Đại dịch Covid-19
Từ ngày 19 - 26/11, thế giới ghi nhận thêm 3.950.459 ca mắc mới Covid-19, tăng từ 256.309.192 ca lên 260.259.651 ca.
Số ca tử vong cũng tăng thêm 52.249 ca, từ 5.146.224 ca lên 5.198.473 ca.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch với hơn 48,9 triệu ca nhiễm cùng gần 800.000 ca tử vong tính đến sáng 25/11, theo Worldometers. Nhà Trắng thông báo, khoảng 95% trong tổng số 3,5 triệu nhân viên liên bang đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin Covid-19. Dù không đưa ra con số chính xác, các quan chức cho biết, phần lớn nhân viên đã tiêm chủng đầy đủ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, châu Âu có thể ghi nhận thêm 700.000 ca tử vong vì Covid-19 vào tháng 3/2022, đưa tổng số người thiệt mạng vì đại dịch tại châu lục này vượt mốc 2,2 triệu ca.
Điểm nóng nhất châu Âu hiện tại chính là Đức, quốc gia đã ghi nhận ngày thứ hai liên tiếp báo cáo hơn 70.000 ca/ngày. Đáng chú ý, ngày 25/11, nước này tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới về số ca nhiễm Covid-19 trong 24 giờ với 76.132 ca. Thủ tướng Angela Merkel cho biết, để kiểm soát làn sóng lây nhiễm mới, nước này đang xem xét áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn.
Tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Anh đã vượt 10 triệu ca, là quốc gia thứ 4 trên thế giới chạm tới cột mốc này. Ngày 25/11, nước này tiếp tục ghi nhận thêm hơn 47.000 ca nhiễm mới, mức tăng trong ngày cao nhất kể từ cuối tháng 10.
Pháp cũng phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 5 đang lây lan rất mạnh mẽ. Chính phủ Pháp thông báo, nước này sẽ tiến hành tiêm mũi tăng cường vắc-xin phòng Covid-19 cho toàn bộ người lớn, đồng thời thắt chặt quy định về khẩu trang. Ngày 22/11, văn phòng thủ tướng Pháp thông báo, Thủ tướng Jean Castex có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh, một số quốc gia như Áo, Slovakia đã tiến hành phong tỏa trong 2 tuần để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Bên cạnh đó, nhiều nước như Hy Lap, Cộng hòa Séc, Slovakia… đã ban hành những hạn chế mới cho những người chưa tiêm chủng. Cụ thể, những người chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19 sẽ không được tới nhà hàng, trung tâm mua sắm, cũng như sử dụng nhiều dịch vụ công cộng khác.
Cơ quan quản lý dược phẩm châu ÂU (EMA) đã phê duyệt việc sử dụng vắc-xin Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Theo EMA, độ tuổi trên sẽ được tiêm hai liều ở bắp tay, mỗi liều 10 microgram, cách nhau 3 tuần.
Tại châu Á, Ấn Độ vẫn là ổ dịch lớn nhất khu vực với 34.546.926 ca nhiễm cùng 466.980 ca tử vong (số liệu cập nhật sáng ngày 26/11).
Còn tại Hàn Quốc, ngày 22/11, tất cả các trường học trên toàn quốc đã quay trở lại dạy trực tiếp lần đầu tiên kể từ đầu năm 2020. Việc cho học sinh tới trường trở lại là một phần của kế hoạch “sống chung với Covid-19”. Tuy nhiên, các trường vẫn có thể dạy học trực tuyến hay hình thức kết hợp khác nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ngày 24/11, nước này ghi nhận 4.115 ca nhiễm Covid-19 mới, mức tăng cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Bên cạnh đó, số ca bệnh nhân nặng cũng tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới với 617 ca.
Ông Biden chuyển giao quyền lực trong 85 phút
Ngày 19/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tạm chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống Kamala Harris khi ông trải qua quá trình gây mê để nội soi đại tràng định kỳ.
Theo đó, bà Kamala Harris chính thức trở thành người phụ nữ đầu tiên từng nắm giữ vị trí quyền lực nhất nước Mỹ.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, bà Harris đã làm việc tại văn phòng của mình ở Cánh Tây trong lúc ông Biden đang được gây mê. Quá trình kéo dài tổng cộng 1 giờ, 25 phút.
Lần gần đây nhất kết quả đánh giá của chuyên gia y tế về thể trạng của ông Biden được công bố là vào tháng 12/2019, trong quá trình vận động tranh cử tổng thống.
