Leonid Pasechnik, lãnh đạo nước cộng hòa tự xưng Luhansk ở vùng Donbass, Ukraine hôm 27/3 tuyên bố, vùng ly khai này có thể sẽ sớm tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để sáp nhập với Nga.

{keywords}
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi phương Tây viện trợ thêm máy bay, xe tăng, tên lửa để nước này chống lại quân Nga. Ảnh: BI

Kyrylo Budanov, lãnh đạo cơ quan tình báo quân đội Ukraine mô tả kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý ở Luhansk là "âm mưu chia cắt" quốc gia Đông Âu này thành 2 nước riêng biệt như Triều Tiên và Hàn Quốc sau Thế chiến thứ hai. Ông Budanov khẳng định, quân đội Ukraine cuối cùng sẽ đẩy lui các lực lượng Nga.

Reuters dẫn lời phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ukraine nhấn mạnh: "Tất cả các cuộc trưng cầu dân ý giả mạo tại những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời đều vô hiệu và sẽ không có giá trị pháp lý. Thay vào đó, Nga sẽ đối mặt với phản ứng thậm chí còn mạnh mẽ hơn từ cộng đồng quốc tế, cô lập hơn nữa nước này trên toàn cầu".

Trước đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi phương Tây viện trợ cho Kiev thêm nhiều xe tăng, máy bay và tên lửa để giúp chống lại quân Nga. Giới chức Kiev cáo buộc, các lực lượng Moscow ngày càng nhắm tấn công vào các kho nhiên liệu và thực phẩm của Ukraine.

Theo ông Zelensky, nhiều nước đã hứa hẹn chuyển giao tên lửa chống tăng, tên lửa phòng không và vũ khí cỡ nhỏ nhưng Kiev chưa nhận được những gì họ cần. Lãnh đạo Kiev quả quyết, Ukraine chỉ cần 1% máy bay cũng như 1% xe tăng của NATO và các lực lượng nước này sẽ không thể ngăn chặn được các đợt tập kích của Nga vào thành phố cảng miền nam Mariupol nếu không có đủ xe tăng, xe thiết giáp và chiến đấu cơ.

Ông Zelensky nói, đây là cuộc chiến "không chỉ vì tự do của Ukraine, mà còn vì tự do của cả châu Âu". Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế áp thêm nhiều biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nhằm buộc Moscow phải chấm dứt chiến dịch quân sự ở nước láng giềng.

Trong khi đó, dù cho rằng Ukraine cần thêm hỗ trợ để tự bảo vệ, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc cắt đứt mọi quan hệ với Nga.

"Nếu mọi người đốt cháy các cây cầu nối với Nga, khi đó ai sẽ là người đối thoại với họ. Người Ukraine cần được hỗ trợ bằng mọi cách có thể để họ có thể tự vệ ... nhưng phía Nga cũng cần được lắng nghe, bằng cách này hay cách khác, để những bất bình của họ có thể được thấu hiểu nếu không được biện minh", Ibrahim Kalin, phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết tại diễn đàn quốc tế Doha.

Thổ Nhĩ Kỳ, nước thành viên NATO có quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine, đã tìm cách làm trung gian hòa giải nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài một tháng qua. Ankara phản đối Nga tiến đánh Ukraine, nhưng cho đến nay vẫn từ chối yêu cầu của phương Tây về việc áp trừng phạt Moscow.

Tuấn Anh

>>> Cập nhật tình hình chiến sự Nga - Ukraine hôm nay

Nga kết thúc giai đoạn một chiến dịch, hé lộ mục tiêu chính ở Ukraine

Nga kết thúc giai đoạn một chiến dịch, hé lộ mục tiêu chính ở Ukraine

Một Tướng hàng đầu của Nga đã phát biểu công khai, chi tiết nhất cho đến nay về chiến lược quân sự ở Ukraine, đồng thời tuyên bố hoàn tất "giai đoạn đầu tiên".