Theo trang thống kê Worldometers, tính đến 6h sáng ngày 17/11, đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành ở 222 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến 255 triệu người nhiễm virus và gần 5,13 triệu bệnh nhân tử vong. Số ca hồi phục đạt 230 triệu.

Mỹ tiếp tục là nước bị Covid-19 tấn công dữ dội nhất, với 72.500 ca nhiễm mới và hơn 1.000 ca tử vong trong ngày qua. Đến nay, nước này đã có hơn 48,1 triệu người nhiễm và gần 786.000 ca tử vong.  

{keywords}
Hành khách trình thẻ xanh Covid-19 tại sân bay Linate ở Milan, Italia. Ảnh: Reuters

Tính theo tổng số ca nhiễm, đứng sau Mỹ là các quốc gia Ấn Độ, Brazil, Anh và Nga. Về tổng số ca tử vong, Brazil, Ấn Độ, Mexico và Nga lần lượt giữ các vị trí sau Mỹ. 

Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất từ đại dịch, trong khi châu Âu đang chật vật đối mặt với đợt bùng phát dịch mới. Hầu như tất cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đều chứng kiến số người nhiễm gia tăng, dẫn tới phải áp dụng các biện pháp hạn chế.

Italia siết yêu cầu thẻ xanh

Trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 gia tăng, chính phủ Italia quyết định siết chặt quy định thẻ xanh trên các phương tiện giao thông công cộng liên vùng.

Theo sắc lệnh vừa được Bộ trưởng Y tế và Giao thông Italia ký, hành khách đi tàu đường dài và liên vùng ở nước này phải xuất trình thẻ xanh trước khi lên tàu ở các ga trung tâm như Milan Centrale, Rome Termini và Florence S. Maria Novella... Trong trường hợp phát hiện hành khách trên tàu có các triệu chứng liên quan Covid-19, cơ quan y tế và cảnh sát đường sắt được phép cho dừng tàu để tiến hành "các biện pháp can thiệp khẩn cấp".

Quy định thẻ xanh không bắt buộc đối với hành khách đi phương tiện giao thông công cộng ở địa phương.

Đến nay, khoảng 88,8% dân số trên 12 tuổi của Italia đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin ngừa Covid-19 và hơn 84% đã tiêm đủ liều.

Các bệnh viện Slovakia nguy cấp

Làn sóng dịch mới đang càn quét Slovakia, đẩy hệ thống y tế của nước này vào tình trạng căng thẳng.  

"Chúng ta cần thắt chặt các hạn chế trong 3 tuần tới để làm dịu tình hình tại các bệnh viện", Thủ tướng Slovakia Eduard Heger nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi người dân đi tiêm vắc xin để ngăn chặn Covid-19 lây lan.

Dữ liệu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu cho thấy, Slovakia là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất châu lục này, chỉ đạt 45% so với mức trung bình trên toàn khối là 64,9%. 

Thống kê chính thức cho thấy, mỗi ngày Slovakia có khoảng 6.500 ca nhiễm mới. Tính đến sáng 17/11, quốc gia 5,5 triệu dân đã ghi nhận gần 570.000 ca nhiễm và 13.644 trường hợp tử vong vì Covid-19.    

AstraZeneca đạt 2 tỷ liều vắc xin

Tập đoàn dược phẩm AstraZeneca (Anh-Thụy Điển), ngày 16/11, thông báo lượng vắc xin ngừa Covid-19 mà hãng cùng Đại học Oxford kết hợp phát triển và phân phối trên toàn cầu đã đạt 2 tỷ liều chỉ chưa đầy 1 năm sau khi được cấp phép.

Trong một tuyên bố chung, AstraZeneca và Đại học Oxford cho biết, vắc xin của hãng đang được sản xuất tại 15 nước, cung cấp cho hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ.

AstraZeneca hiện là đối tác đóng góp nhiều nhất cho COVAX, cơ chế chia sẻ vắc xin do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bảo trợ.

Vào tháng 6/2020, AstraZeneca ký thỏa thuận với Viện Huyết thanh Ấn Độ, nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới tính theo khối lượng, để tăng gấp đôi năng lực sản xuất vắc xin lên 2 tỷ liều.

>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

Thanh Hảo

Pfizer cho phép sản xuất thuốc generic trị Covid-19 cho các nước nghèo

Pfizer cho phép sản xuất thuốc generic trị Covid-19 cho các nước nghèo

Hãng dược phẩm Mỹ Pfizer thông báo sẽ cho phép các nhà sản xuất thuốc generic cung cấp thuốc viên trị Covid-19 của hãng cho 95 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.