Trung Quốc tuyên bố không chèn ép các nước nhỏ
Tuyên bố tại một hội nghị thượng đỉnh diễn ra ngày 22/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, Bắc Kinh sẽ không chèn ép các nước láng giềng nhỏ hơn ở trong vùng.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên Biển Đông.
Truyền thông Trung Quốc dẫn lời ông Tập nói: “Trung Quốc đã, đang và sẽ là láng giềng tốt, bạn tốt và đối tác tốt của ASEAN”. Trung Quốc sẽ coi ASEAN là ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng, ủng hộ khối giữ vai trò lớn hơn trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Căng thẳng Mỹ - Nga liên quan tới Ukraina
Việc Nga tăng cường quân ở gần Ukraina khiến các quan chức Mỹ bối rối, làm xáo trộn phản ứng của chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã hối thúc Mỹ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraina.
Tuy nhiên, động thái đó có nguy cơ trở thành một cuộc đối đầu toàn diện, gây nguy hiểm hơn cho Ukraina và có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.
Ukraina cho biết, hiện có khoảng 90.000 quân Nga đang tập trung ở gần biên giới nước này và việc tăng cường quân như vậy có thể là màn dạo đầu cho một cuộc xâm chiếm.
Ngày 23/11, Đại tướng Valery Gerasimov, Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga, đã điện đàm với Đại tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ.
Cả Lầu Năm Góc và Bộ Quốc phòng Nga đều không tiết lộ thêm chi tiết liên quan cuộc điện đàm.
Căng thẳng Mỹ - Trung
Ngày 24/11, Mỹ đã bổ sung hàng chục công ty Trung Quốc vào danh sách đen thương mại, với lý do gây lo ngại đối với an ninh quốc gia cũng như các chính sách đối ngoại của Washington.
Theo CNBC, 8 thực thể công nghệ có trụ sở tại Trung Quốc đã bị thêm vào danh sách đen của Mỹ.
Bên cạnh đó, danh sách bổ sung của Bộ Thương mại Mỹ còn liệt thêm 16 tổ chức và cá nhân đang hoạt động ở Trung Quốc và Pakistan bị cho là có vai trò trong các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Islamabad.
Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Lưu Bằng Vũ cho biết, Bắc Kinh "kiên quyết phản đối" những hành động của Washington nhắm vào doanh nghiệp Trung Quốc.
Nhật - Hàn bỏ họp báo chung với Mỹ
Các thứ trưởng ngoại giao của Nhật và Hàn Quốc đều rút khỏi cuộc họp báo 3 bên đã lên lịch từ trước với người đồng cấp Mỹ ở Washington, vì tranh cãi giữa Tokyo và Seoul về chủ quyền các đảo.
Theo Reuters, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman buộc phải một mình trả lời các câu hỏi của các phóng viên.
Bà Sherman cho biết, việc hủy bỏ họp báo chung không liên quan đến cuộc gặp 3 bên trước đó.
Các thứ trưởng ngoại giao Mỹ - Nhật - Hàn đã thảo luận về tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông cũng như các cam kết của những nước này nhằm thúc đẩy các giá trị dân chủ, nhân quyền.
Tai nạn mỏ than ở Nga, hàng chục người chết
Vụ rò rỉ khí tại một mỏ than ở Listvyazhskaya, Siberia (Nga) vào sáng ngày 25/11, đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 52 người, bao gồm cả 6 nhân viên cứu hộ.
Dữ liệu sơ bộ của cơ quan phụ trách các vấn đề khẩn cấp cho biết, hơn 260 thợ mỏ đã được cứu, 40 người trong số này phải nhập viện.
Theo Ủy ban điều tra vùng, 3 người đã bị bắt, trong đó có giám đốc và phó giám đốc mỏ vì bị nghi vi phạm các quy tắc an toàn công nghiệp.
VietNamNet TV
Ông Biden tạm chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống Mỹ
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 19/11 tạm chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống Kamala Harris khi ông trải qua quá trình gây mê để nội soi đại tràng định kỳ.
Số người thiệt mạng trong tai nạn mỏ than ở Nga tăng vọt
Vụ rò rỉ khí tại một mỏ than ở Siberia đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 52 người, gồm cả 6 nhân viên cứu hộ được cử xuống để giải cứu hàng chục người khác.