn phá nếu có một cuộc chiến không cần thiết chống lại họ.

Thanh Hảo