Michael Flynn, ứng viên cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, đã có 5 cuộc điện thoại với đại sứ Nga tại Washington vào ngày Mỹ tuyên bố trả đũa Nga, với cáo buộc Moscow đã can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ.


Các cuộc gọi xảy ra giữa lúc Đại sứ quán Nga được thông báo về các lệnh trừng phạt của Mỹ và tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng ông quyết định chống lại các biện pháp trả đũa, Reuters dẫn ba nguồn thạo tin cho biết.

{keywords}
Michael Flynn, ứng viên cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

Các cuộc gọi này đã củng cố thêm những nghi vấn của một số quan chức Mỹ về việc các cố vấn của Trump và quan chức Nga đã liên lạc với nhau vào thời điểm khi các cơ quan tình báo Mỹ cho rằng Moscow đã tiến hành một chiến dịch tấn công mạng đa chiều và các hành động khác để tăng khả năng thắng cử cho Donald Trump trước ứng viên của đảng Dân chủ Hillary Clinton.

Ngày 29/12/2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama ra lệnh trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga bị tình nghi là gián điệp và áp đặt các lệnh trừng phạt đối với hai cơ quan tình báo của Nga, với cáo buộc tham gia tấn công mạng các nhóm chính trị Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống.

Chính phủ Mỹ đã thông báo với Đại sứ Nga tại Mỹ, ông Sergei Kislyak, một tiếng trước khi quyết định này được công khai, một trong những nguồn tin cho biết.

Tin tức về các cuộc điện đàm giữa Michael Flynn và Kislyak được đăng tải đầu tiên trên Washington Post.

Một quan chức trong nhóm chuyển giao quyền lực của Trump đã xác nhận về một trong những cuộc trò chuyện giữa hai người vào hôm 29/12 và nói rằng họ không thảo luận về các biện pháp trừng phạt.

Ba nguồn tin cũng nhấn mạnh với Reuters rằng họ không biết ai là người đã khởi xướng 5 cuộc điện thoại giữa Flynn, một cựu tướng ba sao dưới chính quyền Obama, và Đại sứ Kislyak. Họ cũng không biết về nội dung cuộc các cuộc hội thoại và từ chối tiết lộ lý do tại sao họ biết về chúng.

Một nguồn tin cho biết không có gì là sai trái khi một nhà ngoại giao Nga nói chuyện với một thành viên trong nhóm chuyển giao quyền lực của Trump sau thông báo về các lệnh trừng phạt của Mỹ. Moscow có lẽ sẽ muốn biết về việc đội ngũ của Trump nghĩ gì về việc này.

Nhận xét này cũng phù hợp với ý kiến của Mark Toner, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ.

"Bộ Ngoại giao không thấy có gì không thích đáng về việc liên lạc giữa các thành viên của chính quyền sắp tới và các quan chức nước ngoài", Reuters dẫn lời Mark Toner hôm 13/1.

Sầm Hoa